Các nhà máy nhiên liệu sinh học của PVN gặp rất nhiều khó khăn
15:00 | 17/10/2013
>> 9 tháng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bán hơn 5,7 triệu m3 xăng dầu
>> Đẩy nhanh lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học
>> Thực hiện đúng lộ trình sử dụng xăng sinh học
Ngoài việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thì việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ ưu điểm của nguồn nhiên liệu này cũng là điều cần làm. (Ảnh: Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio - Ethanol Dung Quất )
Theo ông Phùng Đình Thực, hiện công ty mẹ không tham gia bất kỳ dự án sản xuất nhiên liệu sinh học nào, mà chỉ có các công ty con của PVN tham gia, trong đó có 3 nhà máy gồm: Nhà máy sản xuất ethanol sinh học Dung Quất (Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học miền Trung); Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước và dự án sản xuất Ethanol Phú Thọ (Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil).
Thực tế tình hình cho thấy, dự án sản xuất Ethanol Phú Thọ đang tạm dừng triển khai do nhà thầu và các nhà đầu tư chưa thống nhất việc điều chỉnh tăng chi phí xây dựng. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio - Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đã xây dựng xong, thực tế đã sản xuất ra sản phẩm và chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Dự án sản xuất Ethanol Bình Phước có 3 cổ đông góp vốn, trong đó PV Oil là cổ đông nắm giữ 29%, phần còn lại do Itochu Nhật Bản nắm 53% và Licogi nắm 18%. Về cơ bản, dự án hiện đã hoàn thành và cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được do xuất khẩu lỗ, còn tiêu thụ trong nước cũng bế tắc khi chưa có chủ trương buộc người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học.
Trước khó khăn này, PVN đã quyết định giao cho Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn điều hành Bio - Ethanol Dung Quất để tiết kiệm chi phí cũng như phối trộn nhiên liệu sinh học vào sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt đến tháng 12/2014, xăng sinh học được đưa vào sử dụng tại 7 tỉnh, thành phố và đến tháng 12/2015 tiêu thụ đại trà trên toàn quốc. Nhưng với quy mô sản xuất nhiên liệu sinh học như hiện nay thì chỉ đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và một phần rất nhỏ để xuất khẩu. Tuy nhiên, lại đang có một thực tế là giá xuất khẩu đang thấp hơn giá thành. Nếu so với giá nhập khẩu về Việt Nam hiện nay, tính hết chi phí đã lên tới 19.000 đồng/lít, nhưng giá thành thực tế chỉ từ 17.000 - 18.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá xuất khẩu đi chỉ đạt được 15.000 đồng/lít. Đây cũng là một khó khăn nữa trong việc phát triển nhiên liệu sinh học hiện nay của Việt Nam.
Do vậy, để triển khai đúng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học trong cả nước, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổ chức hình thành hệ thống kinh doanh xăng sinh học như quy định. Cùng đó, tập trung phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, thay vì bỏ ngoại tệ nhập nguyên liệu về sản xuất, vừa có thể sử dụng nguyên liệu là cây sắn trong nước, vừa hỗ trợ được người nông dân, đồng thời bảo vệ được môi trường.
PVN nhận định, thời gian tới, việc sử dụng năng lượng tái tạo như nhiên liệu sinh học sẽ là xu thế chung của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, ngoài việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thì việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ ưu điểm của nguồn nhiên liệu này cũng là điều cần làm.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Trước thời khắc khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những câu nói bất hủ của Tướng Giáp trên truyền hình Mỹ
Tàu chiến Nga sẽ thường xuyên cập cảng Cam Ranh
Vì "Trung Hoa vĩ đại", Bắc Kinh cần đến Moscow
"Giấc mơ Trung Hoa": Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc