Chia sẻ của Tổng Giám đốc EVNNPT với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam
14:09 | 23/01/2025
Giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đầu tư các công trình lưới điện truyền tải trong giai đoạn tới là hết sức cấp bách khi phải truyền tải công suất giữa các vùng miền, giải tỏa công suất các nguồn điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. |
Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia. |
Kỳ tích hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 nhờ huy động sức mạnh tổng hợp. Sự kiện này đưa ra những bài học gì cho EVNNPT?
Ông Phạm Lê Phú: Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh, tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Đây là các công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, bổ sung công suất từ khu vực Bắc Trung bộ cho khu vực miền Bắc, giảm tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, EVN, EVNNPT đã nỗ lực để sau hơn 6 tháng thi công thần tốc đã hoàn thành, khánh thành dự án theo đúng tiến độ được giao.
Từ thành công của các dự án đường dây mạch 3, EVNNPT đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, đó là:
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo: Dự án có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt thường xuyên, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, các bộ, ngành, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền huyện, xã đến các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Thứ hai, về công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện: Như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ ra “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá”.
Hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp để kiểm tra tiến độ và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng tổ chức họp định kỳ 2 tuần/lần dưới sự chủ trì của Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, phân rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết để thúc đẩy tiến độ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND quyết liệt chỉ đạo các sở ngành, địa phương đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng. Lãnh đạo EVN, EVNNPT và các Ban QLDA thường trực có mặt tại công trường, tại các nhà máy, giao trách nhiệm cụ thể cho mỗi đơn vị, mỗi cán bộ để đôn đốc tiến độ hàng ngày, hàng tuần.
Các nhà thầu bố trí lãnh đạo có thẩm quyền bám trực tại công trường, nhà máy để chỉ huy đến từng tổ/đội/nhóm, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Thứ ba, là sự chung sức đồng lòng các cấp chính quyền và người dân địa phương: Người dân tại các địa phương đã ủng hộ dự án, nhường chỗ ở, đất sản xuất, tích cực hỗ trợ công tác hậu cần, cung cấp nguyên vật liệu, máy thi công, tham gia thi công các hạng mục phù hợp với năng lực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “4 tại chỗ”. Đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, người dân đã sớm đồng thuận với chủ trương, chính sách nên hầu như không xảy ra khiếu kiện.
Thứ tư, là sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các lực lượng tham gia xây dựng: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quân đội, công an nhân dân, mặt trận tổ quốc, các tập đoàn nhà nước, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội phụ nữ các địa phương đã cùng với EVN, EVNNPT, các nhà thầu phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”. EVN, EVNNPT phát huy toàn bộ sức mạnh nội sinh và tinh thần xung kích của mình, huy động hơn 3.300 cán bộ, công nhân trong các đơn vị của ngành điện trên mọi miền đất nước tình nguyện tham gia tiếp sức, hỗ trợ thi công các dự án.
Thứ năm, là vai trò quan trọng của công tác truyền thông: Các cơ quan truyền hình, báo chí ở Trung ương và địa phương đã không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, kịp thời có mặt tại công trường để ghi nhận và đưa tin, tạo nên nhiều bài báo, thước phim với nhiều hình ảnh đẹp về cán bộ, kỹ sư, công nhân đang lao động trên công trường, góp phần động viên, tạo động lực và lan tỏa cảm hứng hăng say lao động đến các công trình quan trọng, trọng điểm khác của đất nước.
Thứ sáu, là vai trò của công tác thi đua, động viên tinh thần hăng say lao động: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động, sơ kết nhiều phong trào thi đua. Các phong trào được chủ đầu tư, gần 300 nhà thầu và các đơn vị liên quan với khoảng 23.000 người lao động nhiệt tình hưởng ứng, quyết tâm thi công các dự án đúng tiến độ, chất lượng, chăm lo đầy đủ các chế độ và điều kiện làm việc cho người lao động, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trên công trường.
Đối với các dự án truyền tải khác trong năm 2024, xin ông cho biết một số kết quả đã đạt được để giúp nâng cao hiệu quả vận hành?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác ĐTXD, nhưng Tổng công ty và các đơn vị đã nỗ lực rất lớn, khắc phục khó khăn để khởi công được 27 dự án và đưa vào vận hành được 47 dự án.
Ngoài dự án đường dây 500 kV mạch 3 là một loạt dự án khác như: Đường dây 500 kV Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè; đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, Quảng Ngãi - Quy Nhơn mạch 2, Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2; mở rộng ngăn lộ Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ, Trạm biến áp 220 kV Phố Cao, Trạm biến áp 220 kV Nam Cấm và đấu nối, Trạm biến áp 220 kV An Khê và đấu nối; lắp máy 2 Trạm 220 kV Thái Thụy, Yên Hưng, Sa Đéc, Châu Đức, Phước An… lắp đặt tụ bù lưới truyền tải điện khu vực miền Bắc…
Đặc biệt, trong năm, các địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là EVNNPT cho 41 dự án với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 28.000 tỷ đồng. Việc phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều dự án sẽ tạo điều kiện quan trọng để các Ban quản lý dự án đẩy nhanh quá trình triển khai, đáp ứng tiến độ đề ra góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Được biết, EVNNPT có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều bước tiến trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được? Mức độ số hóa hệ thống truyền tải điện của Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực?
Ông Phạm Lê Phú: Trong những năm gần đây, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của EVNNPT. Chuyển đổi số đã giúp thay đổi mô hình quản lý, cách thức vận hành của EVNNPT và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn cho doanh nghiệp. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với EVNNPT đó là tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí vận hành, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, tối ưu hoá được năng suất lao động của nhân viên.
Chuyển đổi số tại EVNNPT là quá trình chuyển đổi các hoạt động chưa được số hoá thành số hoá, các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động. Đồng thời áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu tại Tổng công ty, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan sau hơn 3 năm triển khai. Cụ thể:
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: Chuyển đổi số tại EVNNPT đã làm thay đổi mạnh mẽ trong công tác đầu tư xây dựng với nền tảng là phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng (IMIS2.0). Trong đó 100% vật tư thiết bị chính mua sắm cho dự án được quản lý trong cơ sở dữ liệu giá toàn EVN. Hoàn thành triển khai và đưa vào sử dụng ứng dụng QRCode cho công tác quản lý VTTB kèm theo “Hướng dẫn áp dụng cấu trúc, quy cách, vật liệu và dán mã QR trên các vật tư thiết bị của EVNNPT”.
100% dự án 500 kV được giám sát, quản lý bằng hệ thống camera: Đã trang bị 1/hoặc 2 camera cho 33 hạng mục/công trình trạm biến áp và 1 camera cho 1 đường dây 500 kV để thực hiện việc giám sát thi công.
Trong lĩnh vực quản lý vận hành hệ thống điện: Chuyển đổi số đã làm thay đổi công tác quản lý kỹ thuật với nền tảng là hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) thiết bị trên phần mềm quản lý kỹ thuật - PMIS. Đến nay, EVNNPT đã cập nhật tổng số 103.044 hồ sơ, lý lịch thiết bị (đạt 100%) lên phần mềm PMIS. Phối hợp với EVNICT trong việc nghiên cứu ứng dụng AI, Bigdata để khai thác dữ liệu trong PMIS phục vụ sửa chữa, tối ưu hệ thống theo lộ trình của EVN đến hết năm 2025.
Hoàn thành xây dựng quy trình và tin học hóa sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp CMB cho tất cả các thiết bị trên lưới truyền tải, đang cập nhật dữ liệu để đánh giá tình trạng thiết bị, từ đó áp dụng AI để phân tích dự báo nâng cáo hiệu quả khai thác thiết bị.
Đến nay, NPT đã làm chủ được các hệ thống điều khiển trạm biến áp và đồng thời tích hợp được thiết bị của nhiều hãng khác nhau theo tiêu chuẩn IEC 61850. Đến tháng 12/2024, EVNNPT đã có 132/161 trạm biến áp 220 kV điều khiển xa. Đặc biệt, năm 2021, EVNNPT đã đóng điện vận hành Trạm biến áp 220 kV Thủy Nguyên - trạm biến áp số 220 kV đầu tiên của Việt Nam. Đây là một bước tiến lớn về công nghệ số được áp dụng trên lưới truyền tải điện với nhiều tính năng ưu việt, khẳng định lưới điện truyền tải đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.
EVNNPT áp dụng rộng rãi ứng dụng hiện trường trên thiết bị di động để cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu thông tin thiết bị trên PMIS, đồng thời phục vụ công tác quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị đem lại hiệu quả cao.
Hiện tại, 4.227 CBCNV vận hành trạm biến áp, đường dây, thí nghiệm sửa chữa (đạt 100%) sử dụng ứng dụng hiện trường khi làm việc trên hiện trường, ứng dụng phần mềm số hóa công tác quản lý vận hành trạm biến áp, công tác quản lý thí nghiệm; ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp:
1. Phần mềm kiểm tra thiết bị trạm biến áp bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng để chuyển đổi số công tác quản lý trạm biến áp. Trước đây, các công việc kiểm tra thiết bị được thực hiện thủ công theo ca và cập nhật bằng tay vào hệ thống sổ sách. Khi sử dụng phần mềm, nhân viên vận hành sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng quét QR Code trên thiết bị, cập nhật kết quả kiểm tra vào biểu mẫu điện tử trên phần mềm.
2. Phần mềm quản lý thí nghiệm nhằm mục tiêu số hóa toàn bộ công tác thí nghiệm thiết bị điện. Phần mềm được xây dựng trên nền tảng Web, liên kết với cơ sở dữ liệu của phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS) cho phép tự động lập, quản lý, theo dõi kế hoạch thí nghiệm thiết bị. Kết quả thí nghiệm được cập nhật trực tiếp tại hiện trường trên mẫu biên bản thí nghiệm chuẩn và được ký số.
3. Phần mềm quản lý đường dây cho phép giao - nhận công việc thông qua phần mềm, ứng dụng kiểm tra đường dây bằng thiết bị bay không người lái tự động theo lịch trình định sẵn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích hình ảnh, số hóa toàn bộ các hồ sơ, sổ sách quản lý, các quy trình nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý vận hành đường dây giúp giảm thời gian ghi chép sổ sách của người công nhân, giảm thời gian tổng hợp báo cáo.
