RSS Feed for Chủ tịch EVN chia sẻ với chuyên gia Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 10:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch EVN chia sẻ với chuyên gia Năng lượng Việt Nam

 - Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Kỷ Hợi, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dành cho chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cuộc phỏng vấn xung quanh 10 khó khăn đã vượt qua và 10 thành tích đã đạt được của EVN trong năm 2018...

Thị trường bán buôn điện: Người sử dụng và cung cấp đều hưởng lợi

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN.

Năng lượng Việt Nam: Trước hết, xin cảm ơn ông đã dành cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam cuộc phỏng vấn quan trọng này. Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức trong năm 2018 mà EVN đã phải vượt qua?

Ông Dương Quanh Thành: Năm 2018, với trách nhiệm "đi trước một bước" để cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ giao, EVN đã gặp nhiều khó khăn, trong đó có thể nêu 10 khó khăn lớn như sau:

Thứ nhất: Nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế tăng cao hơn so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh.

Thứ hai: Cung - cầu về điện ở phía Nam ngày càng bị mất cân đối do nguồn điện phát triển chậm hơn so với phụ tải dùng điện.

Thứ ba: Nguồn cấp khí bị giảm và không ổn định, sản lượng khí cấp thấp hơn so với kế hoạch gần 450 triệu m3 (tương đương 2,5 tỷ kWh).

Thứ tư: Than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm.

Thứ năm: Lưu lượng nước về các hồ thủy điện cuối năm ít, đặc biệt các hồ thủy điện miền Trung.

Thứ sáu: Thiên tai, lũ lụt đã gây thiệt hại cho hệ thống điện.  

Thứ bảy: Chi phí đầu vào (giá nhập khẩu than, dầu) tăng, tỷ giá biến động.

Thứ tám: Thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp khó khăn, đặc biệt nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài.

Thứ chín: Công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các dự án điện ngày càng khó khăn, phức tạp; và,

Thứ mười: Các thủ tục trong xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều vướng mắc.

Năng lượng Việt Nam: Trong bối cảnh như vậy, những kết quả đáng ghi nhận nhất là gì, thưa ông?

Ông Dương Quanh Thành: Trong năm 2018, EVN đã được Chính phủ, Bộ Công Thương tạo điều kiện để hóa giải các khó khăn trên. Vì vậy, EVN đã hoàn thành vượt kế hoạch được Thủ tướng giao, cụ thể như sau:

Sản lượng điện phát và mua đạt 212,9 tỷ kWh, vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với 2017. Trong đó, sản lượng điện của Công ty mẹ - EVN là 49,35 tỷ kWh, vượt 6,55 tỷ kWh (~15,3%) so với kế hoạch. Đặc biệt, điện sản xuất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt kỷ lục 12,3 tỷ kWh, vượt 51,2% so với thiết kế.

Điện thương phẩm đạt 192,93 tỷ kWh, vượt kế hoạch 1,25% và tăng 10,47% so với 2017 (cao hơn 1% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao), các tổng công ty điện lực đều vượt kế hoạch từ 1÷3%.

Sản lượng điện truyền tải đạt 184,2 tỷ kWh, vượt 1,6% kế hoạch và tăng 10,88% so với 2017. Trong đó, truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung cho miền Nam đạt 20,8 tỷ kWh (khoảng 20% nhu cầu của miền Nam).

Các nhà máy thuỷ điện vừa phát điện vừa đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đã cấp kịp thời 5,74 tỷ m3 nước để gieo cấy lúa vụ đông xuân ở đồng bằng và trung du Bắc bộ, đã vận hành tuyệt đối an toàn công trình, thực hiện điều tiết lũ hiệu có quả để bảo vệ hạ du.

Thị trường phát điện cạnh tranh được mở rộng và vận hành đúng quy định. Đến cuối 2018 có 90 nhà máy điện, với tổng công suất 23.054 MW (chiếm 52,6% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện. Công tác triển khai thị trường bán buôn đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Năng lượng Việt Nam: Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề hoàn thiện các thủ tục hành chính. Ông đánh giá như thế nào về lĩnh vực này của EVN?

Ông Dương Quanh Thành: Điện năng có liên quan đến tất cả các ngành kinh tế và các đối tượng ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, EVN luôn coi trọng việc hoàn thiện các thủ tục hành chính theo chủ trương "kiến tạo" của Thủ tướng. Trong lĩnh vực điện năng 2018, chúng ta đã có nhiều tiến bộ đáng kể như sau:

Theo Báo cáo Doing Business 2019, chỉ số tiếp cận điện năng 2018 của Việt Nam được xếp 27/190 quốc gia, đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh chung của Việt Nam trong khi nhiều chỉ số đánh giá thành phần khác giảm mạnh.

Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tốt theo hướng đa dạng các kênh cung cấp dịch vụ điện trực tuyến. Các chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng đều đạt và vượt so với kế hoạch; Hệ thống CMIS3.0 đã được triển khai đến tất cả các công ty điện lực, thực hiện kết nối cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tại 63/63 tỉnh/thành phố, tạo thuận lợi cho khách hàng, minh bạch trong các giao dịch, và rút ngắn thời gian cấp điện. EVN đã bán điện trực tiếp cho 27 triệu khách hàng, tăng 1,2 triệu khách hàng so với 2017. Các Trung tâm chăm sóc khách hàng tiếp tục được củng cố và bổ sung nhiều loại hình dịch vụ.

Theo khảo sát, đánh giá của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp hài lòng về chất lượng dịch vụ cung cấp điện đạt 74% (tăng 5% so với 2017) và duy trì vị trí thứ 2 về chất lượng các dịch vụ tiện ích gia tăng trong bộ chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI).

Việc thuê tư vấn độc lập để đánh giá độ hài lòng của khách hàng tiếp tục được duy trì, và điểm đánh giá đều tăng so với 2017. Trong đó, mức độ hài lòng khách hàng sử dụng toàn EVN đạt 8,11 điểm, tăng 0,14 điểm so với 2017, cao nhất là EVNHCMC - đạt 8,33 điểm (+0,07 điểm).

Báo cáo Doing Business 2019 cũng ghi nhận các cải cách của EVN trong việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng cung cấp điện và các dịch vụ về điện. Từ tháng 12/2018, EVN cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4, đáp ứng 100% dịch vụ (từ khâu đăng ký, nhận kết quả đến thanh toán) thông qua trực tuyến.

Năm 2018, EVN được Fitch Ratings đánh giá và xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức BB (mức tín nhiệm tích cực đảm bảo EVN có thể thu hút các nhà đầu tư và huy động vốn để đầu tư các dự án điện). Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đánh giá EVN là "Doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2018". Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá "EVN là một trong các DN nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin".

Năng lượng Việt Nam: Thế còn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của EVN, ông đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được?

Ông Dương Quanh Thành: Với chức năng của một tập đoàn kinh tế trực tiếp triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, có trách nhiệm tham gia vào việc đảm bảo các cân đối lớn của Chính phủ và an ninh năng lượng quốc gia, trong 2018, EVN đã sản xuất, kinh doanh có lãi, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về hiệu quả, một số chỉ tiêu tổng hợp đã hoàn thành trước 1÷2 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm được Chính phủ giao. Trong đó, có thể nêu ra 10 thành tích đã được "cân đo, đong đếm" cụ thể như sau:

Tổng doanh thu: Toàn Tập đoàn năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với 2017, trong đó doanh thu bán điện 333.000 tỷ đồng (tăng 14,6%).

Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Tổng mức tiết kiệm chi phí đã đạt được 1.366 tỷ đồng (7,5% chi phí định mức).

Việc vận hành tối ưu hệ thống điện: Đã được coi trọng và duy trì, tăng huy động thủy điện 11 tỷ kWh và giảm huy động nhiệt điện dầu 0,3 tỷ kWh so với kế hoạch, góp phần quan trọng để giảm giá thành điện và chi phí mua điện.

