Cơ sở nào để ‘mở rộng’ Thủy điện Tuyên Quang?
08:28 | 11/05/2020
Đồng Nai thống nhất điều chỉnh dự án Thủy điện Trị An (mở rộng)
Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang được xây dựng phục vụ 3 nhiệm vụ chính gồm: Tạo dung tích của hồ chứa 1 tỷ m3 phòng chống lũ cho Đồng bằng sông Hồng và TP Tuyên Quang, tạo nguồn điện cung cấp cho lưới điện quốc gia, cung cấp nước vào mùa khô cho Đồng bằng sông Hồng.
Như vậy, nhiệm vụ phát điện của nhà máy này chỉ đứng thứ 2, nhưng cũng đóng góp sản lượng lớn cho hệ thống điện quốc gia, với công suất đặt 342 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là gần 1,33 tỷ kWh.
Thực tế, sau 11 năm Thủy điện Tuyên Quang đi vào vận hành (2008 - 2019), chỉ có 3 năm hồ thủy điện Tuyên Quang không xả lũ (là những năm có tình hình thời tiết rất khô hạn). Các năm còn lại hồ đều xả nước từ 1 đến 3 đợt, cá biệt có năm 2017 hồ Tuyên Quang phải xả tới 6 đợt. Những năm phải xả lũ, chúng ta dễ dàng xác định được giá trị năng lượng bị mất đi, gây lãng phí tài nguyên, giảm kinh tế. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tính đến việc mở rộng nhà máy này.
Ông Chỉnh cho rằng, giá trị của thủy điện không chỉ đơn thuần là sản lượng điện (số kWh) phát ra, mà còn ở giá trị công suất đáp ứng trong hệ thống điện và khả năng chạy điều tần. Sản lượng điện đáp ứng về số lượng, còn công suất và điều tần đáp ứng về chất lượng.
Ngoài ra, yếu tố chất lượng có yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế. Khi khai thác phần năng lượng xả thừa là đã đóng góp thêm phần năng lượng của dòng sông cho hệ thống điện, nhưng đồng thời cũng cung cấp thêm công suất cho hệ thống, đáp ứng phụ tải giờ cao điểm và dự phòng sự cố, tăng thêm khả năng điều tần cho hệ thống.
“Nếu mở rộng Thủy điện Tuyên Quang sẽ đáp ứng một phần yêu cầu đó” - ông Chỉnh khẳng định.
Về công suất mở rộng, theo tính toán của PECC1, công suất cho Thủy điện Tuyên Quang (mở rộng) phù hợp hiện nay là khoảng 100 - 150 MW, tương ứng với sản lượng điện tăng thêm khoảng 37,6 - 43 triệu kWh vào mùa lũ và chuyển đổi điện năng từ giờ thấp điểm (giá 700 đồng/kWh) lên giờ cao điểm (2.658 đồng/kWh) là từ 88 - 120 triệu kWh.
Khi đó những lợi ích do dự án mang lại cũng rất ý nghĩa. Đó là bổ sung cho hệ thống điện khoảng 37,6 đến 43 triệu kWh mùa lũ, giảm giá thành phát điện chung của hệ thống do đảm nhận phần phụ tải đỉnh so với sử dụng nguồn phát khác, đồng thời tăng thêm công suất dự phòng sự cố.
Tuy nhiên, theo ông Chỉnh, khó khăn lớn nhất khi triển khai nghiên cứu mở rộng Thủy điện Tuyên Quang cũng như các dự án mở rộng thủy điện khác chính là cơ chế giá điện cho phần điện năng của nhà máy thủy điện mở rộng.
Mục tiêu của Thủy điện Tuyên Quang (mở rộng) là chuyển đổi điện năng từ giờ thấp điểm mà nhà máy đang phát sang phát giờ cao điểm (phủ đỉnh biểu đồ phụ tải), nên giá điện của nhà máy mở rộng phải được tính theo giá cao điểm của hệ thống. Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có quyết định chính thức về giá điện cao điểm, thấp điểm cho các dự án mở rộng (nhất là các dự án >30 MW), nên việc xác định hiệu quả kinh tế của dự án là rất khó khăn./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM