Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn
09:21 | 03/08/2022
Chủ tịch Quốc hội làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn Ngày 25/7/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). |
Đoàn công tác của Quốc hội thăm Phòng Điều khiển Trung tâm NMLD Dung Quất. |
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội về tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty BSR: Kể từ khi đi vào vận hành (năm 2009) đến hết quý 2/2022, BSR đã sản xuất hơn 80,1 triệu tấn sản phẩm; tổng doanh thu đạt 1,345 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 195 nghìn tỷ đồng. Kết quả SXKD từ 2009 đến nay đã chứng minh rằng việc đầu tư NMLD Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng ngân sách cho quốc gia, thúc đẩy kinh tế ở khu vực miền Trung,…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, BSR đã vận hành NMLD Dung Quất an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả ở công suất tối ưu. BSR đã tận dụng cơ hội chênh lệch cao giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack margin) để đem lại doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận sau thuế ở mức cao. Doanh thu BSR đạt 87.865 tỷ đồng; nộp NSNN đạt 10.636 tỷ đồng. Theo tính toán, lợi nhuận sau thuế của BSR trong 6 tháng đầu 2022 bằng 50% lợi nhuận sau thuế của cả giai đoạn 2009 - 2020.
Đến thời điểm hiện tại, NMLD Dung Quất đã đạt trên 35 triệu giờ công an toàn. BSR cũng không ngừng củng cố và hoàn thiện hệ thống quản trị theo mô hình công ty cổ phần; đồng thời mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số. Trong công tác nghiên cứu khoa học, BSR đã có 280 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được công nhận trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả ước đạt khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng.
Theo dự báo của các tổ chức uy tín trên thế giới, giá dầu thô và sản phẩm có xu hướng giảm dần đến cuối năm 2022 và crack margin đã qua giai đoạn đỉnh, có xu hướng giảm nhưng vẫn có lợi cho việc chế biến. Vì vậy, BSR nỗ lực phấn đấu với mục tiêu sản lượng sản xuất và xuất bán trong 6 tháng cuối năm 2022 tương đương 6 tháng đầu năm (khoảng 3,4 triệu tấn) và lợi nhuận sau thuế (phấn đấu bảo toàn kết quả 6 tháng đầu năm 2022), nộp NSNN cao nhất có thể (ước đạt trên 4 nghìn tỷ đồng).
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương đề nghị được Quốc hội hỗ trợ Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi/thúc đẩy đầu tư cho các dự án phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng, sản xuất năng lượng xanh. Điều chỉnh chính sách pháp lệnh dự trữ quốc gia về dầu thô, sản phẩm gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy lọc dầu. Chỉnh sửa các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng,… nhằm rút ngắn thời gian triển khai các dự án trong lĩnh vực đầu tư liên quan đến phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng. Chỉnh sửa Luật Thuế GTGT, trong đó loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên là dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hoặc thông qua các khách hàng của BSR) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để được khấu trừ đầu vào khi xuất khẩu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang phối hợp với Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí có phạm vi điều tra cơ bản về dầu khí và các hoạt động ở khâu thượng nguồn. Trong quá trình thực hiện, Quốc hội tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đạt chất lượng cao nhất. Quốc hội mong muốn rằng tất cả các luật, trong đó có Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Và đặc biệt, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động Dầu khí, tạo điều kiện cho các chuỗi giá trị dầu khí bền vững, thích ứng với biến động kinh tế vĩ mô và xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới hiện nay./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM