RSS Feed for Đà Nẵng khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển năng lượng sạch nối lưới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 11:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đà Nẵng khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển năng lượng sạch nối lưới

 - Đề án phát triển sử dụng năng lượng mới, tái tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035 vừa ban hành mới đây cho biết: Thành phố này sẽ khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo nối lưới như: Điện mặt trời mái nhà, mặt nước, điện mặt trời tại các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, điện gió, thủy điện nhỏ, năng lượng sinh khối, khí thiên nhiên, năng lượng sóng biển...


Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo phù hợp ‘hoàn cảnh’ quốc gia

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý, vận hành nguồn điện mặt trời trong hệ thống điện

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển, vận hành nguồn điện gió trong hệ thống điện quốc gia


Theo Đề án, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố theo hướng đô thị sinh thái, môi trường, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Theo đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được khảo sát, đánh giá, lập dự án và đưa vào quy hoạch. Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới chiếm 9,71% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn Thành phố.

Để đạt được con số này, Đà Nẵng khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới. Bố trí nguồn lực cho nghiên cứu sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu của các nguồn năng lượng tái tạo cho mục đích dài hạn. Mặt khác, tích cực kêu gọi đầu tư các dự án về sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, cung cấp năng lượng tái tạo theo hướng công nghệ cao.

Về định hướng đến năm 2035, Đề án cho biết, tiềm năng năng lượng tái tạo sẽ được khai thác hiệu quả bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới chiếm 9,69% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp cho Thành phố.

Trong các loại năng lượng tái tạo, Đà Nẵng có tiềm năng lớn ở năng lượng điện mặt trời. Tính đến hết năm 2020, toàn Thành phố có 2.528 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 78,5 MW (hiện chưa có dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mặt nước). Con số này được cho là còn khiêm tốn so với tiềm năng của TP. Đà Nẵng. Nhưng định hướng sẽ phát triển điện mặt trời để phục vụ nhu cầu tự dùng và phát ngược lên lưới điện quốc gia. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn Thành phố đạt 244,675 MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 357.226 MWh, đóng góp 5,62% tổng nhu cầu điện toàn Thành phố. Đến năm 2035, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt 577,49 MW, sản lượng điện mặt trời đạt 843.133 MWh, đóng góp 6,95% tổng nhu cầu điện.

Ngoài phát triển điện mặt trời mái nhà, Thành phố còn nghiên cứu phát triển điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với lắp đặt điện mặt trời ở các khu đất được quy hoạch lâu dài cho sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, xem xét một số khu vực phù hợp để gắn sản xuất nông nghiệp - điện mặt trời với du lịch nông nghiệp để tăng thêm hiệu quả kinh tế, tạo thêm điểm đến hấp dẫn mới cho thành phố. Xu hướng này cũng được khuyến khích tại các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, phải đóng cửa mỏ, khôi phục môi trường (hiện có 24 mỏ, tương lai thêm 22 mỏ).

Cạnh đó, Thành phố sẽ nghiên cứu tận dụng các mặt nước để lắp đặt điện mặt trời. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động môi trường và xã hội.

Ngoài điện mặt trời, TP. Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, khuyến khích các loại năng lượng tái tạo khác như: Năng lượng sinh khối (mục tiêu đến năm 2030 sẽ xử lý được 70% chất thải rắn cho mục đích sản xuất năng lượng - đốt rác phát điện); năng lượng gió (phấn đấu có dự án điện gió đưa vào hoạt động trước năm 2035) và năng lượng khí sinh học. Nghiên cứu về tiềm năng phát triển năng lượng khí thiên nhiên, năng lượng sóng biển.

Đối với thủy điện, Thành phố vẫn chấp nhận các dự án thủy điện cỡ nhỏ để cung cấp nguồn điện tại chỗ. Tuy nhiên, các dự án này phải đảm bảo hoạt động theo các mô hình tiên tiến trên thế giới trên cơ sở: Đảm bảo môi trường, bảo vệ nguồn nước, sản xuất nông nghiệp - an ninh - quốc phòng.

Để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng nêu trên, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng và ban hành các chính sách về phát triển các loại hình năng lượng này, cũng như có chính ưu đãi lãi suất trong phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nguồn nhân lực liên quan đến quản lý, vận hành các loại hình năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển giao, tiếp nhận, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động