Đánh giá tình hình triển khai các ‘chuỗi liên kết giá trị’ trong ngành Dầu khí Việt Nam
07:05 | 25/08/2022
Các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam đang suy giảm sản lượng từ 5-8%/năm Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Hiện các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam đang suy giảm sản lượng tự nhiên từ 5 - 8%/năm do hầu hết các mỏ đã khai thác quá lâu. Đây thực sự là một thách thức lớn trong mục tiêu gia tăng sản lượng khai thác, bởi việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc, các mỏ mới đưa vào khai thác chủ yếu là mỏ nhỏ, cận biên, v.v... |
Đánh giá khả năng gia tăng trữ lượng dầu khí của Việt Nam (giai đoạn 2022-2025) Thông tin từ Hội đồng Khoa học Công nghệ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Tiểu ban Thăm dò Khai thác Dầu khí (thuộc Hội đồng) vừa tổ chức đánh giá kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, bàn giải pháp thực hiện thành công kế hoạch tìm kiếm, thăm dò dầu khí 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. |
Theo báo cáo của PVN: Trong thời gian qua, một số chuỗi đã hình thành, hoạt động có kết quả, phát huy vai trò trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và thị trường biến động như:
- Chuỗi dầu thô - vận chuyển - chế biến - bao tiêu và phân phối sản phẩm (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất).
- Chuỗi liên kết BSR - PVNDB - PVOIL trong điều phối và kinh doanh xăng dầu.
- Chuỗi liên kết PV GAS - PVOIL trong sản xuất xăng nền RON 91, DO sản phẩm đáy từ nguồn condensate.
Cạnh đó là một số chuỗi thuộc các chuyên ngành khác đang được nghiên cứu, xây dựng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị đã đề xuất xây dựng 24 chuỗi liên kết trong 4 khối:
1/ Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P).
2/ Khí - điện - đạm.
3/ Lọc hóa dầu và sản phẩm xăng dầu.
4/ Năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, cơ sở pháp lý, cũng như quy định nội bộ đã được tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện như: Luật Dầu khí, Luật 69, Quy định quản lý dự án dầu khí trong nước, Quy định quản lý Hợp đồng dầu khí…
Ngoài những chuỗi dự án đã được hình thành và triển khai thời gian dài, hiện nay danh mục các chuỗi đang được các đơn vị triển khai và nghiên cứu thực hiện là 23 chuỗi. Hiện có 7 chuỗi đã, đang thực hiện và 16 chuỗi đang được nghiên cứu triển khai. Trong đó, khối E&P và dịch vụ E&P có 4 chuỗi, khối khí - điện - đạm có 9 chuỗi, khối lọc hóa dầu và sản phẩm xăng dầu có 8 chuỗi và khối năng lượng tái tạo có 2 chuỗi.
Ngoài ra, một số đơn vị cũng chủ động đề xuất xây dựng các chuỗi như: PV GAS, PV Power, BSR, PV OIL, PTSC, PV Chem...
Dựa trên hợp tác giữa các đơn vị trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng/mua bán các sản phẩm/dịch vụ thông qua hình thức hợp đồng... đã hình thành 6 chuỗi liên kết hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, để có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực (nhân lực, kinh nghiệm, tài sản máy móc...), phát huy được năng lực của từng đơn vị để nâng cao sức cạnh tranh, tăng thị phần đối với các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của PVN, các đơn vị triển khai nghiên cứu hợp tác, xây dựng các chuỗi liên kết đầu tư. Hiện tại đang có 17 chuỗi liên kết đầu tư. Việc hợp tác liên kết đầu tư giữa công ty mẹ và các đơn vị thành viên, cũng như giữa các công ty con, công ty liên kết trong Tập đoàn được quy định tại các văn bản pháp luật.
