RSS Feed for Đến với thợ mỏ Anh hùng những ngày đầu thu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 12:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đến với thợ mỏ Anh hùng những ngày đầu thu

 - Những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2015 tỉnh Quảng Ninh đã phải gánh chịu một đợt mưa lũ lớn nhất trong lịch sử 40 năm lại đây. Mưa lũ đã gây ra tổn thất lớn về người và tài sản. Đặc biệt cho Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mà trực tiếp là các đơn vị khai thác chế biến than tại các địa bàn: Cẩm Phả, Hạ Long, Hòn Gai, Uông Bí bị thiệt hại nặng nề nhất. Chia sẻ và ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên ngành Than, Tạp chí Năng lượng Việt Nam có chuyến thực tế tại các đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua.

TKV giữ vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Bài 1: Than Mông Dương vượt lên thách thức

Theo số liệu từ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, trong tổng thiệt hại ước tính  trên 1.200 tỷ đồng do mưa lũ gây ra đối với ngành Than thì Công ty CP than Mông Dương chiếm tới 500 tỷ đồng. Một con số mới nghe đã giật mình. Và đó cũng là lý do để chúng tôi chọn Mông Dương làm điểm đến đầu tiên trong chuyến đi này.

Đúng vào ngày 19 tháng 8 khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 thì tại văn phòng Công ty CP Than Mông Dương rất thưa vắng người. Chánh văn phòng Công ty cho biết: tất cả các đồng chí trong ban lãnh đạo Công ty đang tập trung xuống hiện trường, người thì trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố, điều hành sản xuất, người thì trực tiếp đến các đơn vị bạn hợp đồng cho thuê lao động. Công việc ở nhà ủy quyền cho Chánh văn phòng và Phó chủ tịch công đoàn đảm nhận.

 

Trước thử thách nghiệt ngã của thiên tai

Cầm trên tay bản báo cáo kết quả sản xuất đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Công ty, chúng tôi hết sức phấn khởi. Trong tổng số 1.700.000 tấn than mà Tập đoàn giao cho Công ty thực hiện trong năm 2015, thì đến hết tháng 6 Công ty đã sản xuất được gần 817.000 tấn, doanh thu đạt gần 853 tỷ/ 1.800 tỷ đồng.

Công việc tưởng chừng như xuôi chèo mát mái thì đùng một cái vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8, đợt mưa lịch sử với lưu lượng có lúc lên đến 1.200mm trút xuống trên địa bàn TP Cẩm Phả đã gây ra ngập úng sâu trên diện rộng. Riêng tại địa bàn  thuộc Công ty CP Than Mông Dương khi 2 con suối 1110 và suối 978 bị đất đá vùi lấp, mất khả năng tiêu thoát nước thì toàn bộ cơ sở hạ tầng của Công ty như nhà cửa, kho tàng và các công trình phụ trợ khác bị ngập hoàn toàn. Nhiều tài sản bị hư hỏng hoặc bị cuốn trôi.

Trong những ngày mưa lũ, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng để chống chọi với thiên tai. Hàng ngàn công nhân đã dùng bao cát đắp bờ khoanh vùng để hạn chế nước tràn vào hầm lò. Bên cạnh đó, Công ty đã bố trí các đội xung kích túc trực 24/24h giờ tại 5 trạm bơm công suất 1250m3/h để bơm nước ra ngoài, nhưng do lượng mưa quá lớn nên cũng chỉ giữ được mực nước ở mức -97m. Trong khi đó độ sâu của hầm lò là -250m so với mặt nước biển.

 

Anh Đặng Văn Đương, Phó chủ tịch công đoàn người được Giám đốc giao cung cấp thông tin cho biết thêm: ngoài việc thiệt hại về vật chất lên tới 500 tỷ đồng, toàn Công ty còn có trên 250 gia đình bị thiệt hại về tài sản. Trong đó có 52 gia đình có nhà bị vùi lấp, hoặc nước cuốn trôi. Gia đình anh Đào Văn Nhiên - công nhân thuộc công trường đào lò số  5, ngụ tại tổ dân phố 3, khối phố 9, TP Cẩm Phả trong đêm đang túc trực làm nhiệm vụ tại phân trường thì ở nhà cả 3 mẹ con bị tử vong do nước kéo theo đất đá ập đến bất ngờ.

Vượt lên thử thách

Việc khắc phục hậu quả không phải chờ đến sau khi hết mưa lũ mà ngay trong mưa lũ cán bộ công nhân viên Than Mông Dương vừa tập trung khắc phục hạn chế thiệt hại về tài sản cho Công ty, vừa phối hợp với chính quyền địa phương mai táng cho gia đình có người bị mất, thăm hỏi đóng góp sửa chữa nhà cửa cho các gia đình công nhân có nhà bị vùi lấp, hoặc bị nước cuốn trôi. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, trong điều kiện đồng lương đến chậm, nhưng trên 4.200 công nhân vẫn tự nguyện góp mỗi người một ngày lương chung tay cùng Tập đoàn khắc phục hậu quả mưa lũ.

Sau mưa lũ, vấn đề cấp bách nhất là khôi phục sản xuất để đảm bảo công ăn việc làm cho gần 4.200 cán bộ công nhân. Được sự quan tâm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty đã huy động tối đa các phương tiện hiện có cùng với sự hổ trợ của các đơn vị bạn, do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Công ty đã khai thông được dòng chảy trên 2 con suối 987 và 1110 tạo điều kiện cho việc bơm nước từ các hầm lò lên mặt đất.

Với một khối lượng đất đá khổng lồ vùi lấp cho nên đến những ngày thượng tuần tháng 8, một số bãi tập kết than từ hầm lò vẫn chưa thu dọn hết bùn đất. Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu thu, cán bộ công nhân phân xưởng chế biến than vẫn kiên trì bám hiện trường nạo vét bùn đất làm vệ sinh nhà xưởng, với mong muốn làm sao để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.

 

Gặp chúng tôi trên hiện trường, anh Phạm Công Đắc, Phó quản đốc và chị Nguyễn Thị Xuyến, Phân xưởng chế biến than tâm sự: Cuộc sống của người công nhân thợ mỏ không dư dật, nhưng cũng đủ để nuôi con ăn học. Điều đáng lo nhất là hiện nay thiên tai gây thiệt hại quá lớn, liệu trước mắt Công ty có lo được việc làm cho công nhân hay không. Nếu không có việc làm thì cuộc sống sẽ rất khó khăn, bởi vậy, dù vất vả đến đâu chúng tôi vẫn đồng hành cùng Công ty để sớm khôi phục sản xuất, mọi người ai cũng có việc làm.

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cán bộ công nhân, trong những ngày qua lãnh đạo Công ty đã liên hệ hợp đồng lao động với Công ty CP Than Thống Nhất, Công ty CP Than Hạ Long, Công ty Than Khe Chàm bố trí việc làm cho trên 500 công nhân thợ lò của Công ty trong khi chờ khôi phục lại sản xuất.

Bằng sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên trong toàn Công ty, đến những ngày cuối tháng 8, mực nước tại hầm lò chính đã được bơm xuống mức -150 m. Theo giám đốc Công ty cứ đà này thì đến ngày 2/9 hầm lò Trung tâm và hầm lò bắc Mông Dương sẽ được khai thông ở độ  sâu -250m. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ lượng nước trong các hầm lò đã được bơm ra ngoài.

Cùng với việc tập trung bơm nước khai thông mỏ, vệ sinh hầm lò, gia cố những hạng mục bị hư hỏng, với phương châm khắc phục đến đâu sản xuất đến đó ngày 19/8 Công ty đã cho ra lò mẻ than đầu tiên.

Chia tay chúng tôi, những người có trách nhiệm ở Công ty CP Than Mông Dương quả quyết: Có thể sản lượng than 6 tháng cuối năm chưa đạt so với kế hoạch, nhưng bằng nhiều giải pháp cụ thể Mông Dương quyết không để người lao động thiếu việc làm, không để thu nhập bình quân đầu người thấp, thua hơn năm trước.

Bài và ảnh TRẦN VŨ THÌN

Bài 2: Than Quang Hanh vững một niềm tin

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động