RSS Feed for Chuyển đổi số làm thay đổi diện mạo Công ty ĐHĐ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 13:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi số làm thay đổi diện mạo Công ty ĐHĐ

 - Trong những năm gần đây, công cuộc chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Chuyển đổi số kết hợp với ứng dụng thành quả của Cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều chuyển biến lớn lao trong nông nghiệp, kinh doanh, vận tải, vận hành và sản xuất điện năng… Tại Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ), công cuộc chuyển đổi số đang được tiến hành mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả thiết thực.


Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi: 20 năm tiến về phía trước


Bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ những dự án nâng cấp thiết bị

Khái niệm về “Chuyển đổi số” mới được sử dụng rộng rãi trên những phương tiện thông tin truyền thông trong thời gian gần đây. Vì là một khái niệm mới nên mỗi người có thể hiểu chuyển đổi số theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, điều căn bản của chuyển đổi số (Digital transformation) là quá trình số hóa (Digitizing) kết hợp với ứng dụng những thành tựu của Cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 (CMKHCN 4.0) vào thực tiễn đã tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc sống.

Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số (Digital technology) đã được Công ty ĐHĐ triển khai từ năm 2004 khi thực hiện Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim. Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được đưa vào vận hành năm 1964 với hệ thống điều khiển dựa trên các tín hiệu tương tự (analog) với vô số núm xoay, nhút nhấn, công tắc, khóa chuyển… Hệ thống thiết bị công kềnh, tiêu tốn điện năng lại dễ xảy ra sự cố do đã qua thời gian sử dụng lâu dài làm cho độ tin cậy giảm. Sau 40 năm vận hành, hệ thống thiết bị cần được thay mới để đáp ứng độ tin cậy và hiệu suất trong sản xuất điện năng.

Phòng điều hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim trước khi thực hiện số hóa.

Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim (2004 - 2006) do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) làm chủ đầu tư, giao Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (nay là Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi: ĐHĐ) làm Ban Quản lý dự án. Dự án bao gồm 3 gói thầu chính nhằm cải tạo, thay mới hệ thống thiết bị của Đa Nhim gồm: Gói thầu số 1 - Máy phát và thiết bị điện; Gói thầu số 2 - Tua bin nước và thiết bị đường dẫn nước; Gói thầu số 3 - Hệ thống thu thập số liệu thủy văn.

Thay thế thiết bị, công nghệ lạc hậu (năm 2006).

Trong đó, gói thầu số 1 với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào thiết bị điện và hệ thống điều khiển đã tạo cho Nhà máy Thủy điện Đa Nhim một diện mạo mới, hiện đại với hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, độ khả dụng cao được điều khiển bằng máy tính, thay thế cho hệ thống thiết bị analog đã lỗi thời. Hệ thống điều khiển với giao diện HMI ALSPA P.320 của hãng Alstom kết hợp với PLC của GE Fanus đã tạo ra một bước ngoặt trong công tác điều khiển vận hành. Mọi thao tác vận hành thiết bị được thực hiện bằng cách nhấp chuột trên màn hình máy tính thay vì vặn núm xoay hoặc nhấn nút cơ học như trước đây.

Phòng vận hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sau Dự án phục hồi hệ thống điện (năm 2006).

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (vận hành giai đoạn 1 với công suất 80 MW năm 2018) tiếp tục ứng dụng những công nghệ kỹ thuật số mới nhất vào hệ thống thiết bị điều khiển, tạo nên một Thủy điện Đa Nhim thêm hiện đại.

Phòng vận hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim ngày nay.

Kế thừa những kiến thức và kinh nghiệm của mình qua Dự án phục hồi Đa Nhim, Dự án Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, từ năm 2008 đến năm 2010, các kỹ sư của Công ty ĐHĐ đã tự nghiên cứu, lập trình đưa vào vận hành thành công hệ thống DCS của Nhà máy Thủy điện Sông Pha với sự kết hợp giữa giao diện điều khiển bằng WinCC với PLC Siemens S7-300. Với hệ thống điều khiển mới, Nhà máy Thủy điện Sông Pha như được khoác lên mình một chiếc áo mới, hệ thống điều khiển analog lỗi thời đã được thay thế hoàn toàn bằng thiết bị kỹ thuật số.

Phòng vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Pha (năm 2006).

Phòng vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Pha hiện nay với hệ thống điều khiển do Công ty ĐHĐ tự thiết kế, lắp đặt.

Cột mốc đáng nhớ của việc ứng dụng CMKHCN 4.0 trong vận hành sản suất điện là năm 2013 khi Công ty ĐHĐ và các nhà thầu trong nước đã lắp đặt, đưa vào hoạt động thành công Trung tâm điều khiển vận hành (OCC - Operation Control Center). Đây được xem là trung tâm OCC đầu tiên tại các nhà máy điện Việt Nam thực hiện điều khiển từ xa các nhà máy điện. Kể từ khi Trung tâm OCC đi vào hoạt động, kết hợp với hệ thống camera quan sát trên nền tảng IP, Công ty ĐHĐ đã tối ưu hóa công tác vận hành, nâng cao năng suất lao động. Với khả năng giám sát, điều khiển từ xa của OCC, số lượng nhân viên vận hành tại các nhà máy thủy điện giảm từ 5 người xuống còn 2 đến 3 người. Mô hình OCC của Công ty ĐHĐ sau đó được nhân rộng đến các đơn vị trong ngành và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Phòng vận hành OCC của Công ty ĐHĐ - Mô hình điều khiển từ xa các nhà máy điện đầu tiên trong ngành điện.

Kết hợp số hóa và khoa học công nghiệp 4.0

Hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Công ty ĐHĐ đã áp dụng thành quả của cuộc CMKHCN 4.0 trên nền tảng số hóa tạo nên chuyển biến đáng kể trong công tác quản trị và điều hành sản xuất.

