RSS Feed for Cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong khai thác than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 22:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong khai thác than

 - Theo quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030), trong đó, sản lượng hầm lò chiếm tỷ lệ lớn. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có chủ trương phát triển ngành Than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu khấu than, chống giữ lò chợ, vận tải và đào lò tại những khu vực điều kiện địa chất cho phép, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin

 

Ðể làm cơ sở triển khai, áp dụng rộng rãi hơn nữa công tác cơ giới hóa từng phần, cơ giới hóa đồng bộ và các loại hình công nghệ khai thác khác phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ từng khoáng sàng, Vinacomin giao Viện Khoa học Công nghệ Mỏ áp dụng các loại hình công nghệ cơ giới hóa khai thác tại một số công ty khai thác than hầm lò vùng Quảng Ninh.

"Áp dụng cơ giới hóa, số công nhân giảm từ 1,5 - 2 lần, năng suất lao động tăng 1,5 - 2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cao hơn so với lò chợ thủ công." (TS. Nguyễn Anh Tuấn)

Ứng dụng thành công

Thực hiện chủ trương đổi mới, hiện đại hóa ngành công nghiệp khai thác than và khoáng sản nhằm nâng cao sản lượng, mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm tổn thất tài nguyên, các mỏ than đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học công nghệ trong khai thác và đào lò, áp dụng giải pháp cơ giới hóa khai thác các vỉa dày, dốc thoải. Năm 2002, mỏ than Khe Chàm đã sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giá thủy lực di động và năm 2005 đưa vào thử nghiệm lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giàn chống tự hành.

Năm 2007, Công ty than Vàng Danh đã triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác bằng máy com-bai khấu than và giàn chống tự hành Vinaalta.

Sau đó, vào năm 2010, công nghệ này được áp dụng tại Công ty than Nam Mẫu. Bên cạnh việc thực hiện cơ giới hóa trong khai thác, thời gian qua, 13 mỏ hầm lò (Mông Dương, Vàng Danh, Dương Huy...) cũng triển khai áp dụng cơ giới hóa đào lò bằng máy com-bai AM-45 và AM-50Z, phục vụ mở rộng diện sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra, nhiều giải pháp công nghệ chống lò tiên tiến cũng được triển khai áp dụng vào sản xuất như: công nghệ chống lò bằng vì neo, neo chất dẻo cốt thép, bê-tông phun, bê-tông cốt liệu nhẹ.

Thực tiễn áp dụng cơ giới hóa tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, khả năng tăng sản lượng khai thác và tốc độ đào lò khi áp dụng cơ giới hóa cao hơn nhiều so với khoan nổ mìn thủ công.

So với đào lò thủ công, tốc độ đào lò bằng cơ giới hóa tăng hai đến ba lần, so với khai thác thủ công khoan nổ mìn sử dụng giá thủy lực di động và giá khung di động, công suất khai thác từ lò chợ cơ giới hóa tăng 1,5 đến 1,8 lần... Việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ.

Áp dụng cơ giới hóa, số công nhân giảm từ 1,5 đến 2 lần, năng suất lao động tăng 1,5 đến 2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cao hơn hẳn so với lò chợ thủ công.

Ðể hạn chế tăng số lượng công nhân khai thác, nhưng vẫn phải đáp ứng việc tăng sản lượng than khai thác, nhất thiết phải triển khai áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong khai thác và đào lò.

Theo tính toán, nếu áp dụng khoan nổ mìn thủ công, với công suất khai thác hiện nay, vào năm 2015 phải tăng từ 127 lò chợ lên 226 lò chợ, số lao động tăng 1,78 lần (hơn 32 nghìn công nhân) và năm 2025 tăng lên 364 lò chợ, số lao động tăng 2,86 lần (50.400 công nhân).

Ðẩy mạnh cơ giới hóa trong khai thác than

Một vấn đề mấu chốt của công tác cơ giới hóa trong khai thác và đào lò là khả năng bảo đảm phát triển bền vững trong điều kiện mức lương ngày càng tăng của công nhân lao động.

