Khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1
22:16 | 19/07/2015
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
Dự án Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 đặt tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, công suất 2x600 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 1,755 tỷ USD.
Đây là dự án lớn nhất mà doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư tại Việt Nam, đồng thời là dự án nhiệt điện đầu tiên sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn đốt than phun, ngọn lửa hình chữ “W”, sử dụng than Antraxit Việt Nam.
Tổng cục Năng lượng yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức thi công chặt chẽ, đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ của công trình. Ảnh Hải Vân
Dự án được góp vốn bởi Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, Công ty TNHH Điện lực Quốc tế Trung Quốc và Tổng công ty Điện lực Vinacomin, với tỷ lệ đóng góp cổ phần tương ứng là 55%, 45% và 5%.
Dự án được thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT), thời gian xây dựng là 48 tháng, thời gian vận hành và kinh doanh dự kiến là 25 năm, sau đó chuyển giao vô điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam.
Cơ cấu tài chính của dự án gồm 20% vốn góp và 80% vốn vay, tương đương 1.404 tỷ đô la Mỹ do tổ hợp 5 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) được chọn là tư vấn quản lý dự án của chủ đầu tư.
Liên danh Viện thiết kế Điện lực Quảng Đông (GEDI) và công ty xây dựng nhiệt điện Quảng Đông thuộc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (CEEC) là Tổng thầu thiết kế - mua sắm - xây dựng (EPC), các thiết bị chính gồm lò hơi, tua bin và máy phát được cung cấp bởi Tập đoàn Điện khí Đông Phương.
Dự án Nhà máy điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 đã có 8 năm chuẩn bị, kể từ khi Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án giữa Bộ Công nghiệp và Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc ngày 16-11-2006.
Ông Triệu Kiến Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc cho biết, hiện tại các hợp đồng liên quan đến dự án, các giấy phép cũng đã có hiệu lực và tài chính bắt đầu được giải ngân, công việc mua sắm thiết bị, tiến hành thuận lợi.
Đại diện phía chủ đầu tư, ông Triệu Kiến Quốc cam kết tuân thủ luật pháp của Việt Nam và các quy định của tỉnh Bình Thuận, cũng như lựa chọn thiết bị tiên tiến của Trung Quốc, lựa chọn các nhà thầu có kinh nghiệm, đảm bảo dự án theo tiến độ, góp phần vào hợp tác phát triển kinh tế giữa hai quốc gia.
Dự án BOT Vĩnh Tân 1 là một trong những dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030.
Việc hoàn thành xây dựng dự án sẽ góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện ở miền Nam, đồng thời đánh dấu việc chính thức áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong ngành nhiệt điện tại Việt Nam.
Khởi đầu cho 4 năm xây dựng, ông Đặng Huy Cường – Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho rằng, chủ đầu tư cùng các đối tác cần khẩn trương triển khai công việc kể từ ngày hôm nay để đạt được các mục tiêu trên.
Khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, ông Cường nói: “Chủ đầu tư phải tổ chức thi công chặt chẽ, đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ của công trình”.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, người đứng đầu Tổng cục Năng lượng cam kết tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng nhằm đạt được tiến độ, để dự án được đưa vào vận hành theo đúng kế hoạch.
HẢI VÂN