Trong bối cảnh hiện nay, PVN định hướng 2 nhóm chuỗi liên kết đầu tư. Trong đó, nhóm 1 gồm các chuỗi có quy mô trong thẩm quyền của PVN (có thể sớm đưa vào vận hành). Nhóm này bao gồm các dự án hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn, có quy mô vừa phải, thuộc thẩm quyền xem xét, phê duyệt của PVN. Nhóm này được nhận định cần xem xét, tập trung chỉ đạo để sớm đưa vào vận hành, tạo doanh thu, lợi nhuận cho các đơn vị trong thời gian tới. Đây có thể coi là một giải pháp trong thúc đẩy công tác đầu tư của Tập đoàn trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm 2 gồm các chuỗi có tính chiến lược, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn Tập đoàn. Đây là các chuỗi đầu tư có tính chiến lược, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của PVN trong tương lai. Các dự án trong nhóm này có quy mô đầu tư lớn, quy trình thủ tục phê duyệt phức tạp nên cần có sự nghiên cứu, đánh giá, tổ chức triển khai bài bản, phân công nhiệm vụ và tiến độ rõ ràng.
Theo quan điểm của PVN, mục tiêu trong thời gian tới của việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị là nhằm tận dụng các lợi thế cạnh tranh, kinh nghiệm của các đơn vị dầu khí để sớm hình thành, đưa vào vận hành và phát triển các chuỗi liên kết đầu tư, coi đây là một phần tất yếu và bắt buộc trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.
Để thực hiện được mục tiêu đó, PVN sẽ triển khai các giải pháp như:
1/ Sớm hoàn thiện danh mục sản phẩm, dịch vụ chiến lược làm cơ sở định hình, phát triển các chuỗi liên kết đồng bộ với chiến lược phát triển của PVN và các đơn vị.
2/ Xây dựng đề án chuỗi liên kết của Tập đoàn, danh mục hóa các chuỗi giá trị, hình thành hệ sinh thái cho từng lĩnh vực.
3/ Các đơn vị đánh giá kết quả đã đạt được, tối ưu/mở rộng quy mô, nâng cao lợi ích của các bên tham gia trong các chuỗi đã triển khai.
4/ Rà soát, lựa chọn, phát triển các chuỗi mới, đảm bảo hiện thực hóa chuỗi giá trị đầu tư trong năm 2023.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là đẩy nhanh công tác chuyển đổi số nhằm tối ưu phân bổ nguồn lực, trao đổi thông tin giữa các đơn vị. Đưa nhiệm vụ chuẩn bị, triển khai chuỗi liên kết là nội dung giao ban định kỳ giữa Tập đoàn và các đơn vị để kịp thời xử lý các vướng mắc, thúc đẩy quá trình thực hiện.
Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chuỗi liên kết, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN cho rằng, việc triển khai thực hiện chuỗi liên kết giá trị là nét đổi mới trong công tác quản trị chung, giúp ngành Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng. Mặt khác, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của PVN trên thị trường trong nước và khu vực.
Do đó, Tổng giám đốc PVN yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát hệ thống triển khai thực hiện các chuỗi liên kết và thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với việc quản trị theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Đưa nhiệm vụ triển khai chuỗi liên kết giá trị vào quy chế đánh giá KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) của các đơn vị nhằm đánh giá hiệu quả của công tác quản trị nói chung trong Tập đoàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai các chuỗi liên kết giá trị đồng bộ với công tác quản trị khác của Tập đoàn. Đối với các chuỗi giá trị đã kết thúc thành công cần đưa vào nhóm theo dõi hiệu quả để tối ưu giá trị của chuỗi ngày càng tốt hơn.
Cuối cùng, Tổng giám đốc PVN đề nghị các đơn vị tiếp tục trao đổi thông tin nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực kết hợp xây dựng, bổ sung kiện toàn các chuỗi liên kết giá trị mới. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy chế người đại diện của Tập đoàn tại các đơn vị để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chuỗi liên kết giá trị, cũng như tăng cường công tác quản trị tại các đơn vị thành viên./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM