Chuyện bây giờ mới kể: ‘Nữ tướng’ của ngành Điện lực Việt Nam
10:22 | 06/03/2020
Tổng công ty Điện lực miền Bắc ‘Online’ cùng ‘thượng đế’
Tổng giám đốc EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc, với bề dày truyền thống và là anh “Cả đỏ” của ngành điện, hơn 50 năm qua với sự xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của CBCNV trong toàn Tổng công ty đã thu được những thành tích đáng kể, là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, với nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen là những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ phong tặng.
Năm 2019 để lại nhiều dấu ấn với nhiều đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVNNPC. Và đặc biệt, đây cũng là năm ngành điện miền Bắc có nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử. Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của ngành điện miền Bắc, để chúng ta tự hào về những nỗ lực, sự đóng góp của tất cả cán bộ, công nhân viên nói chung và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty mà trong đó vai trò quan trọng của Tổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh đã góp phần quyết định trong những thành tích mà EVNNPC đã đạt được trong năm qua.
Năm 2019, EVNNPC là đơn vị dẫn đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đảm bảo cung cấp điện cho các khách hàng công nghiệp, các khách hàng khu vực nông thôn, miền núi và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. EVNNPC đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân các tỉnh miền Bắc.
Sự khởi sắc của EVNNPC gắn liền với tâm huyết của Đỗ Nguyệt Ánh - người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong ngành Điện. Trong tâm thức của mình, tôi vẫn giữ mãi ấn tượng về chị từ những ngày còn là cô gái trẻ trung với hai bím tóc đuôi sam khi chúng tôi đến thăm bác Đỗ Văn Lộc (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1 - năm 1998). Trong câu chuyện vui vẻ, thân tình, chúng tôi được nghe bác Lộc kể về cô con gái “rượu”: “Ánh là con gái thứ hai của bác, cháu thi đại học đạt thủ khoa nên được nhà nước cử đi nước ngoài học, học xong cô ấy đem về cho bác kết quả học tập là một tấm bằng đỏ”. Với thành tích học tập ấy, chị đã nối nghiệp gia đình và tiếp tục khẳng định năng lực trên một địa hạt mới. Để rồi đến nay, chị Ánh đã vững vàng trên cương vị của một Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nữ CEO duy nhất của ngành Điện lực Việt Nam.
Muốn thành công hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
Từ những ngày đầu nhận công tác ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc, chị Đỗ Nguyệt Ánh đã đi lên từ những vị trí nhỏ nhất, trực tiếp nhất trong ngành. Vào cơ quan công tác từ tháng 10/1995, cho dù ở cương vị nào, từ chuyên viên, cho đến phó phòng, trưởng phòng, rồi Phó Tổng giám đốc và hiện tại là Tổng giám đốc, bề dày của những trải nghiệm cùng với tư chất thông minh, năng động, sáng tạo đầy nhiệt huyết đã giúp chị gặt hái nhiều thành công và thực sự thuyết phục. Bởi dù ở bất cứ vị trí công việc nào, chị vẫn chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình.
Còn nhớ, thời gian chị Đỗ Nguyệt Ánh được bổ nhiệm với vị trí Phó trưởng phòng, rồi Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (9/1998-10/2006), Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty; Hoạt động quan hệ quốc tế của Công ty Điện lực 1 lúc bấy giờ tưng bừng nở hoa kết trái… Hàng loạt các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài được triển khai đồng bộ, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Chị Ánh là người đầu tiên kết nối việc mua điện từ Công ty Điện lực Vân Nam - Trung Quốc, đồng thời đặt nền móng cho việc hợp tác toàn diện trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh điện năng giữa hai Công ty.
Ngoài ra, với năng lực sẵn có, cộng thêm niềm hăng say trong công việc, luôn muốn nghĩ và làm những điều lớn lao hơn cho tổ chức, chị đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và đã kết nối được với các tổ chức cho vay nước ngoài để thực hiện các dự án quan trọng trong ngành điện.
Chị đã được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả thể hiện từ việc bố trí, phân bổ nguồn vốn hợp lý, giám sát tiến độ và chất lượng của công trình đang sử dụng nguồn vốn vay…
Tôi đã từng được tham dự nhiều hội nghị, nhiều buổi hội thảo, ký kết hợp đồng với khách nước ngoài. Trong những sự kiện đó, vị Nữ tướng của chúng ta đã gây “sốt” với khả năng nói tiếng Anh một cách trôi chảy, đầy tự tin và bản lĩnh.
