RSS Feed for Khẳng định vị thế của ngành Dầu khí Việt Nam trên trường quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 09/12/2024 03:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khẳng định vị thế của ngành Dầu khí Việt Nam trên trường quốc tế

 - Đối với thế giới, ngành công nghiệp dầu khí đã có lịch sử hàng trăm năm và đã hình thành nên các công ty đa quốc gia, các tập đoàn với qui mô vốn lớn, công nghệ cao và phạm vi hoạt động rộng lớn trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, ngành Dầu khí tuy đã bước sang tuổi 52 nhưng vẫn còn rất non trẻ, muốn phát triển nhanh phải tăng tốc, hợp tác sâu rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm của bạn bè thế giới đi trước để ngành Dầu khí Việt Nam có những bước đi nhanh hơn và vững chắc hơn trong tương lai.

>> Việt - Nhật hợp tác nghiên cứu khoa học năng lượng
>> Petrovietnam giới thiệu về ASCOPE C&E 2013
>> Doanh nghiệp Nhật Bản có thêm cơ hội đầu tư vào ngành Dầu khí Việt Nam
>> Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông
>> Petrovietnam và Zarubezhneft xem xét thành lập liên doanh dầu khí
>> Petrovietnam - Đối tác của sự lựa chọn

Th.S VŨ TIẾN ĐẠT

Ý thức được điều này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành dầu khí Việt Nam đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các mối quan hệ quốc tế để xây dựng ngành dầu khí luôn luôn phát triển ổn định và bền vững.

Liên doanh Dầu khí Việt-Xô, nay là Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) ra đời năm 1981 là một biểu hiện rõ nét nhất của quan hệ hợp tác quốc tế đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay.

Trải qua hơn 35 năm xây dựng và phát triển, ngành dầu khí đã lớn mạnh và trưởng thành từ phạm vi hoạt động ban đầu là tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam đến nay đã xây dựng và tự chủ vận hành nhà máy lọc hoá dầu, tạo nên ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và đồng bộ, đồng thời tăng cường mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực phụ trợ khác như điện, đạm, xây lắp, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh xăng dầu... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đất nước.

Có thể nói, mọi công trình, hoạt động dầu khí, dù ở bất cứ nơi đâu đều mang dấu ấn của hợp tác quốc tế và trên thực tế thương hiệu “PETROVIETNAM” đã được công nhận rộng rãi trên khắp thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm Văn phòng PVEP tại Cộng hòa Liên bang Myanmar tháng 12/2012

Những năm qua, công tác đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được đặc biệt quan tâm và chú trọng, nhằm không ngừng gia tăng trữ lượng và bảo đảm mục tiêu lâu dài là phát triển ổn định và bền vững. Hoạt động thăm dò, tìm kiếm trong nước của Petrovietnam từng bước được mở rộng, từ khu vực nước nông vươn ra vùng nước sâu, xa bờ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chiến lược đầu tư ra nước ngoài để cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở các khu vực có tiềm năng và triển vọng cao. Hướng đi mới thể hiện tinh thần phát huy nội lực, phát triển toàn diện các thế mạnh của Petrovietnam.

Quá trình phát triển, từng bước hội nhập thị trường dầu mỏ thế giới đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, Petrovietnam đã có hơn 80 hợp đồng dầu khí được ký kết với nhiều công ty dầu khí có uy tín đến từ các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á, và Trung Đông, trong đó 59 hợp đồng hiện đang còn hiệu lực.

Năm 2009, Petrovietnam đã ký 14 hợp đồng dầu khí mới. Đây là một kỷ lục và được xem là giai đoạn gặt hái được nhiều thành công trong việc thu hút, mở rộng đầu tư tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí của Petrovietnam.

Với năng lực và uy tín ngày càng lớn mạnh của Petrovietnam, cùng sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ, ngành, Chính phủ, đặc biệt thông qua kênh ngoại giao, nhiều bạn bè quốc tế đã đẩy mạnh và tăng cường hợp tác với Petrovietnam để cùng tham gia triển khai nhiều hợp đồng dầu khí ở các nước như: Liên bang Nga, các quốc gia SNG, châu Mỹ La tinh, Trung Ðông, châu Phi và Ðông - Nam Á.

Trong năm 2013 và các năm tiếp theo, một số mỏ dầu và khí mới sẽ được Petrovietnam đưa vào khai thác, đồng thời tăng cường tìm kiếm nguồn dầu thô ở nước ngoài sẽ gia tăng trữ lượng của Petrovietnam. Hiện nay, Tập đoàn đang tích cực tập trung đầu tư phát hiện dầu khí có khả năng khai thác công nghiệp ở cả trong nước và nước ngoài, nhằm sớm đưa các mỏ vào khai thác, đem lại nguồn thu và đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Lễ ký Thoả thuận hợp tác về dầu khí giữa Petrovietnam và Cục Kế hoạch Năng lượng, Bộ Năng lượng Myanmar

Ðối với lĩnh vực công nghiệp khí, Petrovietnam và các đối tác nước ngoài đầu tư xây dựng các hệ thống đường ống dẫn khí Rạng Ðông - Bạch Hổ, Nam Côn Sơn - Phú Mỹ - Nhơn Trạch và PM3 - Cà Mau vận chuyển khí từ các mỏ ngoài khơi vào các trung tâm công nghiệp lớn như: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau... Petrovietnam đang đầu tư đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, tiến tới đấu nối các tuyến đường ống dẫn khí ở khu vực Ðông và Tây Nam Bộ, hình thành hệ thống mạng đường ống khí hoàn chỉnh ở khu vực phía Nam nhằm chủ động điều chỉnh cân đối cung cầu khí phục vụ cho sản xuất công nghiệp, cũng như cho các hộ tiêu thụ.

