RSS Feed for Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII - Tổng hợp từ hội thảo tham vấn của Bộ Công Thương | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 19/02/2025 04:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII - Tổng hợp từ hội thảo tham vấn của Bộ Công Thương

 - Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo tham vấn về ‘‘Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch điện VIII) và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì, với sự tham gia của các đại diện các bộ, ngành, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, chuyên gia phản biện, đại diện các tập đoàn, đơn vị ngành điện, hiệp hội, trường đại học, tổ chức quốc tế. (Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam).
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Năm 2024, ngành năng lượng Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, đòi hỏi phải có nguồn điện đủ lớn, ổn định và tin cậy. Trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới của các phân ngành (điện, than, dầu khí…), Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về các vấn đề năng lượng đang được dư luận quan tâm. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Việc Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được thực hiện theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Công Thương nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch này.

Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII bao gồm 12 chương, nghiên cứu và tính toán các kịch bản, phương án khác nhau nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Đề án cũng tuân thủ các văn kiện của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược phát triển năng lượng và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Mục tiêu của việc Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050. Đồng thời, Quy hoạch hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các kịch bản tăng trưởng công suất nguồn điện, bao gồm kịch bản cơ sở với mức tăng 45-50%, kịch bản cao 60-65% và kịch bản cực đoan 70-75% so với hiện tại.

Bộ Công Thương nhấn mạnh việc phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo, đồng thời khai thác triệt để, tối đa nguồn thủy điện và thủy điện tích năng - vì đây là nguồn năng lượng sạch, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện.

Mở đầu là bài trình bày về ‘‘Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII” tập trung vào dự báo nhu cầu điện dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Nhu cầu điện tăng nhanh do phát triển kinh tế, xã hội với sự tăng trưởng mạnh ở miền Bắc (chủ yếu từ công nghiệp và tiêu dùng dân cư). Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc tăng gấp 1,7 lần từ 158 tỷ kWh (2016) lên 276 tỷ kWh (2024), tốc độ tăng trưởng bình quân 7,2%/năm.

Về các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội, Quy hoạch điện VIII (hiệu chỉnh) có đưa ra một số đề xuất kịch bản như sau:

1. Kịch bản thấp: GDP tăng trưởng bình quân 6,5%/năm (2031-2050).

2. Kịch bản cơ sở: Đảm bảo mức tăng trưởng bình quân 7% (2021-2030), dịch vụ chiếm 55% GDP vào năm 2050.

3. Kịch bản cao: GDP tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, dịch vụ đạt 65% GDP vào năm 2050.

4. Kịch bản cao đặc biệt: Tăng trưởng GDP hai con số kéo dài, quy mô điện lực tương đương các quốc gia lớn hiện nay.

Trong đó, kịch bản cơ sở phù hợp nhất với mục tiêu tăng trưởng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. Kịch bản cao và cao đặc biệt dự phòng cho nhu cầu điện tăng mạnh khi kinh tế phát triển vượt kỳ vọng. Bài trình bày nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch điện lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong các giai đoạn tới.

Tiếp theo là bài trình bày về “Thông số đầu vào và Chương trình phát triển nguồn điện” trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tập trung vào cập nhật thông số đầu vào và xây dựng kịch bản phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net zero 2050. Một số giả thiết và thông số đầu vào có thể tóm tắt như sau:

1. Dự báo phụ tải: 4 kịch bản từ thấp đến cao đặc biệt, kịch bản cao đặc biệt năm 2050 cao hơn ~33% so với Quy hoạch điện VIII.

2. Công nghệ và nhiên liệu: Cập nhật Cẩm nang công nghệ phát điện Việt Nam 2023.

- Điện than và khí chuyển đổi nhiên liệu (đốt kèm sinh khối, amoniac, hydrogen).

- Bổ sung công nghệ lưu trữ mới: Pin Vanadium, khí nén, bánh đà.

4. Tiềm năng năng lượng:

- Điện gió trên bờ: 130 GW; gần bờ: 17,3 GW; ngoài khơi: 600 GW.