Độ tin cậy cung cấp điện:  Năm 2018 tốt hơn 2017. Tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân (SAIDI) là 723 phút (giảm 30% so với 2017), chỉ số SAIDI của các đơn vị giảm từ 18÷39,5% so với năm 2017.

Tổn thất điện năng: Năm 2018 toàn Tập đoàn ước đạt 6,9%, thấp hơn 0,3% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Tất cả các tổng công ty điện lực thực hiện chỉ tiêu này tốt hơn so với kế hoạch phấn đấu. EVNHCMC là đơn vị thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và về đích sớm 2 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm. Chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng của EVNNPC, EVNCPC, EVNSPC về đích sớm 1 năm.

Năng suất lao động: SXKD điện toàn Tập đoàn đạt 2,18 triệu kWh/người, tăng 11,0% so với năm 2017. Năng suất lao động của EVNNPT và các tổng công ty điện lực đều vượt kế hoạch, trong đó EVNHCMC về đích sớm 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm.

Việc bảo toàn và phát triển vốn: Đã được duy trì, tổng giá trị tài sản EVN ước tính đến cuối năm 2018 là 702.836 tỷ đồng (tăng 0,18% so với năm 2017), trong đó vốn chủ sở hữu là 218.091 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2017).

Nộp ngân sách: Năm 2018 của Tập đoàn ước 20.170 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu: Đạt 2,22 lần, tỷ lệ tự đầu tư đạt 31,03%.

Lợi nhuận Công ty mẹ - EVN: Vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; các tổng công ty trực thuộc đều đạt kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận.

Năng lượng Việt Nam: Là một doanh nghiệp Nhà nước, bên cạnh các mục tiêu vì lợi nhuận, EVN còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác. Xin ông cho biết những đánh giá của mình về vấn đề này?

Ông Dương Quanh Thành: Trước hết về cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra nhiệm vụ: "Phát triển nhanh nguồn điện đảm bảo đủ điện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; đẩy mạnh việc cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư khu vực nông thôn và miền núi". EVN luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong hoạt động của mình.

Công tác cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo tiếp tục được chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện. Trong năm 2018, các tổng công ty điện lực đầu tư cấp điện cho thêm 19.700 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn, tiếp nhận lưới điện, bán điện cho hơn 96.250 hộ dân nông thôn. Đặc biệt, tháng 7/2018, EVN đưa điện lưới đến 2 xã cuối cùng của cả nước chưa có điện. Việc cấp điện hải đảo cũng được coi trọng: EVN đã cấp điện cho 11/12 huyện đảo (trừ huyện đảo Hoàng Sa). Năm 2018, hoàn thành cấp điện xã đảo Hòn Thơm (Kiên Giang), tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại các huyện đảo Cồn Cỏ, Trường Sa đáp ứng nhu cầu điện, phục vụ đời sống của bộ đội và nhân dân trên huyện đảo. Tính đến cuối 2018, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,05%.

Về tái cơ cấu, trong 2018, EVN đã tái cơ cấu quản trị, tiếp tục cổ phần hóa và thoái vốn theo Quyết định 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng. EVN đã hoàn thành các công việc cụ thể như sau:

Thứ nhất: Phê duyệt/thông qua Điều lệ/Quy chế tổ chức và hoạt động các tổng công ty, các ban QLDA thuộc EVN.

Thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện tổ chức quản lý, bộ máy điều hành.

Thứ ba: Trình Ủy ban Quản lý vốn thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn.

Thứ tư: Sửa đổi bổ sung và ban hành mới hệ thống quy chế quản lý nội bộ.

Thứ năm: Sắp xếp, tổ chức lại các ban QLDA thuộc EVN.

Thứ sáu: Thành lập các đơn vị phát điện và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa thuộc EVN.

Thứ bảy: Triển khai cổng thông tin điện tử EVNPortal để thực hiện báo cáo trực tuyến từ 01/01/2019.

Thứ tám: Liên thông văn bản trực tuyến trong toàn Tập đoàn.

Thứ chín: Xây dựng cơ sở pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện điện tử trong 2019.

Thứ mười: Thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cơ điện Thủ Đức; cổ phần hóa GENCO3, v.v…

Về đảm bảo việc làm và đời sống cho CBCNV: Thu nhập của CBCNV năm 2018 đã được tăng lên, phù hợp với mức tăng năng suất lao động và chế độ tiền lương của nhà nước; Thoả ước lao động tập thể đã được thực hiện nghiêm túc; Chế độ chính sách mới liên quan đến người lao động được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Chế độ nghỉ dưỡng sức, khám sức khoẻ định kỳ và triển khai phòng chống dịch bệnh theo mùa, phòng chống bệnh nghề nghiệp đã được thực hiện đầy đủ.

Về chấp hành pháp luật và phòng chống tham nhũng lãng phí: EVN đã được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, thanh tra và đánh giá tốt công tác thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, tuân thủ quy định của Tập đoàn.

Tập đoàn và các đơn vị đã thực hiện đúng kế hoạch thanh, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng: kịp thời xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh việc chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở đơn vị; đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực.

Công tác pháp chế đã được tăng cường, hệ thống Quy chế quản lý nội bộ đã được hoàn thiện, công tác quản lý nhãn hiệu, thương hiệu EVN đã được tăng cường, các vấn đề pháp lý phát sinh đã được xử lý, v.v…

Năng lượng Việt Nam: Trong năm 2018, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến đề cập đến "nguy cơ thiếu điện" ở Việt Nam. Xin ông cho biết, EVN đã và sẽ làm gì để đẩy lùi "nguy cơ" này?

Ông Dương Quanh Thành: Trước hết, việc thiếu điện, nếu có thể xẩy ra, có nguyên nhân chủ yếu là các dự án nguồn điện không thuộc EVN đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Về phần mình, tất cả các dự án nguồn điện lớn của EVN đều đã được triển khai đúng và vượt tiến độ đề ra.

Trong 2018, với chức năng là doanh nghiệp chủ đạo trong lĩnh vực cung cấp điện, EVN đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cung cấp điện như: Thủy điện Sông Bung 2 (100MW), Thủy điện Đa Nhim mỏe rộng giai đoạn 1 (45MW), các tổ máy của Nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4. Các dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đang khẩn trương thực hiện để phát điện trong năm 2019.

Ngoài ra, các công tác chuẩn bị đầu tư ở nhiều cấp độ khác nhau cũng đã được EVN tích cực thực hiện để trong thời gian gần nhất sẽ triển khai được các dự án khác như: Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Điện mặt trời Phước Thái 1, Sê San 4, Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4, Nhiệt điện Dung Quất 1 và 3, Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Điện mặt trời Sông Bình 2 và 3; Phước Thái 2 và 3; Trung tâm Điện lực Tân Phước.

Việc phát triển lưới điện cũng đã và đang được EVN tích cực triển khai để nâng cao năng lực cấp điện cho khu vực phía Nam, TP. Hà Nội và các phụ tải quan trọng. Trong năm 2018, EVN đã hoàn thành 253 công trình lưới điện với gần 4.000 km đường dây và 20.150 MVA công suất TBA, đã khởi công 223 công trình lưới điện, trong đó có các công trình quan trọng như đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2.

Năng lượng Việt Nam: Cuối cùng, nhân dịp chuẩn bị bước sang năm Kỷ Hợi, tâm sự của ông muốn gửi tới bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam là gì?

Ông Dương Quang Thành: Trước hết, thay mặt ban lãnh đạo Tập đoàn, tôi xin bày tỏ sự cám ơn đến toàn thể CBCNV của EVN đã không ngừng phấn đấu và sẽ tiếp tục phấn đấu để ngành Điện lực Việt Nam ngày càng phát triển có hiệu quả. Thay mặt CBCNV của EVN, tôi cũng xin ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tạp chí Năng lượng Việt Nam trong công tác truyền thông và tư vấn xây dựng ngành điện nói chung và EVN nói riêng. Nhân dịp chào đón năm mới Kỷ Hợi, tôi xin chuyển tới bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cảm ơn ông!

NGUYỄN THÀNH SƠN (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động