Theo lộ trình, trong thời gian tới, ngành Than thực hiện một số chế độ, chính sách đãi ngộ đối với thợ lò nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống người lao động, giảm khó khăn về thiếu nguồn công nhân lao động, việc áp dụng lò chợ cơ giới hóa có năng suất lao động cao, tiêu hao nhân công thấp là giải pháp thiết thực, lâu dài và ổn định trong quá trình sản xuất của mỏ.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng cơ giới hóa, vẫn còn một số tồn tại vướng mắc dẫn đến chưa đạt được sản lượng theo thiết kế.

Trong các tháng đầu thử nghiệm tại hai mỏ than Vàng Danh và Nam Mẫu cho thấy, thời gian khai thác chỉ chiếm chưa đầy một nửa quỹ thời gian sản xuất, còn lại là các sự cố gây ách tắc sản xuất. Nguyên nhân ảnh hưởng của công tác áp dụng cơ giới hóa do điều kiện địa chất phức tạp, chiều dài khai thác không lớn, ảnh hưởng đến công suất khai thác cũng như hiệu quả đào lò.

Ðặc biệt, ảnh hưởng của nước chảy vào lò chợ với lưu lượng lớn gây đình trệ và ách tắc sản xuất. Các thiết bị cơ giới hóa chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài cho nên chưa chủ động được về thiết bị. Vật tư, thiết bị chuyên dụng sử dụng trong lò chợ cơ khí trong nước chưa chế tạo được.

Mặt khác, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân còn nhiều hạn chế, dẫn đến công suất và năng suất lao động trong giai đoạn đầu áp dụng thử nghiệm chưa cao.

Ðể duy trì sự phát triển ngành Than, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp.

Trên cơ sở điều kiện địa chất và hiện trạng khai thác, cần  tiếp tục triển khai khai thác lò chợ cơ giới hóa tại các đơn vị như Nam Mẫu, Khe Chàm, Vàng Danh và thực hiện nghiên cứu triển khai đưa cơ giới hóa khai thác vào một số khu vực có khả năng áp dụng tại các mỏ như Hà Lầm, Thống Nhất, Dương Huy.

Ngoài ra, khối lượng đào các đường lò chuẩn bị cũng rất lớn (theo các dự án đang thực hiện, tổng chiều dài các đường lò dự kiến đào bằng cơ giới hóa từ nay đến năm 2015 là 82,4 km). Với năng lực đào lò như hiện nay, khó có thể đáp ứng yêu cầu về diện sản xuất và ảnh hưởng đến kế hoạch sản lượng của các công ty.

Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục áp dụng và đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa trong đào lò; cơ giới hóa trong công tác chống neo, bê-tông phun nhằm tăng tốc độ và năng suất đào lò tại các mỏ than như: Khe Chàm, Mông Dương, Dương Huy, Hà Lầm, Vàng Danh, Nam Mẫu...

Thực tiễn đã chứng minh, việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, bảo đảm phát triển bền vững ngành Than. Nhất là trong bối cảnh công tác tuyển lao động làm việc trong các mỏ hầm lò gặp nhiều khó khăn, công nhân bỏ việc nhiều, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do xuống sâu hơn.

Chính vì vậy, các đơn vị trong ngành Than cần thăm dò bổ sung, đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng cơ giới hóa; xây dựng trung tâm bảo trì và bảo dưỡng thiết bị, đào tạo thợ cơ khí có tay nghề cao.

Ngoài ra, đề nghị Nhà nước có sự đầu tư thích đáng cả về nguồn lực và cơ sở vật chất trong nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa chế tạo các sản phẩm cơ khí và trang thiết bị cơ giới hóa. Ðồng thời, tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa  tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu với các doanh nghiệp khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa.

TS. Nguyễn Anh Tuấn

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động