Không bao giờ tự hài lòng với chính mình
Xác định gắn bó lâu dài với ngành điện ngay từ khi mới đi làm, chị Ánh chọn con đường học hỏi liên tục, qua các chương trình đào tạo chính thức, qua công việc, qua kinh nghiệm của các bậc tiền bối, với thái độ khiêm tốn, cầu thị và không ngừng học hỏi… nên dù ở lĩnh vực nào chị cũng tỏa sáng tròn trịa - như chính cái tên của cha mẹ đã đặt cho: “Nguyệt Ánh”.
Phẩm chất thông minh, nhiệt huyết, hăng say làm việc không bỗng dưng có được mà nó phải bắt nguồn từ khi còn nhỏ, trong một gia đình nề nếp và được cha mẹ chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất. Với phẩm chất hăng say, yêu lao động, thích cống hiến được hun đúc, tích lũy từ nhiều năm công tác, lại sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống gắn bó với ngành điện, với cả một khối kiến thức có được do sự nỗ lực học tập, phấn đấu vươn lên không ngừng, với tấm bằng đỏ và thông thạo nhiều ngoại ngữ, Thạc sỹ Ngôn ngữ Nga, Kỹ sư Hệ thống điện, Cử nhân Quản trị kinh doanh quốc tế, Cử nhân tiếng Anh, chị được rất nhiều cơ quan trong nước và nước ngoài mời về làm việc, nhưng chị vẫn chọn ngành điện để công tác, cống hiến.
Mặc dù đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài với tấm bằng đỏ, nhưng khi về nước chị vẫn tiếp tục học văn bằng 2 tại khoa Hệ thống điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi vào học văn bằng 2 Bách khoa sau chị nên dư âm về những thành tích mà chị đạt được trong học tập đã được lưu giữ và lan tỏa khắp trong khoa Hệ thống điện cũng như trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lúc bấy giờ, thật đáng kính nể, với kết quả xuất sắc tất cả các môn học là cả một kỳ tích đối với ai đã từng học ở đó, chính vì thế tên chị luôn được các thầy cô giáo trong khoa Hệ thống điện nhắc đến, ca ngợi, nêu gương cho chúng tôi học tập.
Hồi đó tôi nhớ cứ hết giờ làm việc ở cơ quan chị lại rong ruổi trên chiếc xe máy cũ với búi tóc gọn gàng sau gáy, nhìn chị năng động và hăng hái mà các học viên chúng tôi vẫn thường trầm trồ ngưỡng mộ nhìn theo chị đi từ bãi gửi xe cho tới khi chị bước vào lớp học.
Có lẽ từ sự thông minh bẩm sinh và ý chí vươn lên học hỏi không ngừng nghỉ và nhất là thú vui ham đọc sách đã giúp chị có được phông kiến thức sâu rộng. Có lần chị nói “những lúc rảnh em đọc bất kỳ sách gì mà em thích, sách kỹ thuật, quản lý kinh tế, sách văn học…” cho nên lượng kiến thức chị thu nạp được thực sự nó rất phong phú, toàn diện.
Người ta nói “có thực mới vực được đạo”… Với lượng kiến thức sâu rộng từ sách vở, từ nhà trường, từ thực tế mà chị không ngừng tự bồi dưỡng đó cho nên dù ở cương vị nào, ở lĩnh vực nào khi được tổ chức phân công từ Chuyên viên, rồi Phó phòng, Trưởng phòng cho đến Phó tổng Giám đốc phụ trách trực tiếp và phụ trách nhiều công hoạt động chuyên môn của doanh nghiệp, từ công tác đối ngoại, vật tư, kinh doanh, tài chính, công nghệ thông tin cho đến công tác quản lý đầu tư, hay kỹ thuật, an toàn… chị cũng đạt được những kết quả xuất sắc nhất, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho Tổng công ty.
Luồng gió mới
Tháng 7 năm 2019 chị vinh dự được EVN trao quyết định nhận nhiệm vụ mới là Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Với phẩm chất, năng lực, bề dày kinh nghiệm, trải qua hầu hết các vị trí lãnh đạo công tác chuyên môn từ nhiều năm trong ngành điện, lúc này đây chị lại càng hăng say hơn, tích cực hơn, tự tin hơn khi bước vào vai trò mới là người đứng đầu đội ngũ lãnh đạo đưa Tổng công ty Điện lực miền Bắc phát triển ngày càng vững mạnh hơn.
