Cần có chính sách đủ mạnh cho "thâm canh" năng lượng
09:02 | 14/03/2018
Nói đến phát triển và tăng trưởng kinh tế (chỉ tiêu GDP) cũng cần phân biệt. Tăng trưởng là sản xuất tăng, sản phẩm nhiều lên, cung cấp ra thị trường nhiều hơn, thu nhiều lợi nhuận, nhưng không đồng đều, nhiều vùng vẫn lạc hậu, nghèo đói. Phát triển kinh tế là đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội.
Phát triển kinh tế mang nội hàm rộng hơn, là quá trình hoàn thiện về mọi mặt của nền kinh tế: kinh tế - xã hội - môi trường - thể chế, nhằm đảm bảo rằng GDP tăng cao tương ứng với phân phối công bằng, chất lượng cuộc sống, hạnh phúc cao hơn.
Chỉ tiêu chất lượng cuộc sống được sử dụng trong nhiều lĩnh vực phát triển của quốc tế một cách khá toàn diện. Chất lượng cuộc sống không thể nhầm lẫn với khái niệm về mức sống, mà tiêu chí là dựa chủ yếu vào thu nhập. Tiêu chí về chất lượng cuộc sống tổng hợp hơn, bao gồm không chỉ về thu nhập, sự giàu có và việc làm, mà còn là môi trường xã hội - chính trị, môi trường sống, mức độ an toàn, sức khỏe thể chất, tinh thần, giáo dục, giải trí và cuộc sống riêng tư.
Một cách diễn giải được Liên Hợp Quốc sử dụng khá phổ biến để đo lường chất lượng cuộc sống là các Chỉ số phát triển con người(HDI), với các nội dung cơ bản về tuổi thọ, giáo dục và mức sống như là một nỗ lực để nâng cao cuộc sống cho các cá nhân trong một xã hội nhất định. HDI được sử dụng bởi Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc trong Báo cáo phát triển con người. Đây là một tiêu chí tổng hợp phản ánh chất lượng cuộc sống.
Tháng 3/2016, Liên Hợp Quốc công bố "Báo cáo hạnh phúc thế giới" lần thứ tư, trong đó xếp hạng 156 quốc gia, dựa trên sự phản hồi của công dân về mức độ hài lòng với chất lượng cuộc sống.
Theo đó, Bắc Âu hạnh phúc nhất, người Ấn Độ dù GDP tăng liên tục nhưng chỉ số hạnh phúc giảm; nhà giàu Qutar lại kém hạnh phúc hơn "nhà nghèo" sử dụng ít điện Costa Rica, Việt Nam đứng thứ 96,… Thực sự cần xem xét điều thú vị này!
Theo đánh giá của "Website Numbeo.com" (từ Bản tin của "Trí thức trẻ"), được khảo sát trực tuyến chứ không phải báo cáo chính thức của chính phủ. Chỉ số Chất lượng cuộc sống được tính toán dựa trên bảy yếu tố bao gồm: mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, giá nhà đất so với thu nhập và mức độ ô nhiễm môi trường. Và cho kết quả là:
Thụy Sỹ là quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới, theo sau là Đan Mạch, Đức và Phần Lan. Ả rập Saudi và Oman lần lượt xếp thứ 6 và 7 trong danh sách những quốc gia có chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới, trên cả Mỹ, Canada, Australia và Các Tiểu Vương quốc Ả rập. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới, xếp sau cả Lào và Campuchia.
Không phải chỉ các tổ chức quốc tế, mà một số quốc gia cũng tìm cách đánh giá mức độ hạnh phúc cho quốc gia mình. Thí dụ từ năm 1972, Vương quốc Bhutan đã sử dụng chỉ số "Tổng hạnh phúc quốc gia" (Gross National Happiness) để làm mục tiêu phát triển mà không dựa vào tăng trưởng của cải vật chất.
Một nhận xét gần gũi khác, theo thông báo Chính phủ, năm 2015, GDP đầu người Việt nam 2.228 USD, gấp đôi năm 2010: 1.168 USD, dự kiến năm 2020 là 3.700USD, Việt Nam giàu lên ba lần so với mười năm trước, nhưng không có nghĩa chúng ta phát triển và chất lượng cuộc sống cao hơn ba lần so với 10 năm trước!
Hiệu quả năng lượng, theo thống kê quốc tế năm 2014, tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu là trên 13 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi), tiêu thụ điện là 22,4 nghìn tỷ kWh, bình quân đầu người tương ứng là 1.795 kgOE/người và khoảng 3.100 kWh/người. Với các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2014, Singapore là 8.909, Malaysia: 4.466, Thái Lan: 2.462, Trung Quốc: 3.454, Hàn Quốc: 10.980, Nhật Bản: 9.394 kWh; v.v..
