RSS Feed for Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam

 - Từ năm 2005, khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, được thành lập, những người đứng đầu Tập đoàn đã quyết định đẩy mạnh hơn công cuộc tìm kiếm địa điểm khai thác than đầu tiên ở Việt Nam.

Bức chỉ dụ khai sinh ra ngành công nghiệp khai thác than
20 cột mốc "đầu tiên" của ngành Than Việt Nam

Đài Hoàng Đế lệnh chỉ được dựng trong khu Di tích điểm khai thác than đầu tiên tại xã Yên Thọ (TX Đông Triều).

Đài Hoàng Đế lệnh chỉ được dựng trong khu Di tích điểm khai thác than đầu tiên tại xã Yên Thọ (TX Đông Triều).

Sử sách không chép lại cụ thể. Chuyện người xưa phát hiện ra than đá ở Đông Triều cũng chỉ được truyền khẩu vào khoảng cuối thế kỷ XVII cùng với Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, quan trông coi việc học hành ở Quốc tử giám, là người am hiểu khoa học. Để có được dòng thông tin cụ thể về điểm khai thác than đầu tiên và những người thợ mỏ khai thác than có tổ chức đầu tiên ở Việt Nam là một hành trình dài nhiều năm tìm kiếm. Lịch sử ngành công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản khi bức Dụ ngày 10-1-1840 (ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20) của vua Minh Mạng cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên (vùng Quảng Ninh ngày nay) là Tôn Thất Bật, khai thác than đá ở Đông Triều, được phát hiện bởi Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Ngày 8-8-2007 tại cố đô Huế, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế đã bàn giao cho Chủ tịch HĐQT TKV bức Dụ của vua Minh Mạng. Bức Dụ cổ đặc biệt quan trọng và quý giá đối với ngành than - khoáng sản Việt Nam, bởi tính nhân văn của nó: Vua nước Nam khai sinh nền công nghiệp than Việt Nam. Đồng thời, từ đó cho phép xác nhận mốc ra đời, chính thức mở ra ngành khai thác than, khoáng sản trên đất nước ta. Việc phát hiện ra than đá và những người đầu tiên đã khai thác than đá ở Đông Triều đều là người Việt Nam. Công cuộc khai thác than đá phục vụ cho nhà nước phong kiến sử dụng cũng đều là được phép của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ, và từ đó đã hình thành đội ngũ thợ mỏ ở địa phương để khai thác than đá trước khi Triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp để lập Công ty Than Đông Triều vào năm 1888.

Để ghi nhận sự kiện này trong lịch sử khai thác mỏ, năm 2008 UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận di tích “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” tại núi Yên Lãng, thuộc thôn Trại Hà (xã Yên Thọ, Đông Triều). Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam là một quần thể di tích, có hai khu, một khu có di tích Miếu Mỏ rộng 40ha và một khu có di tích đền Bà Chúa Kẽm, rộng 3,5ha; hai khu cách nhau khoảng hơn 1km. Núi Yên Lãng có các vỉa than V8, V9 và V10 có than lộ vỉa, khu vực này chỉ cần gạt một lớp đất đá mỏng trên mặt là hiện ra nguồn than. TKV đã giao cho Công ty Địa chất mỏ, trực tiếp là Xí nghiệp Địa chất Đông Triều, đứng chân ngay tại khu vực có di tích, có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và tạo điều kiện phát huy giá trị di tích. Năm 2009, TKV đã duyệt đề cương và dự toán lập nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu trên 52 tỷ đồng. Đồng thời, làm lễ động thổ, khởi công xây dựng Thạch trụ yểm sơn, mở đầu cho công việc tôn tạo di tích, nhằm đưa di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam thành nơi du lịch về nguồn của ngành Than Việt Nam.

Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại xã Yên Thọ có diện tích nghiên cứu quy hoạch 87,75ha, diện tích vùng bảo vệ di tích 41,2ha. Khu vực lập quy hoạch chi tiết trên 23,5ha, gồm khu di tích đền Thượng (Miếu Mỏ) trên 4,7ha, khu di tích miếu Bãi Tràng Tiền 1,2ha, khu Thạch trụ yểm sơn gần 2,3ha, khu đền Hạ trên 2,5ha, khu bảo tàng ngành than - khoáng sản Việt Nam trên 2,5ha, khu tái tạo cảnh quan tự nhiên trên 4,3ha, khu quản lý di tích và tiếp đón khách tham quan trên 0,8ha. Đến nay, Xí nghiệp Địa chất Đông Triều tiếp tục đầu tư dựng đài Hoàng Đế lệnh chỉ bằng đá xanh, trên đài có khắc bức Dụ của vua Minh Mạng từ năm 1840.

Như vậy ngành Than, bên cạnh Ngày truyền thống 12-11 nhớ về cuộc tổng đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ chống lại sự hà khắc của bọn chủ mỏ thực dân năm 1936 với câu khẩu hiệu nổi tiếng “Kỷ luật và đồng tâm chúng ta sẽ thắng!”, nay còn có ngày kỷ niệm 10-1, ngày khai sinh ra ngành than - khoáng sản Việt Nam từ năm 1840 với bức Dụ cho phép khai thác than của vua Minh Mạng - ông Tổ ngành Than Việt Nam. Di tích này ở vùng than Đông Triều mãi là niềm tự hào về lịch sử hình thành giai cấp công nhân mỏ và truyền thống lịch sử công cuộc khai mỏ của các thế hệ thợ mỏ ngành Than Việt Nam.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động