RSS Feed for Kinh doanh của EVN đã có lãi, nhưng phía trước còn nhiều thách thức lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 11:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kinh doanh của EVN đã có lãi, nhưng phía trước còn nhiều thách thức lớn

 - Mặc dù năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động kinh doanh đã có lãi gần 6.000 tỷ đồng, nhưng số lãi đó chỉ bù được một phần lỗ trên 40.000 tỷ đồng của những năm qua. Do đó, việc tăng giá điện vừa qua và trong thời gian tới cũng chưa thể bù đắp được phần lỗ nêu trên.

>> Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 1)
>> Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 2-3)
>> EVN triển khai kế hoạch 2013 và ra mắt các tổng công ty phát điện
>> Công tác chỉ đạo của Chính phủ về ngành Điện lực Việt Nam trong năm 2012

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA

Năm 2012 là năm EVN đã để lại dấu ấn đối với đất nước, khi xây dựng thành công nhiều nhà máy thủy điện, nhiêt điện, nhiều đường dây và trạm. Và lớn nhất, vĩ đại nhất là Thủy điện Sơn La, công suất 2.400MW. Để đạt được thành tựu to lớn này, EVN đã phải đi vay hàng trăm nghìn tỷ đồng. Riêng vay vốn nước ngoài, kể cả vay vốn trong nước để nhập thiết bị nước ngoài cũng phải chịu trả trượt giá ngoại tệ rất lớn.

Ví dụ, xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, thời điểm vay tỷ giá 13.500 đồng/USD, nay tỷ giá đã lên tới 21.000 đồng/USD. Số lượng vốn vay của Phả Lại 2 là trên 500 triệu USD, chỉ là ví dụ điển hình trong rất nhiều dự án nguồn và lưới điện phải chịu cảnh trượt giá USD như vậy.

Nguồn vốn vay trong nước và vay nước ngoài của EVN trong nhiều năm qua đã lên tới hàng chục tỷ USD. Riêng tính lãi vay để trả hàng năm cho khoản vay trên cũng đã mất tới 3.000 đến 4.000 tỷ VNĐ.

 

Trong các hội thảo bàn về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam, cũng như các văn bản kiến nghị của VEA tới cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ... ông Trần Viết Ngãi đã  nhiều lần khẳng định, cần phải sớm thực hiện chính sách giá năng lượng theo thị trường.

Trong phương án kinh doanh, cũng như trong đầu tư, EVN luôn cân nhắc kỹ lưỡng để đầu tư kinh doanh như thế nào là hiệu quả nhất. Năm 1992 trở về trước, toàn bộ hệ thống nguồn điện của đất nước chỉ có khoảng 8.000 MW, nhưng nhờ sự mạnh dạn đầu tư và tập trung cao độ xây dựng nguồn và lưới điện, đến nay Việt Nam đã có gần 27.000 MW công suất đặt. Như vậy, trong 20 năm qua tốc độ tăng trưởng của hệ thống điện Việt Năm đã tăng tới 3,4 lần.

Ngoài việc đầu tư xây dựng và khai thác hết các nguồn thủy điện có công suất 50MW trở lên làm cho tỷ trọng của thủy điện chiếm khoảng 50% tổng công suất điện quốc gia, đây là một nguồn lợi hết sức to lớn và quý giá cho đất nước.

Riêng thủy điện Sơn La, rút ngắn tiến độ 3 năm đã làm lợi cho Nhà nước gần 50 nghìn tỷ đồng, hàng năm đã đóng góp trên 10 tỉ kWh điện cho quốc gia.

Trước đây EVN đã xây dựng đường dây 500 kV siêu cao áp Bắc - Nam dài 1567 km trong 2 năm (1992 đến 1994) là một kỳ tích mà không có nước nào trên thế giới làm được, tiếp đến là đường dây 500 kV mạch 2 Bắc - Nam. Với hai đường dây trên đã thống nhất được hệ thống điện cả nước. Ngoài ra còn xây dựng nhiều đường dây 500 kV để kết nối lưới điện khu vực. EVN đã xây dựng hàng trăm nghìn km đường dây 220 kV kết nối mạch vòng trong cả nước, hàng trăm trạm biến áp 220 kV, cũng như xây dựng được hàng trăm nghìn km đường dây 110 kV, hàng triệu km đường dây 22 kV đưa điện đến mọi miền đất nước và hộ tiêu dùng...

Đặc biệt, những năm qua và trong hiện tại EVN đã vay nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên cả nước. Đến nay 100% số huyện, 98% số xã, 96% số hộ dân đã sử dụng lưới điện quốc gia. Đây là những thành tựu hết sức to lớn, mà nhiều nước trên thế giới cũng chưa làm được.

Ngành Điện lực Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, của các tổ chức quốc tế, sự giúp đỡ của chính quyền các cấp và nhân dân cả nước.

Thực hiện các tổng sơ đồ phát triển điện lực từ trước đến nay, EVN đều hoàn thành xuất sắc nhiện vụ. Nhưng một điều mà chúng ta hết sức băn khoăn, lo lắng đó là nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp, các hộ sử dụng điện đã, đang sử dụng điện hết sức lãng phí và chưa tiết kiệm. Đây là việc làm rất khó, bởi 2 lẽ: thứ nhất, đó là thói quen chưa có ý thức tiết kiệm điện, thứ hai là do giá điện Việt Nam còn thấp.

Do đó, hệ số đàn hồi trong nhiều năm qua (mức tăng trưởng điện năng trên mức tăng trưởng GDP) điều ở trên mức 2, hoặc hơn. Có nghĩa là, điện đã tăng trưởng gấp đôi mức tăng trưởng GDP của cả nước, gây sức ép cho EVN trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện rất lớn.

Việc nợ của EVN kể cả lãi và gốc từ trước đến nay luôn là con số khổng lồ, cần phải mất nhiều năm mới trả được hết nợ. Điều đó đã khẳng định kinh doanh của ngành Điện lực Việt Nam phải có lãi lớn thì mới rút ngắn được việc trả nợ. Nếu thực hiện đúng Tổng sơ đồ điện VII, tới năm 2015 hệ số đàn hồi giảm xuống 1,5 và đến năm 2020 hệ số đàn hồi còn 1 - điều đó sẽ nói lên sức ép đầu tư của ngành Điện lực Việt Nam ngày càng bớt căng thẳng hơn.

Để sử dụng điện năng có hiệu quả nhất, theo quan điểm chúng tôi cần cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện Luật Tiết kiệm Năng lượng, trong đó tiết kiệm điện năng phải coi là hàng đầu.

"Năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoạt động kinh doanh đã có lãi gần 6.000 tỷ đồng, nhưng số lãi đó chỉ bù được một phần lỗ trên 40.000 tỷ đồng của những năm qua".

Trong nhiều thập kỷ qua và hiện nay, trên 110.000 người lao động, từ lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, từ các nhà máy phát điện, đến truyền tải, phân phối, đến công nhân vận hành phải thường xuyên làm việc suốt ngày đêm để đảm bảo cung ứng đủ nguồn điện, an toàn, ổn định cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Với phân tích trên, chúng ta cũng không nên băn khoan gì về việc năm 2012 EVN có lãi. Theo quan điểm chúng tôi đây là điều hết sức vui mừng, đáng khích lệ và động viên.

Nếu EVN hằng năm hoạt động bị lỗ thì đó là điều hết sức nguy hiểm, bởi nếu như vậy EVN không có tiền để tái đầu tư, cải tạo hệ thống nguồn, lưới điện thì việc thiếu điện sẽ xẩy ra. Mặc dù với những thành tựu đạt được là rất lớn, nhưng phía trước là những thách thức cũng rất lớn đang đặt ra cho ngành Điện lực Việt Nam phải vượt qua.

Hiện nay do nguồn điện phân bổ chưa cân đối, tỷ trọng thủy điện chiếm cao hơn nhiệt điện, do vậy những năm hạn hán kéo dài, công suất thủy điện giảm, phải tăng công suất nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy dầu và chạy khí. Ví dụ năm 2010 -2011 do phát điện chạy dầu và chạy khí nhiều nên EVN đã lỗ tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu các năm tới thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài thì EVN chưa lường trước việc lỗ lãi như thế nào.

Mặt khác, trong Quy hoạch điện VII nhiệm vụ EVN hết sức nặng nề, tuy những năm gần đây có sự tham gia tích cực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và một số nhà đầu tư khác... tạo thêm nguồn điện cho hệ thống điện. Nhưng, EVN luôn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống điện quốc gia.

Theo Tổng sơ đồ điện VII, EVN cần phải có hàng chục tỷ USD để đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, nhưng hiện tại việc vay vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi hoạt động của EVN đã bị lỗ lớn trong nhiều năm qua, tỷ suất lợi nhận hàng năm thấp, nợ vay trong nước và quốc tế còn rất lớn.

Ngoài việc đầu tư hàng chục nhà máy thủy điện trong hiện tại, cũng như hàng chục nhà máy điện chạy than có công suất hàng chục nghìn MW, đóng góp vào mục tiêu là tới năm 2020 hệ thống điện Việt Nam phải đạt được 75.000MW công suất, tương đương với 330 tỷ kWh điện. Nếu tính đến kế hoạch sau năm 2020 thì nhiệm vụ của EVN ngày càng lớn hơn.

Hệ thống điện Việt Nam có đặc thù, đó là toàn bộ hệ thống nằm trong một thể thống nhất, từ các nhà máy, cho đến lưới truyền tải, phân phối cho tới hộ tiêu dùng điều do EVN quản lý. Đặc điểm này có yếu tố lịch sử để lại và trong tương lai cũng không có ai có thể thay thế được.

Theo Tổng sơ đồ điện VII, EVN cần phải có hàng chục tỷ USD để đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, nhưng hiện tại việc vay vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi hoạt động của EVN đã bị lỗ lớn trong nhiều năm qua, tỷ suất lợi nhận hàng năm thấp, nợ vay trong nước và quốc tế còn rất lớn. Đây là một thử thách lớn nhất của EVN trước mắt cũng như trong những năm săp tới.

Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với sự đoàn kết nhất trí của toàn thể cán bộ công nhân viên trong ngành, với sự quyết tâm cao, cộng với tư duy đổi mới, vững vàng trên con đường phát triển... EVN sẽ vượt qua những thử thức này và dành được nhiều thắng lợi to lớn hơn.

Theo tính toán của VEA, nếu để xẩy ra mất điện do thiếu nguồn, hoặc sự cố lưới điện, sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế - xã hội rất lớn. Do vậy, việc sản xuất, kinh doanh của EVN phải có lãi lớn để có vốn đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nguồn và lưới điện trên cả nước, cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế vào phát triển ngành điện trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 và những năm sau 2020. Để từ nay về sau, hệ thống điện luôn luôn đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nướcphục vụ đời sống nhân dân và còn có dự phòng, không để xẩy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ông Nguyễn Bá Thanh và câu chuyện 100 triệu ở Hà Nội!
"Nhận diện lợi ích nhóm"
Cảnh giác với “bẫy” nguy hiểm của Trung Quốc
Thách thức an ninh chủ quyền và bản lĩnh Việt Nam
Nhật Bản đã sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc
Chuyên gia quân sự Nga bình luận sức mạnh quân sự Trung Quốc

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động