RSS Feed for Cơ chế nào để địa chất dầu khí Việt Nam vượt thách thức? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 00:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ chế nào để địa chất dầu khí Việt Nam vượt thách thức?

 - Những thành tựu của ngành Dầu khí Việt Nam bắt đầu từ địa chất dầu khí và khoa học - công nhệ (KHCN). Ngược lại, nhờ hội nhập quốc tế sâu rộng của ngành mà KHCN địa chất dầu khí có bước hội nhập khả quan. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập hiện nay, ngành địa chất dầu khí Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức không dễ vượt qua. Nhưng xu thế hội nhập là không thể đảo ngược. Vượt qua những thử thách là tiến trình hội nhập sâu rộng hơn về KHCN sẽ đem lại những thành tựu cho địa chất dầu khí nước nhà.

GIÁO SƯ PHẠM HUY TIẾN

Quá trình toàn cầu hóa ngày càng trở thành động lực thúc đẩy sự hội nhập của các nước vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, trong tiến trình đó hội nhập quốc tế và KHCN là xu thế tất yếu. Ở thập niên 70, nước ta đã tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) và nền KHCN Việt Nam đã có sự hội nhập với khoa học các nước xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), ASEM (1996), APEC (1998) và đến nay nước ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Hội nhập quốc tế về KHCN là bộ phận không thể tách rời tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.

Hội nhập quốc tế về KHCN

Hội nhập quốc tế về KHCN là quá trình phát triển KHCN quốc gia và tích hợp để trở thành bộ phận cấu thành tích cực của hệ thống KHCN quốc tế với thể chế được thống nhất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho các quốc gia, cũng như các cộng đồng KHCN [1]. Nghiên cứu khoa học mang "thế giới tính" nên hội nhập quốc tế về khoa học xảy ra từ rất sớm, bắt đầu từ những hợp tác đơn giản như: thông báo cho nhau kết quả nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học và dần hình thành tập quán trao đổi dữ liệu nghiên cứu, cũng như hình thành các tổ chức, chương trình nghiên cứu mang tính khu vực và toàn cầu.

Hội nhập quốc tế về KHCN có đặc điểm là "tính tự nguyện" và đảm bảo "lợi ích bền vững". Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải tuân thủ cao độ các luật lệ chung, các chuẩn mực chung (phương pháp nghiên cứu, quy trình phân tích, thí nghiệm, quy trình công nghệ, chuẩn đo lường, chuẩn sản phẩm, chuẩn công bố…) nên hội nhập quốc tế là nhu cầu khách quan. Cạnh tranh trong nghiên cứu - triển khai cần dựa trên các định chế quốc tế về sở hữu trí tuệ, hệ thống đổi mới quốc gia. Ở Việt Nam "Đề án Hội nhập quốc tế về KHCN đến 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày 18/5/2011. Đề án đã xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế về KHCN.

Ở Việt Nam, hội nhập quốc tế về KHCN để gia tăng khả năng "cạnh tranh đuổi kịp" [2], khả năng cạnh tranh đuổi kịp dựa trên sự đổi mới "đằng sau ranh giới công nghệ", bao gồm cải tiến liên tục đối với quy trình sản xuất và sản phẩm, được hỗ trợ bởi nhiều loại năng lực chuyên môn, kỹ thuật và một số hoạt động nghiên cứu - phát triển (R-D) chọn lọc. Khả năng cạnh tranh đuổi kịp phụ thuộc vào tinh thần doanh nghiệp, hệ thống giáo dục, các thể chế thân thiện với thị trường và khả năng quản lý đúng đắn nền kinh tế vĩ mô.

Hội nhập quốc tế về KHCN muốn thực sự diễn ra hiệu quả và đảm bảo sự phát triển bền vững cần khẳng định quan điểm "cả hai cùng có lợi", phải chấp nhận chia sẻ lợi ích, chia sẻ quyền lợi.

KHCN địa chất dầu khí trong tiến trình hội nhập quốc tế

So với nhiều ngành kinh tế, ngành Dầu khí Việt Nam sớm hội nhập quốc tế và mức độ hội nhập rất cao, đó là thuận lợi cơ bản cho KHCN địa chất dầu khí hội nhập quốc tế. Về mặt khoa học cơ bản, địa chất dầu khí sớm tiếp cận được với những lý thuyết tiên tiến như: kiến tạo mảng, phân tích bể trầm tích, nghiên cứu địa tầng phân tập… Về phương tiện và công cụ điều tra khảo sát đã sớm sử dụng những phương pháp tiên tiến nhất của thế giới (địa vật lý, khoan…) với công cụ và phương tiện hiện đại nhất. Về phân tích, thí nghiệm, xử lý tài liệu điều tra cũng được trang bị máy móc, các phần mềm xử lý tài liệu mới nhất và tiên tiến nhất.

Khoa học và công nghệ địa chất dầu khí sớm hội nhập, trong khi những lĩnh vực KHCN khác mới ở mức hợp tác lẻ tẻ giữa các nhà khoa học, thực hiện các nghị định thư, tham gia một số hoạt động chung mà chưa có được các tổ chức nghiên cứu mang tính quốc tế… thì ngành Dầu khí Việt Nam đã có những công ty liên doanh với nước ngoài và hội nhập quốc tế về KHCN gắn chặt với hội nhập quốc tế về kinh tế. Các nhà khoa học địa chất dầu khí sớm và thường xuyên được tiếp cận, trao đổi với các nhà khoa học địa chất dầu khí quốc tế.