Về dài hạn, Petrovietnam sẽ tham gia dự án hệ thống đường ống khí kết nối giữa các nước khu vực ASEAN và xây dựng các trạm nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm khí khác nhằm bảo đảm nguồn khí ổn định lâu dài, phục vụ sản xuất điện, đạm và các sản phẩm khác cho đất nước.

Đối với khâu thăm dò khai thác dầu khí, Quốc hội đã ban hành Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và năm 2008. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Dầu khí và một số văn bản pháp luật có liên quan. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đó cùng với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã có tác dụng quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí, góp phần đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm thăm dò dầu khí, gia tăng trữ lượng, phát hiện ra nhiều mỏ mới, tạo tiền đề vững chắc cho việc khai thác dầu khí ổn định, bền vững cho các năm sau, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời mở ra hướng phát triển cho hàng loạt lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác từ chế biến dầu khí, kinh doanh các sản phẩm xăng dầu đến đóng tầu, xây dựng cảng, dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, an toàn môi trường và đào tạo nhân lực...

Lễ ký hợp tác dầu khí giữa Petrovietnam và  Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft (Liên bang Nga)

Với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội và điều kiện hội nhập quốc tế cao hơn, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập vào nhiều thị trường lớn trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu cạnh tranh với các công ty trên khắp thế giới, bên cạnh đó nhiều quốc gia, nhiều công ty nước ngoài ở các lĩnh vực khác nhau cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác kinh doanh, Petrovietnam cũng không phải là ngoại lệ.

Không chỉ hoạt động hợp tác về dầu khí trong nước, Petrovietnam đã có nhiều dự án hợp tác đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, có thể kể đến các dự án đã và đang triển khai ở Algeria, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Liên bang Nga, Peru, Venezuela…

Bên cạnh các hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài, hợp tác quốc tế của Petrovietnam trong các lĩnh vực khác đã có các tín hiệu khả quan. Chúng ta đã có các hợp đồng kinh doanh dầu thô và sản phẩm dầu khí ở nước ngoài, các dự án xây dựng nhà máy thủy điện và khai thác khoáng sản tại Lào cũng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và phục vụ cho xuất khẩu.

Ngoài ra, Petrovietnam hiện đã tham gia vào nhiều tổ chức năng lượng mang tầm quốc tế trong khu vực và trên thế giới với vai trò là thành viên tích cực như: Hiệp hội Khí thế giới (IGU), Hội đồng Dầu khí khu vực ASEAN (ASCOPE), Triển lãm về ngành Công nghiệp khí Châu Á (GASEX), Hội đồng Dầu khí Thế giới (WPC)…đã tích cực tham gia vào dự án đường ống dẫn khí xuyên các nước ASEAN và tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác thuộc khu vực Châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh bằng việc ký kết các Bản Ghi nhớ (MOU) với các Công ty Dầu khí Quốc gia của các nước có tiềm năng lớn về dầu khí như Angola, Mozambique, Sudan, Oman, UAE, Kuwait, Nicaragua, Bolivia, Ecuador… để tiến tới ký kết các hợp đồng cụ thể trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu thô, khí hóa lỏng LNG… để phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng cao của đất nước.

Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực dầu khí không đơn thuần là quan hệ cấp công ty, doanh nghiệp mà ngành dầu khí còn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua chủ trương đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các nước để hỗ trợ cho ngành dầu khí trên bước đường phát triển, hội nhập và đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gắt gao. Ý thức được nhiệm vụ quan trọng này, ngành Dầu khí Việt Nam đã tích cực vươn ra với thế giới để mở rộng quan hệ quốc tế của ngành, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ở nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực với nhiều mục tiêu đa dạng trong đó có việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và quảng bá thương hiệu Petrovietnam nói riêng, góp phần tạo nên một bức tranh đậm nét, sinh động trong quan hệ quốc tế của ngành Dầu khí Việt Nam trên con đường hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ông Nguyễn Bá Thanh và câu chuyện 100 triệu ở Hà Nội!
"Nhận diện lợi ích nhóm"
Cảnh giác với “bẫy” nguy hiểm của Trung Quốc
Thách thức an ninh chủ quyền và bản lĩnh Việt Nam
Nhật Bản đã sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc
Chuyên gia quân sự Nga bình luận sức mạnh quân sự Trung Quốc

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động