Luồng gió mới thực sự đã thổi hồn đến tất cả 27.000 CBCNV của Tổng công ty, chị đã chỉ đạo quyết liệt và sâu sát các mảng công tác chuyên môn, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành, SXKD và vận hành của Tổng công ty. Chị đã yêu cầu đưa các phần mềm CNTT vào ứng dụng trong công tác quản trị, xây dựng, và vận hành thành công TBA 110 kV Quế Võ 2 sử dụng giải pháp công nghệ kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam và được EVN đánh giá rất cao. Hơn thế nữa, Tổng công ty đã làm chủ công nghệ, tự thực hiện, xây dựng và phát triển phần mềm tích hợp điều khiển trạm biến áp, đánh dấu một bước tiến mới của Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong việc tự chủ và không còn phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài cung cấp giải pháp phần mềm.
Hầu hết các hội nghị lớn, các cuộc giao ban đều tổ chức trực tuyến từ Tổng công ty đến các đơn vị điện lực, các tổ, đội sản xuất, chỉ đạo trực tiếp đến tận người lao động… Việc nắm bắt tình hình công việc dưới các đơn vị rất chính xác, nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả. Từ đó lãnh đạo các đơn vị và người công nhân lao động được truyền thêm lòng nhiệt huyết, tinh thần làm việc tốt hơn, công việc thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Sự thay đổi thấy rõ nét nhất từ các phòng, ban Tổng công ty, CBCNV cơ quan làm việc hăng say, giải quyết công việc nhanh gọn, không quá 7 ngày so với trước kia là 20 ngày, mọi công việc trôi chảy, các ban được khen thưởng động viên kịp thời nên anh chị em không quản giờ giấc ngày đêm, khi nào hoàn thành công việc mới nghỉ. Chính sự lan tỏa từ các phòng, ban này đã truyền cho các đơn vị thành viên cũng với cách làm mới đó, kết quả là được khách hàng, nhân dân ủng hộ tuyệt đối, các chỉ tiêu SXKD tốt lên rõ rệt. Bảng chấm điểm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý… đã được đưa vào trong công tác quản trị doanh nghiệp, tất cả vào guồng máy một cách nhanh gọn thông suốt.
Mọi chỉ đạo của Tổng giám đốc đều hướng tới sự phát triển hệ thống điện ổn định, tin cậy, an toàn cho người lao động và người sử dụng điện, đồng thời vẫn đặc biệt quan tâm chăm sóc đến đời sống của cán bộ công nhân viên.
Trong công tác điều hành sản xuất cũng như trong các cuộc hội nghị lớn của Tổng công ty, với phong cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng không kém phần duyên dáng, giọng nói dõng dạc cùng với lối dùng từ ngắn gọn, súc tích, Tổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh luôn đưa ra những chỉ đạo, giải pháp sát thực tế, khắc phục những tồn tại và phát huy những mặt tích cực của các đơn vị, khen chê kịp thời. Điều này tạo sự lan tỏa nề nếp và tinh thần làm việc đến CBCNV của Tổng công ty. Chính vì lẽ đó mà cán bộ công nhân viên ở các đơn vị nói riêng và toàn Tổng công ty nói chung rất trân trọng.
Có lần giữa giờ giải lao cuộc họp tôi mạo muội hỏi chị: “Với khối lượng công việc khổng lồ như thế, đến sức khỏe như nam giới có khi còn oải mà sao tôi thấy chị cứ phăng phăng, hừng hực khí thế như tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu vậy?”… Chị mỉm cười và nói: “Cũng chỉ là đóng góp một chút ít sức lực nhỏ thôi. Sự thành công của Tổng Công ty mình là nhờ vào chính sự nỗ lực của toàn thể CBCNV trong Tổng công ty.”
Tôi nhớ mãi câu nói sâu sắc của Tổng giám đốc: “Cuộc sống, công việc đôi khi là sự đam mê được cống hiến cho tập thể và cho xã hội”.
Đấy “Nữ tướng” của chúng tôi lúc nào cũng khiêm tốn, luôn nhận mình chỉ là người đóng góp một chút ít sức lực nhỏ cho sự nghiệp của ngành điện miền Bắc nói riêng và ngành Điện lực Việt Nam nói chung. Bởi với chị, sự thành công của EVNNPC chính là nhờ vào sự đoàn kết của Ban lãnh đạo và nhờ vào chính lực lượng lao động 27.000 CBCNV của Tổng công ty.
Dù thời gian đã trôi qua nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên những cảm xúc, từ lâu lắm rồi về chị Đỗ Nguyệt Ánh như một câu chuyện giữa đời thường, về một bông hoa đẹp trong rừng hoa phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ EVN và người phụ nữ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng!
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), thay mặt cho phụ nữ EVNNPC, chúng tôi chân thành chúc chị Ánh mãi tươi xinh, sức khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa trên chặng đường phía trước đưa “con tàu” EVNNPC đi tới tương lai tươi sáng, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam thắng lợi trên trận tuyến điện năng thời hội nhập và phát triển./.
XUÂN HƯƠNG