RSS Feed for Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 07/11/2024 23:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh

 - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, là cơ hội cho các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc CMCN 4.0. Thực hiện chủ đề năm 2021, để đạt được mục tiêu chung của ngành, Công ty Thủy điện Đại Ninh đã và đang tích cực triển khai xây dựng và áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.


Chuyển đổi số làm thay đổi diện mạo Công ty ĐHĐ


Trong thời gian qua, Công ty áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là phát huy khai thác hiệu quả phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), đây là nền tảng chính trong công tác chuyển đổi số về lĩnh vực này.

Cụ thể như thực hiện xây dựng cây danh mục thiết bị trong phần mềm quản lý kỹ thuật để thống nhất chung cho các đơn vị thủy điện trong toàn Tổng công ty; việc thống nhất chung về danh mục, phân chia hệ thống thiết bị theo chức năng, sắp xếp theo trình tự cũng như quy ước ký hiệu mã thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế KKS sẽ mang lại ưu việt cho công tác quản lý kỹ thuật chung cho khối nhà máy thủy điện trong toàn Tổng công ty.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong công tác bảo dưỡng sửa chữa theo RCM (Reliability Centered Maintenance) cũng được thực hiện trên phần mềm PMIS để hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá, hỗ trợ ra quyết định công việc bảo dưỡng phục vụ cho công tác lập hồ sơ sửa chữa bảo dưỡng cho năm 2022.

Ngoài ra, Công ty đã khai thác hiệu quả các tính năng vốn có trong phần mềm PMIS để thực hiện công tác quản lý vận hành như: Cập nhật thông số vận hành, quản lý phiếu thao tác, phiếu công tác, nhật ký vận hành… qua đó tạo ra một hệ thống dữ liệu thống nhất, xuyên suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp, báo cáo và thông tin kịp thời trong điều hành sản xuất.  

Hình ảnh kết quả xây dựng cây thiết bị trên phần mềm PMIS.

Công ty đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong hoạt động quản lý, đặc biệt là các phần mềm được hoạt động trên nền tảng trực tuyến và dùng chung trong Tập đoàn, Tổng Công ty Phát điện 1 ngoài PMIS như: Phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP); Phần mềm quản lý công văn, công việc (E-Office); Phần mềm quản lý nhân sự (HMRS); Phần mềm đào tạo E-Learning; Phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS).

Bên cạnh đó, Công ty đã triệt để áp dụng rất hiệu quả việc ký số trên E-Office đối với các văn bản quản lý nội bộ như: Phiếu đề xuất ý kiến, Bảng dự trù vật tư, Bảng chấm công hàng ngày, Biên bản họp xét thưởng tháng, Đơn nghỉ bù - phép, Giấy đi đường,… nhờ đó công việc được giải quyết nhanh gọn, tiết kiệm, tăng năng suất lao động, có ý nghĩa phòng dịch Covid-19.

Công ty đã phát huy thế mạnh của việc ứng dụng tin học hóa trong công tác quản lý như xây dựng phần mềm tính lương qua ứng dụng MS Excel; xây dựng phần mềm gửi thông tin lương cho toàn bộ CBCNV chỉ thông qua vài thao tác; xây dựng phần mềm ứng dụng trong tính toán thủy văn để vận hành điều tiết hồ chứa; áp dụng thư viện số từ năm 2009; ứng dụng CNTT để tối giản hóa quá trình chấm điểm, báo cáo hàng tháng về văn hóa doanh nghiệp cho toàn thể CBCNV.

Công ty đã triển khai các bước cần thiết, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho trạm không người trực: Bổ sung các tín hiệu chưa được giám sát; lắp đặt điều khiển nhà thông minh; hệ thống camera, giám sát an ninh, giám sát hệ thống báo cháy, chữa cháy…

Hình ảnh hệ thống camera và giám sát an ninh tại phòng điều khiển trung tâm NMTĐ Đại Ninh.

Công ty đã tiến hành sắp xếp, chỉnh lý và số hóa toàn bộ hồ sơ tài liệu cần thiết để lưu trữ, và quản lý dưới dạng số.

Trong năm 2020, Công ty đã được cấp chứng chỉ đạt yêu cầu về An toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001:2013. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo an ninh thông tin, cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số.

Công tác chuyển đổi số của Công ty đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2025:

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của Tổng công ty Phát điện 1, Công ty sẽ chủ động thực hiện công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực như: Kỹ thuật sản xuất, kinh doanh - thị trường điện, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ.

Thứ nhất: Về lĩnh vực kỹ thuật sản xuất: Tiếp tục cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS để phát huy tối đa công dụng của phần mềm trong công tác quản lý kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM); triển khai phần mềm nhật ký vận hành điện tử để số hóa hầu hết các tác nghiệp của các nhân viên trong 1 ca trực vận hành; thực hiện số hóa các nghiệp trong công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị trên phần mềm chuyên dụng về QLKT của Tổng công ty; Ứng dụng số hóa công tác quản lý mua sắm thiết bị, áp dụng hệ thống QR Code cho từng loại vật tư, thiết bị; lắp đặt truyền dữ liệu giám sát tài nguyên nước và khí tượng thủy văn về các cơ quan chức năng theo quy định, đồng thời đưa dữ liệu này vào lưu trữ và hiển thị qua ứng dụng trên thiết bị di động; triển khai thực hiện Trạm phân phối 220 kV không người trực và nghiên cứu lắp đặt thiết bị giám sát online MBA.

Thứ hai: Lĩnh vực kinh doanh - thị trường điện: Áp dụng thủ tục thương mại điện tử trong thanh toán tiền điện và giải pháp “ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác dự báo giá thị trường điện” để dự báo giá thị trường sau khi các đề tài này được nghiên cứu thành công và đưa vào áp dụng trong Tổng công ty.

Thứ ba: Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: Thực hiện 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng khi hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; nghiên cứu ứng dụng nhật ký công trình điện tử và áp dụng chữ ký số trong quản lý sửa chữa, bảo dưỡng các dự án, công trình xây dựng.

Thứ tư: Đối với lĩnh vực quản trị nội bộ: Áp dụng hệ thống quản lý văn phòng D-Office để thay thế cho hệ thống E-Office hiện nay; trang bị đầy đủ sim CA (chữ ký số) cho các vị trí theo yêu cầu; lập kế hoạch số hóa tài liệu có giá trị để thuận tiện khai thác, phục vụ hoạt động SXKD; thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu giấy (trừ văn bản mật) có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và hồ sơ, tài liệu có giá trị quan trọng trong hoạt động SXKD; sử dụng Hóa đơn điện tử (đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy đang sử dụng); đăng ký dịch vụ kết nối ngân hàng điện tử (đăng ký sử dụng dịch vụ eFAST của Viettinbank); sử dụng phần mềm E-learning của EVN trong công tác đào tạo.

Chuyển đổi số là quá trình có nhiều khó khăn và thách thức; để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo, nỗ lực cố gắng của toàn thể CBCNV, Công ty cần tập trung vào các giải pháp cơ bản như: Đào tạo, tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong CBCNV; xây dựng văn hóa Công ty theo xu hướng “Văn hóa số”; thực hiện hiệu chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình chuyển đổi số; nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của một doanh nghiệp số.

Áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh ở Công ty bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Đây là động lực thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của Công ty, Tổng Công ty phát điện 1 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cơ bản hoàn thành vào năm 2022./.

NGUYỄN ĐĂNG TUẤN

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động