Những thách thức

Thứ nhất: Thách thức đối với các nhà khoa học.

Điều quan trọng mang tính quyết định đến hội nhập quốc tế của các nhà khoa học là ngoại ngữ mà trước hết là tiếng Anh, tuyệt đại bộ phận các nhà khoa học địa chất dầu khí thông thạo tiếng Anh là điểm thuận lợi nhất. Song trong tiến trình hội nhập quốc tế các nhà khoa học cần hiểu biết về văn hóa giao tiếp quốc tế, nhất là với những nước mình cần quan tâm.

Cần hiểu biết luật pháp quốc tế, biết cách ứng xử phù hợp với thông lệ quốc tế trong các hội nghị, hội thảo quốc tế, cần có kỹ năng sử dụng thành thạo những phương tiện thông tin, tìm kiếm và khai thác kho thông tin điện tử của các nước đối tác.

Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phản biện, đánh giá cùng các đồng nghiệp quốc tế. Tham gia, hoặc thực hiện nhiệm vụ KHCN của các tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động khoa học mang tính quốc tế. Những thành tựu về địa chất dầu khí Việt Nam rất nhiều, nhưng công bố quốc tế còn quá khiêm tốn, việc công bố quốc tế các công trình nghiên cứu về địa chất dầu khí Việt Nam đang là thách thức đối với các khà khoa học.

Thứ hai: Thách thức đối với tổ chức KHCN (Viện Dầu khí Việt Nam).

So với nhiều tổ chức KHCN trong nước, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) được trang bị phương tiện và thiết bị rất tốt, nhưng do đặc điểm hao mòn vô hình các phương tiện, thiết bị là thách thức lớn, làm sao sử dụng tốt, khấu hao nhanh để đổi mới là điều cần thiết. Vì vậy, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học để tận dụng và khai thác triệt để các phòng thí nghiệm.

Hội nhập quốc tế đòi hỏi PVI có quan hệ chặt chẽ với công đồng khoa học thế giới, trước hết là với các nhà khoa học của các nước có hợp tác kinh tế với ngành, đòi hỏi PVI có quan hệ với các tổ chức KHCN có liên quan ở những nước có nền khoa học dầu khí tiên tiến, những nước đang cùng hợp tác kinh tế với ngành Dầu khí Việt Nam.

Viện cần có những chương trình hợp tác song phương và đa phương theo phương thức Việt Nam chủ trì, các nước tham gia, hoặc cùng tham gia với đóng góp như nhau, hoặc chủ động tham gia vào các chương trình của các tổ chức quốc tế, hoặc các nước tiên tiến.

Tăng năng lực liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, với các nhà thầu để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ về lĩnh vực địa chất dầu khí.

Để hội nhập quốc tế thực sự, PVI cần tái cấu trúc theo hướng đa dạng hóa chức năng, đa dạng hóa cấu trúc - nhằm vừa nghiên cứu, vừa đào tạo, vừa sản xuất cho có sự tương đồng với các tổ chức KHCN quốc tế.

Thứ ba: Thách thức về thể chế luật pháp.

Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hội nhập quốc tế trong khoa học địa chất dầu khí. Ví như cùng các nhà khoa học quốc tế, các phương tiện khảo sát của nước ngoài để tiến hành nghiên cứu địa chất trên biển, được tự do công bố các kết quả nghiên cứu về địa chất dầu khí trên các tạp chí quốc tế, được chia sẻ thông tin với đồng nghiệp quốc tế.

Cần thực hiện các công ước quốc tế về bản quyền, về sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp, và việc thực hiện này được thể hiện trên các văn bản pháp quy.

Kiến nghị

Để chấp nhận và vượt qua các thách thức, ngoài nỗ lực của bản thân các nhà khoa học và tổ chức KHCN hiểu rõ và tìm cách vượt qua thách thức, điều mang tính quyết định là các giải pháp mang tính vĩ mô, với một số kiến nghị sau:

Một là: Nhà nước cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì kinh tế thị trường vừa là điều kiện vừa là động lực cho tiến trình hội nhập.

Hai là: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN là điều kiện đảm bảo cho hội nhập quốc tế về KHCN. Các nhà lãnh đạo và quản lý cần xem tự chủ là quyền "mặc nhiên" của tổ chức KHCN. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam khi thực hiện Nghị định 115, Nhà nước mới trao quyền "có điều kiện" cho các tổ chức KHCN, như vậy không bao giờ thực hiện được tự chủ. Khi chưa thực sự tự chủ thì không thể nói gì được về hội nhập quốc tế.

Ba là: Ngành Dầu khí Việt Nam cần xem xét bỏ bớt rào cản "bí mật" trong trao đổi, chia sẻ dữ liệu về địa chất, tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế thực sự.

Hội nhập quốc tế về KHCN cũng như hội nhập quốc tế nói chung có nhiều cơ hội và thách thức, nhưng xu thế hội nhập là không thể đảo ngược. Vượt qua những thử thách là tiến trình hội nhập sâu rộng hơn về KHCN sẽ đem lại những thành tựu cho địa chất dầu khí nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

[1] Mai Hà: Hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam trong giai đoạn mới. Tạp chí KHXH&NV, tháng 8/2016.

[2] Đặng Ngọc Dinh: Những chỉ tiêu đánh giá Hội nhập quốc tế về KH&CN. http;//www.vusta.vn/vi/new/print/traodoi-thaoluan/ … 16/01/2017.

[3] Phạm Quốc Trụ: Hội nhập quốc tế: một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu Biển Đông, 31/3/2011.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động