- Điện mặt trời: 295,6 GW (kịch bản cơ sở) đến 576,7 GW (kịch bản cao).

- Thủy điện tích năng: 10 GW.

5. Dự báo giá nhiên liệu: Giá hydrogen xanh và amoniac xanh không giảm nhanh như dự báo trước.

6. Yêu cầu dự phòng: Tăng dự phòng vận hành, linh hoạt cho các nguồn điện gió và mặt trời.

7. Ràng buộc khí hậu: Kiểm soát phát thải CO2 với đỉnh phát thải năm 2035 và đạt Net zero vào năm 2050.

Chương trình phát triển nguồn điện:

1. Mục tiêu Net zero 2050: Chuyển đổi nhiên liệu cho điện than, khí, phát triển điện hạt nhân và công nghệ lưu trữ carbon (CCUS).

2. Kịch bản phát triển chính:

- Kịch bản 1A và 2A: Phụ tải cơ sở và cao, chuyển đổi nhiên liệu cho điện than, khí.

- Kịch bản 1B và 2B: Phụ tải cơ sở và cao, dừng vận hành nhiệt điện than, khí sau 30 năm vận hành.

- Kịch bản 3A: Phụ tải cao đặc biệt, chậm tiến độ 11 dự án LNG (19,7 GW).

- Kịch bản phân tích độ nhạy: Nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, không có khí Cá Voi Xanh và Báo Vàng, phát triển điện hạt nhân ở miền Bắc, giá nhiên liệu cao và chi phí đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT), BESS.

Kết quả và kiến nghị:

- Phụ tải cơ sở (KB 1A, 1B): Công suất nguồn điện đạt 236,4 GW (2030) và 399,6 GW (2050).

- Phụ tải cao (KB 2A, 2B): Đến 2050, nguồn NLTT chiếm 82-85%, điện hạt nhân bổ sung thêm 5 GW tại miền Bắc và 3 GW tại miền Trung.

- Phụ tải cao đặc biệt (KB 3A): Đòi hỏi phát triển mạnh các nguồn lưu trữ và nguồn điện linh hoạt để đảm bảo ổn định hệ thống.

Bài trình bày về “Chương trình phát triển lưới điện truyền tải” trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tập trung vào việc xây dựng lưới truyền tải hiện đại, đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Chương trình phát triển lưới truyền tải theo Quy hoạch điện VIII (điều chỉnh) được đề xuất như sau:

1. Nhu cầu truyền tải liên miền:

- Tăng dần theo từng năm, chủ yếu từ miền Trung ra miền Bắc và từ miền Trung vào miền Nam.

- Năm 2050, truyền tải Trung - Bắc đạt 135 tỷ kWh và Trung - Nam đạt 42 tỷ kWh.

2. Phương án phát triển lưới truyền tải:

Giai đoạn đến 2030:

- Liên kết Bắc Trung bộ - Bắc bộ: Xây mới đường dây Nghi Sơn - Hưng Yên, cải tạo đường dây Nho Quan - Hà Tĩnh.

- Liên kết Nam Trung bộ - Nam bộ: Xây mới đường dây Ninh Sơn - Chơn Thành.

- Chuẩn bị hạ tầng đấu nối điện hạt nhân.

Giai đoạn đến 2035:

Truyền tải công suất cao từ Trung Trung bộ ra Bắc bộ với 3 phương án:

- Phương án 1: HVDC ±800 kV (2 hệ thống Bipole, 5.000-6.000 MW).

- Phương án 2: HVAC 765 kV (3 đường dây mạch kép).

- Phương án 3: HVAC 1000 kV (2 đường dây mạch kép).

- Lựa chọn ưu tiên: Phương án HVDC ±800 kV nhờ tổn thất điện năng thấp, ổn định cao, tiết kiệm diện tích.

Giai đoạn 2036-2050:

- Phát triển hạ tầng truyền tải từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Trung Trung bộ về Bắc bộ và Đông Nam bộ.

- Ứng dụng công nghệ mới: Đường dây cột 3,4 mạch, cáp ngầm siêu cao áp, lưới điện thông minh.

Xuất nhập khẩu và liên kết lưới điện khu vực:

1. Nhập khẩu điện từ Lào:

- Đến năm 2030 đạt 5.000 MW và có thể tăng lên 8.000 MW.

- Xây dựng 4 đường dây 500 kV và 6+2 đường dây 220 kV kết nối từ Lào về Việt Nam.

2. Nhập khẩu điện từ Trung Quốc:

- Quy mô 3.000 MW qua hướng Lào Cai và 360 MW qua hướng Quảng Ninh.

- Xây dựng trạm B2B và đường dây 500 kV, 220 kV kết nối từ biên giới về Việt Nam.

3. Xuất khẩu điện và liên kết khu vực: Nghiên cứu kết nối HVDC xuất khẩu điện NLTT sang Malaysia, Singapore.

Bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lưới truyền tải hiện đại và liên kết lưới điện khu vực nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, tích hợp tỷ trọng cao nguồn NLTT và đạt mục tiêu Net zero 2050.

Cuối cùng là bài trình bày về “Giải pháp và cơ chế thực hiện điều chỉnh Quy hoạch đường dây” tập trung vào các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển điện lực bền vững.

Vốn đầu tư và chỉ tiêu kinh tế cho giai đoạn 2026-2030 cần 136-172 tỷ USD, giai đoạn 2031-2050 cần 699-801 tỷ USD. Giá điện bình quân dự kiến 9,1-9,4 USc/kWh (2030) và 11,3-11,7 USc/kWh (2050).

Về các giải pháp thực hiện quy hoạch, báo cáo hiệu chỉnh Quy hoạch điện VIII có đề xuất các giải pháp như:

1. An ninh cung cấp điện: Ưu tiên dự án khẩn cấp, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc, phát triển điện hạt nhân và nâng cấp lưới điện thông minh.

2. Pháp luật và chính sách: Hoàn thiện luật về điện hạt nhân, chính sách giá điện hai thành phần, giá truyền tải theo vùng để khuyến khích đầu tư.

3. Thu hút vốn đầu tư: Phát triển cơ chế tài chính xanh, huy động vốn quốc tế, thúc đẩy đầu tư tư nhân và cơ chế xã hội hóa lưới điện truyền tải.

4. Bảo vệ môi trường: Chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ giảm phát thải và hạn chế phát triển điện ở khu vực bảo tồn.

5. Khoa học công nghệ: Nghiên cứu, phát triển công nghệ mới như pin lưu trữ, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh và công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon.

6. Tiết kiệm và hiệu quả: Hoàn thiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, điều chỉnh giá điện theo khung giờ và tăng cường giám sát sử dụng năng lượng.

Cơ chế thực hiện Quy hoạch:

1. Khuyến khích đầu tư: Áp dụng đấu giá cho năng lượng tái tạo, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, hệ thống lưu trữ pin (BESS) và điện LNG.

2. Thanh toán linh hoạt: Áp dụng giá hai thành phần (công suất và điện năng) cho thủy điện tích năng, pin tích năng và nhiệt điện linh hoạt.

3. Đầu tư cấp bách và nhập khẩu điện: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhập khẩu điện từ nước láng giềng để đảm bảo an ninh năng lượng.

4. Tiết kiệm năng lượng: Xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần và khuyến khích đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Kiến nghị ưu tiên thực hiện:

Thứ nhất: Ưu đãi phát triển năng lượng mặt trời mái nhà và điện gió tại miền Bắc.

Thứ hai: Khuyến khích đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) và đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện than, LNG đã được phê duyệt.

Thứ ba: Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân và hệ thống truyền tải dài từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc.

Bài trình bày nhấn mạnh các giải pháp tổng thể về vốn đầu tư, chính sách, công nghệ, bảo vệ môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển điện lực bền vững.

Thông qua hội thảo, Bộ Công Thương mong muốn tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp để hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành điện lực Việt Nam trong giai đoạn tới./.

TS. NGUYỄN ANH TUẤN (B) - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động