Quá trình sử dụng năng lượng toàn cầu tăng không ngừng, giúp con người có chất lượng cuộc sống cao hơn. Tuy nhiên, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều vùng giàu tài nguyên lại là vùng nghèo và mất an toàn. Nguồn năng lượng của hành tinh bắt đầu cạn kiệt, nhân loại đang cảm thấy xót xa, bất ổn, đang hô hào giảm tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Phát triển thủy điện ồ ạt làm mất cân bằng sinh thái. Năng lượng khoáng sản đang bị không ít người quy tội là bẩn thỉu, gây chết người hàng loạt, thật không công bằng với hành tinh!
Bản thân hòn than, giọt dầu đâu có bẩn, bởi chúng ta chưa có cách sử dụng sạch và hiệu quả mà thôi! Rõ ràng nhân loại cần rà soát và tìm phương thức hiệu quả hơn cho sản xuất và sử dụng năng lượng.
Ở Việt Nam, điện năng tiêu thụ những năm gần đây tăng nhanh với tốc độ khoảng 10-11%/năm. Cụ thể năm 2011: 98,5 tỷ, 2012: 105,4 tỷ, 2013: 117,0 tỷ, 2014: 128,4 tỷ, 2015: 141,8 tỷ, 2016: 159,3 tỷ kWh. Tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2015 khoảng 70 triệu TOE. Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐVII ĐC), Chính phủ đã phê duyệt 3/2016, tổng điện năng sản xuất so với QHĐVII, được điều chỉnh giảm khoảng 20%. Cụ thể, năm 2015: 164 tỷ, 2020: 265 tỷ, 2025: 400 tỷ, 2030: 575 tỷ kWh. Điện sản xuất đầu người được dự báo năm 2020: 2.800, năm 2025: 4.100 và 2030: 5.200 kWh/người.
Với mức tiêu thụ và dự báo đến 2030, so với các nước tiên tiến còn rất thấp, so với mức trung bình thế giới, tiêu thụ năng lượng nói chung Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 30-35%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 60%. Còn so với các nước trong vực Việt Nam cũng còn thấp hơn nhiều.
Điều đáng quan tâm hơn là hiệu quả sử dụng năng lượng, đó là mức tiêu thụ điện/năng lượng nói chung để làm ra một USD - GDP( thường gọi là cường độ điện/năng lượng đối với GDP), trong khi cường độ điện một số nước như Nhật Bản, CHLB Đức là 0.22 - 0,25, Thái Lan là 0,56 kWh/USD, cường độ năng lượng khoảng 150-170 kgOE/USD,... thì Việt Nam hiện nay cường độ điện khoảng 1,15 - 1,2 kWh/USD, lại còn được dự báo tăng lên vào 2020 - 2025. Đồng thời hệ số đàn hồi điện (tỷ lệ giữa tốc độ tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP) các nước nói chung nhỏ hơn 1, Việt Nam hiện tại trên 1,5 và có xu thế tăng!
Điều đó nghĩa là hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam rất thấp.
Mỗi lần xây dựng quy hoạch phát triển điện lực, dĩ nhiên phải dự báo nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng, tuy nhiên do quan điểm, phương pháp, số liệu chưa tốt, chưa quan tâm đầy đủ nội dung sử dụng hiệu quả năng lượng và đặc biệt chưa bao giờ xem xét quan hệ giữa "Chất lượng cuộc sống" với "Hiệu quả năng lượng", nên dự báo nhu cầu năng lượng thường cao, chưa rõ hiệu quả sử dụng?
Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn, nhưng để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn thì nền kinh tế cần phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp.
Hiện nay, công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng năng lượng thượng mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5% GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép,.. được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó nông - lâm - ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng (vừa qua chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28 % tổng NLTM mà đem lại 22% GDP).
Thực tế hiện nay nông nghiệp vẫn bị đánh giá, canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi,… Phải chăng, chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và nội dung điện khí hóa trong nông nghiệp?
Hiện nay, Chính phủ đang cỗ vũ Cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao,.. cần làm rõ, cụ thể hóa nội hàm là gì, kể cả vai trò của năng lượng ra sao? Thì mới thực hiện được. Mặt khác, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là "đầu tư ngắn ngày mau ăn", đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược - nghĩa là chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình phát triển. Như vậy vấn đề sử dụng hợp lý, hiệu quả có ý nghĩa lớn, bao quát hơn; cơ cấu hợp lý các ngành của nền kinh tế quốc dân, cho phép giảm cường độ năng lượng lớn hơn.
Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm là khâu cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng sạch giá rẻ, là quốc sách "thâm canh" trong năng lượng, là phát triển bền vững, và chính là không ham hố chạy theo sản xuất nhiều năng lượng mà phải là đủ dùng, hiệu quả. Chúng ta cần có chính sách đủ mạnh để thay đổi công nghệ, khuyến khích, hỗ trợ, thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, xây dựng các chỉ tiêu pháp lý cho hoạt động này.
Ngày nay, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ hành tinh, thì đó mới là điều đáng ghi nhận trong thời đại tri thức.
PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM