Ký thỏa thuận đấu nối và dịch vụ "Điểm giao nhận khí thứ 2"
11:09 | 05/09/2014
>> PV Gas: Điểm sáng trong lao động sáng tạo của ngành Dầu khí
>> “Nâng cao giá trị kinh tế Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau”
Dự án “Điểm giao nhận khí thứ 2” (hay còn gọi là dự án cấp bù khí từ Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn sang Nhà máy xử lý khí Dinh Cố) là dự án kết nối 2 hệ thống khí quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Bộ, tại xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT. Đây có thể coi như “một cái bắt tay” hiệu quả và thông suốt cho 2 hệ thống, cho phép đưa một phần khí Nam Côn Sơn từ hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn sang nhà máy GPP Dinh Cố của PV Gas.
Mỗi ngày, có khoảng 1 triệu m3 khí/ngày đêm từ hệ thống khí NCS được cấp qua Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, nhằm mục đích tối ưu hóa công suất xử lý khí của 2 nhà máy, điều hòa nguồn cấp khí, tận dụng tối ưu công suất và hiệu quả của hai dây chuyền khí Nam Côn Sơn và Cửu Long, đảm bảo nguồn cung khí và các sản phẩm khí ổn định cho các hộ tiêu thụ, đặc biệt là đối với nguồn cung ethane ổn định cho Tổ hợp hóa dầu Long Sơn.
Ngoài ra, dự án còn giúp tăng tính linh hoạt trong quá trình vận hành, trong trường hợp Nhà máy Nam Côn Sơn dừng bảo dưỡng sửa chữa định kỳ hoặc sự cố, qua đó đáp ứng nhu cầu khí đang ngày càng tăng lên của các hộ tiêu thụ tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án "Điểm giao nhận khí thứ 2" là dự án có tầm quan trọng lớn, đảm bảo tính linh hoạt trong vận hành giữa hai hệ thống khí Cửu Long và NCS, hứu hẹn đạt được những hiệu quả thiết thực trong tương lai gần cho PV Gas nói riêng và ngành dầu khí nói chung.
Hợp đồng đấu nối và dịch vụ cho "Điểm giao nhận khí thứ 2" giữa PV Gas và các chủ đường ống Nam Côn Sơn được ký kết là cơ sở pháp lý, cho phép PV Gas và các chủ đường ống thực hiện các hoạt động đấu nối, lắp đặt cụm thiết bị mới trong phạm vi Nhà máy Nam Côn Sơn; sau đó là thông qua kế hoạch phối hợp giữa PV Gas và các chủ đường ống Nam Côn Sơn trong giai đoạn vận hành cụm thiết bị mới.
Ngay sau khi dự án được ký kết, PV Gas sẽ tiến hành thi công, đấu nối cụm thiết bị mới. Mục tiêu là việc dòng khí đầu tiên từ hệ thống Nam Côn Sơn sẽ được đưa sang Nhà máy GPP Dinh Cố vào Quí I/2015. Lưu lượng vận chuyển qua hệ thống "Điểm giao nhận khí thứ 2" sau khi bước vào giai đoạn vận hành chính thức ước tính tối đa có thể đạt 3 triệu m3 khí/ngày đêm.
NangluongVietnam.vn