Trên nền tảng kỹ thuật số đã được triển khai tại các nhà máy điện, Công ty ĐHĐ từng bước nâng cấp hạ tầng viễn thông tạo kết nối thông suốt giữa Trung tâm OCC, các nhà máy điện và các Trung tâm điều độ để công tác vận hành sản xuất và chào giá điện trên thị trường đạt hiệu quả cao. Việc ứng dụng hệ thống camera giám sát trên nền IP giúp lực lượng vận hành theo dõi mực nước hồ, tình trạng xả cấp nước cho hạ du tạo nhiều thuận lợi trong phối hợp giữa Công ty và chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Phòng điều khiển Nhà máy Hàm Thuận với hệ thống camera giám sát trên nền tảng IP.

Đối với công tác quản trị, Công ty ĐHĐ triệt để xử lý văn bản đi/đến, các văn bản nội bộ, trên hệ thống Văn phòng điện tử e-Office vừa đẩy nhanh tốc độ xử lý vụ việc, thuận tiện trong công tác lưu trữ, truy xuất vừa tiết kiệm giấy in, bảo vệ môi trường. Trong công tác đấu thầu, Công ty thực hiện đấu thầu qua mạng vừa đảm bảo cung cấp thông tin đến nhà thầu nhanh chóng, chính xác, đảm bảo tính minh bạch trong đấu thầu vừa tiết kiệm chi phí in ấn.

Hiện nay, công nghệ điện toán đám mây (e-Cloud) được ứng dụng rộng rãi và ngày càng trở nên quen thuộc với người lao động Công ty ĐHĐ. Công ty đã đăng ký tài khoản Google Drive với dung lượng không giới hạn, chia sẻ dung lượng đến từng đơn vị để sử dụng. Người lao động lưu trữ hồ sơ, tài liệu trên Google Drive được chia sẻ để có thể dễ dàng thực hiện công việc của mình trên smartphone, tablet dù ở xa vị trí làm việc. Công tác chấm công, tập hợp ý kiến, thống kê, khảo sát… khi cần có sự phối hợp của nhiều người được thực hiện dễ dàng bằng các công cụ của Google như Google doc, Google sheet, Google form. Việc chuyển đổi số đang làm cho các bước xử lý công việc tại Công ty ĐHĐ ngày càng trở nên thuận lợi, phù hợp với xu thế chung của toàn xã hội. Công tác đào tạo bằng hình thức trực tuyến (E-learning) cũng đang được ứng dụng và đạt được kết quả khả quan.

Sử dụng E-cloud để phụ vụ công việc đã trở nên phổ biến tại Công ty ĐHĐ.

Kế hoạch chuyển đổi số tại Công ty ĐHĐ trong giai đoạn tiếp theo

Mặc dù việc chuyển đổi số đang mang lại những kết quả ban đầu, tạo nhiều thuận lợi trong điều hành, sản xuất, kinh doanh nhưng để đạt được những thành quả to lớn hơn Công ty ĐHĐ cần đẩy mạnh hơn nữa trong đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin kết hợp với đào tạo con người.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty ĐHĐ nhận xét: “Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả thiết thực mà người lao động nào trong Công ty cũng thấy rõ. Trước đây, người lao động trong Công ty phải lưu từng phiếu lương hằng tháng để theo dõi thu nhập của mình thì nay có thể tra cứu thông tin về thu nhập, ngày nghỉ phép, các khoản thu nhập, các khoản khấu trừ… thông qua phần mềm tính lương do Công ty tự phát triển. Đây là một ví dụ về chuyển đổi số tại Công ty ĐHĐ”.

Thực hiện chỉ đạo của EVN và EVNGENCO1, Công ty ĐHĐ thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty do Chủ tịch Hội đồng quản trị làm Trưởng Ban. Theo Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn năm 2021 - 2025, Công ty ĐHĐ tập trung vào 2 mảng công việc lớn gồm: Ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị, cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động và Hiện đại hóa các hệ thống, cơ sở hạ tầng.

Trong công tác quản trị, Công ty tiếp tục triển khai các phần việc tiêu biểu như: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho cấp quản lý và CBCNV; Cung cấp chữ ký số cho toàn bộ CBCNV trong Công ty; Thành lập thư viện, lưu trữ hồ sơ tài liệu trên Google Drive; Thực hiện 100% văn bản nội bộ qua E-Office; Cải tạo lại web Công ty, xây dựng môi trường  làm việc trên web online, để chia sẻ tài nguyên, quản lý công việc, tạo khả năng làm việc mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; Xây dựng diễn đàn hỏi (của CBCNV) và đáp (của chuyên gia trong công ty), phục vụ công tác đào tạo; Quản lý hóa đơn số; Số hoá các báo cáo nội bộ, báo cáo ra bên ngoài; Ghi chép thông số thiết bị online trên cơ sở nhận diện ảnh; Nhật ký vận hành số…

Tiếp tục, hiện đại hóa hệ thống thiết bị và cơ sở hạ tầng, Công ty ĐHĐ sẽ thực hiện các hạng mục sau: Thiết lập Trạm lọc nước Đa Nhim không người trực; Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các nhà máy điện không người trực đối với Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi,  Nhà máy Thủy điện Sông Pha; Nâng cấp Trung tâm giám sát vận hành hệ thống CNTT, chính sách ATTT cho công tác an toàn thông tin, theo tiêu chuẩn ISO 27001; Hoàn thiện an toàn cho hệ thống thông tin theo cấp độ an toàn được quy định./.

NGUYỄN NGỌC TUẤN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động