4. EVNNPT đã ứng dụng camera giám sát và camera tích hợp AI trên đường dây truyền tải điện, trong trạm biến áp. Đến nay, 652 đường dây truyền tải 500 kV và 220 kV được ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh nhằm tăng năng suất lao động. Việc lắp camera giúp giám sát, phát hiện sớm các nguy cơ vi phạm hành lang an toàn do phương tiện cơ giới, do diều, phát hiện sớm đám cháy, nguy cơ sạt lở, tự động gửi tin nhắn đến người quản lý để có giải pháp phù hợp, kịp thời ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố liên quan đến an toàn hành lang lưới điện.
5. Đã thực hiện số hóa lưới điện 220 - 500 kV trên nền thông tin địa lý GIS, các trạm biến áp, đường dây được xây dựng trực quan trên nền bản đồ địa lý, địa hình, hành chính, vệ tinh và theo các lớp sơ đồ 500 kV, 220 kV giúp quản lý lưới điện trực quan trên bản đồ địa lý. Hệ thống đã kết nối đến hệ thống định vị sự cố, hệ thống quan trắc cảnh báo sét và sẽ kết nối đến các ứng dụng quản lý đường dây, trạm biến áp, quản lý thí nghiệm.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia được đánh giá là dẫn đầu về số hóa lưới điện với hệ thống Smart grid phát triển mạnh mẽ, cho phép giám sát và điều khiển từ xa, đồng thời sử dụng các công nghệ AI và IoT để tối ưu hóa hoạt động của lưới điện.
Với những kết quả đã đạt được, mức độ số hóa của lưới điện truyền tải tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng và thách thức cần phải giải quyết.
EVNNPT đã và đang tích cực số hóa lưới điện, tiến tới lưới điện thông minh, đồng thời thử nghiệm các giải pháp ứng dụng công nghệ như IoT và Big Data vào hệ thống truyền tải điện.
Xin ông cho biết một số công trình truyền tải điện quan trọng để tiếp tục thực hiện chỉ thị “không để thiếu điện” của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025 và những năm tới?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2025, EVNNPT phấn đấu khởi công 34 dự án; hoàn thành và đóng điện 74 dự án. Đối với các dự án có kế hoạch khởi công, đóng điện năm 2025, EVNNPT tập trung đảm bảo tiến độ các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc; các dự án giải tỏa công suất các Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4; các dự án phục vụ giải toả công suất NLTT, nguồn thuỷ điện Tây Bắc, mua điện Trung Quốc, mua điện Lào. Phấn đấu đóng điện thêm các dự án ngoài kế hoạch EVN giao.
Trong đó tập trung cao độ đối với các dự án trọng điểm như: Các trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên; trạm 220 kV Văn Điển; Nam Hòa, Vũ Thư; trạm 220 kV Bá Thiện và đường dây 220 kV Việt Trì - Tam Dương - Bá Thiện, trạm 220 kV Yên Dũng và đường dây đấu nối; trạm 220 kV Nghĩa Lộ và đường dây 220 kV Nghĩa Lộ - Việt Trì; đường dây 220 kV Đô Lương - Nam Cấm; đường dây 220 kV Phong Thổ - Than Uyên; trạm 220 kV Vũng Áng và đấu nối; đường dây 220 kV Yên Hưng - Nam Hòa; đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và cấp điện khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Xin ông chia sẻ những mục tiêu và giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành của EVNNPT năm 2025?
Ông Phạm Lê Phú: Mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất trong quản lý vận hành của EVNNPT đó là đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải dự kiến năm 2025 là 269,1 tỷ kWh.
Để đạt được mục tiêu này, EVNNPT tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tính tuân thủ của các cấp quản lý và người lao động trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Có phương án xử lý, ngăn ngừa sự cố, tại nạn phù hợp với từng tình huống.
Đồng thời, thực hiện tốt việc nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro tại các vị trí làm việc; tuân thủ tuyệt đối quy trình, quy định và công tác giám sát an toàn.
Thực hiện đầy đủ các hạng mục thí nghiệm định kỳ để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết thiết bị (hoàn thành trước 30/4/2025). Thay thế, bổ sung thiết bị để đảm bảo cung cấp điện (lắp đặt mạch sa thải, hoàn thiện mạch khóa điều chỉnh điện áp khi điện áp phía cao áp máy biến áp giảm dưới 05%...). Tăng cường công tác theo dõi, giám sát thiết bị (thực hiện soi phát nhiệt thiết bị định kỳ và tăng cường, rà soát rơ le bảo vệ...).
Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện: Lưới điện thông minh, vệ sinh hotline, định vị sự cố, giám sát trực tuyến thiết bị chính, flycam và phân tích hình ảnh bằng AI, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét, thiết kế phòng cháy chữa cháy các trạm biến áp 220-500 kV... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động.
Xin cảm ơn ông. Nhân dịp đón xuân mới, xin chúc ông và tập thể Người lao động Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025!
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)