RSS Feed for Ba lý do mở rộng dự án Thủy điện Hòa Bình | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 22:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ba lý do mở rộng dự án Thủy điện Hòa Bình

 - Để phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống điện quốc gia, tận dụng những lợi thế sẵn có của công trình, Chính phủ đã có chủ trương và các bộ, ngành, cùng với Công ty Thủy điện Hòa Bình hoàn thiện dự án mở rộng nhà máy.

Lựa chọn nhà thầu DA Thủy điện Hòa Bình (mở rộng)
Thủy điện Hòa Bình đạt sản lượng 200 tỷ kWh điện

Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình - công trình đầu mối đa chức năng, là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu nằm ở bậc dưới cùng trong hệ thống bậc thang các công trình thủy điện trên sông Đà. Cuối tháng 5-2016, nhà máy đạt dấu mốc lịch sử: 200 tỷ kW giờ kể từ khi phát điện tổ máy đầu tiên năm 1988, là mức cao kỷ lục mà chưa nhà máy điện nào ở Việt Nam đạt được.

NMTĐ Hòa Bình có công suất 1.920MW với tám tổ máy, lớn thứ hai về công suất của các NMTĐ (sau Thủy điện Sơn La 2.400MW), nhưng lại đứng đầu về sản lượng hằng năm, cao hơn cả Thủy điện Sơn La do đặc thù vị trí địa lý ở bậc thang cuối cùng trên dòng sông Đà cho nên được hưởng lượng nước từ các hồ thủy điện bậc thang phía trên. Sản lượng điện trung bình của NMTĐ Hòa Bình luôn đạt và vượt thiết kế (8,16 tỷ kW giờ/năm), nhất là kể từ khi có NMTĐ Sơn La đi vào vận hành thì Thủy điện Hòa Bình luôn đạt sản lượng trung bình hơn 10 tỷ kW giờ/năm.

Những năm gần đây, tình hình thủy văn có chiều hướng xấu cho phát điện, lượng nước thiếu hụt so trung bình nhiều năm, từ 10 đến 40% tùy từng thời điểm. Riêng năm 2015, mực nước trong hồ thiếu 19% nhưng sản lượng điện vẫn đạt 10,058 tỷ kW giờ. Đến thời điểm này, hồ Hòa Bình hiện đã được tích đủ nước cho phát điện cũng nhờ thời tiết năm nay có mưa nhiều.

Lần đầu tiên trong lịch sử vận hành, sáu tháng đầu năm, nhà máy vượt qua mốc 5 tỷ kW giờ (đạt 5,317 tỷ kW giờ). Công ty đang nỗ lực phấn đấu đạt và thậm chí vượt sản lượng kế hoạch năm 10,126 tỷ kW giờ. Thủy điện Hòa Bình cũng đóng góp hơn 50% thu ngân sách (1.200 tỷ đến 1.400 tỷ đồng/năm) cho tỉnh Hòa Bình - một địa phương còn khó khăn trong phát triển công nghiệp.

Từ khi vận hành đến nay, hồ Thủy điện Hòa Bình đã cắt hơn 100 trận lũ có lưu lượng 5.000 m3/giây; 20 trận lũ hơn 10 nghìn m3/giây. Đặc biệt, hồ Hòa Bình đã cắt được trận lũ lịch sử năm 1996 với lưu lượng 22.650 m3/giây. Hồ Thủy điện Hòa Bình cũng là công trình đặc biệt quan trọng trong chống hạn, cấp nước cho hạ du. Những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ xả nước phục vụ đổ ải vụ đông - xuân ở các tỉnh phía bắc từ các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà, trong đó hồ Hòa Bình chiếm tới 70% tổng lượng xả, tương đương hai tỷ đến bốn tỷ m3 nước tùy từng năm.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Minh chia sẻ với chúng tôi: Thủy điện Hòa Bình có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm ổn định điện năng, đóng vai trò điều chỉnh tần số cấp 1 bởi hệ thống thiết bị nhà máy đáp ứng các tiêu chí khắt khe: tần số lưới điện của nhà máy bảo đảm ở mức 50Hz, các thiết bị luôn bảo đảm vận hành tin cậy, ổn định nhất, có chế bộ chạy bù đồng bộ tổ máy để điều chỉnh điện áp cho hệ thống điện quốc gia.

Các nhà máy điện khác không có khả năng này. Với đặc thù là nguồn thủy điện lớn và gần Thủ đô nhất (hơn 70km), Thủy điện Hòa Bình gánh vác trọng trách bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ cấp điện cho Hà Nội, kể cả trong trường hợp nếu xảy ra rã lưới, giúp Hà Nội không bị ngắt điện. Để làm được điều này, công trình đã được thiết kế để nếu các nhà máy điện khác bị sự cố, tách khỏi hệ thống thì Thủy điện Hòa Bình vẫn không bị tách và bảo đảm duy trì cấp điện cho Hà Nội ổn định, liên tục, an toàn.

Với vai trò trọng yếu trong hệ thống điện, Thủy điện Hòa Bình đang ngày càng nỗ lực giữ vững và phát huy truyền thống, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sau gần 30 năm vận hành, hệ thống tua-bin, máy phát, thiết bị điều khiển... bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, trong khi nhà máy vẫn phải vận hành ở mức cao, do đó nguy cơ sự cố là hiện hữu. Trước tình hình đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Công ty luôn thực hiện nghiêm chế độ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ; theo dõi quản lý vận hành thường xuyên; phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, khắc phục kịp thời mọi hư hỏng, khiếm khuyết. Công ty Thủy điện Hòa Bình đã và đang thực hiện nhiều dự án nâng cấp hệ thống, trong đó, có dự án nâng cấp hệ thống điều khiển, đo lường, bảo vệ dự kiến bắt đầu từ năm 2017. Sau đó, đối với từng hệ thống thiết bị, Công ty đang có kế hoạch đánh giá để có phương án sửa chữa, thay thế.

Về hướng phát triển lâu dài của Công ty, Giám đốc Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện 7 có bổ sung dự án mở rộng NMTĐ Hòa Bình. Hiện EVN, các đơn vị chức năng đang lựa chọn tuyến xây dựng, khảo sát để phục vụ thiết kế làm báo cáo khả thi. Quy mô dự án đang được cân nhắc giữa hai phương án: 2x300MW hoặc 2x240MW, dự kiến năm 2021, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành và năm 2022, vận hành tổ máy 2.

Có ba lý do để mở rộng dự án Thủy điện Hòa Bình là: qua theo dõi vận hành nhiều năm của Thủy điện Hòa Bình cho thấy với lượng nước về ổn định, các tổ máy thường làm việc vượt ngưỡng thiết kế ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy; mặc dù đã phát hết công suất, vượt số giờ vận hành nhưng hằng năm vẫn phải xả tràn vào mùa lũ gây lãng phí nước; thủy điện rất linh hoạt, việc dừng và khởi động tổ máy chỉ mất vài phút cho nên có tác dụng phủ đỉnh, khi cần huy động nguồn, thủy điện đáp ứng nhanh cho hệ thống ứng cứu kịp thời khi dao động công suất.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu tư vấn triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công công trình).

Mục đích chính của dự án mở rộng Thủy điện Hòa Bình không chỉ tăng thêm công suất, sản lượng mà điều quan trọng là bảo đảm công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, sau đó tận dụng nguồn nước thừa trong mùa lũ để phát điện. Khi hoàn thành và đi vào vận hành, NMTĐ Hòa Bình sẽ có một diện mạo mới, tiếp tục phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống điện quốc gia.

TÙNG LÂM/ NHÂN DÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động