RSS Feed for 44 năm tỏa sáng điện miền Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

44 năm tỏa sáng điện miền Nam

 - Trải qua 44 năm chuyển mình theo chiều dài xây dựng và phát triển của đất nước, ngành điện lực miền Nam đã có những bước đi vững chắc, phủ kín lưới điện 21 tỉnh, thành phía Nam.

EVNSPC phấn đấu về đích nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2020

Ngày 30-4-1975, đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam. 7 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định (K9) đến tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam, tại số 72 Hai Bà Trưng. Mới đó mà đã 44 năm.

20 năm gian khó

Trước khi Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định (K9) tiếp quản, công suất lắp đặt của hệ thống điện miền Nam chỉ có 800MW. Lưới điện cao áp gồm nhiều cấp điện áp chủ yếu là 230kV, 66kV và 15kV. Tổng chiều dài lưới truyền tải vỏn vẹn 800km, trong đó 257km đường dây 230kV, 543km đường dây 66kV, chia thành 3 khu vực vận hành độc lập: Miền Đông, miền Tây và cao Nguyên. Lưới phân phối tập trung ở Sài Gòn và các tỉnh lỵ lớn, chủ yếu phục vụ cho thắp sáng, tiêu dùng ở Sài Gòn… với tỉ lệ hộ dân có điện sử dụng khoảng 2,5%.

Đầu tư lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tháng 8-1975, Tổng cục Điện lực được thành lập, quản lý điện từ Quảng Trị đến Minh Hải. Hoạt động của ngành điện lúc này vô cùng khó khăn, phức tạp do thiếu dầu chạy máy phát điện. Ngày 7-8-1976, Bộ Điện và Than ra Quyết định số 1592/QĐ-TCCB.3, đổi tên Tổng cục Điện lực thành Công ty Điện lực miền Nam. Tình hình cung cấp điện có khá hơn trước nhờ có nguồn Thủy điện Đa Nhim đưa về TP. HCM. Tuy nhiên, các nhà máy điện bắt đầu trục trặc, hư hỏng trong khi phụ tùng dự phòng để thay thế không còn. Thiếu dầu, thiếu vốn nên tình trạng thiếu điện ngày càng kéo dài và nghiêm trọng.

Đến ngày 9-5-1981, Bộ Điện lực (tách từ Bộ Điện và Than) ban hành Quyết định số 15/ĐL/TCCB.3, đổi tên Công ty Điện lực miền Nam thành Công ty Điện lực 2. Giai đoạn này, tình hình cung cấp điện càng trở nên khó khăn hơn. Nhà máy điện Thủ Đức - nguồn chủ lực cấp điện cho TP.HCM, rồi đến các nhà máy điện Chợ Quán, Cần Thơ, các cụm Diesel ở TP HCM và các tỉnh phải đối mặt với liên tục sự cố hư hỏng thiết bị.

Trước vô vàn khó khăn như vậy, Đảng và Nhà nước quyết tâm đầu tư xây dựng các nguồn điện mới và phát triển hệ thống lưới điện. Hàng loạt nhà máy thủy điện liên tiếp ra đời, như Trị An (năm 1987); Thác Mơ (năm 1994)… Đến năm 1995, các tỉnh phía Nam đều có điện lưới. Công tác điện khí hóa nông thôn được nhân rộng, toàn miền Nam đã có 898 xã có điện (đạt 65,07%), 1.183.480 hộ dân có điện (đạt 37,08%).

Đổi mới và trưởng thành

Ngày 1-4-1995, Công ty Điện lực 2 được thành lập lại, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phân phối điện năng trên địa bàn 18 tỉnh, thành phía Nam. Đến ngày 5-2-2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 799/QĐ-BCT thành lập Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 2 và tiếp nhận Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, hoạt động trên địa bàn 21 tỉnh, thành Nam từ Ninh Thuận đến Lâm Đồng (trừ TP. HCM).

Đưa điện ra đảo.

Từ đó đến nay, đầu tư cho phát triển lưới điện được EVN SPC tăng dần theo các năm. Các trạm trạm 110kV và 220kV lần lượt ra đời. Đặc biệt những công trình, dự án trọng điểm được đầu tư đã phát huy hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân. Điển hình là các dự án cáp ngầm biển 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc; lưới điện 110kV, 22kV vượt biển ra Kiên Hải, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Thơm, Tiên Hải… Gần đây là dự án cấp điện cho trên 90.000 hộ dân đồng bào Khmer ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang, với tổng mức đầu tư 1.216 tỉ đồng, cấp điện cho trên 90.000 hộ dân ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang…

Trải qua 44 năm chuyển mình phát triển theo chiều dài xây dựng và phát triển của đất nước, EVN SPC đã có những bước đi vững chắc và phát triển vượt bậc. Đến nay đã phủ điện đến 2.513/2.513 xã/phường/thị trấn (đạt 100%) với 7,81 triệu hộ dân có điện - đạt 99,48%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 5,15 triệu hộ - đạt 99,28%.

Năm 2018, EVN SPC đã thực hiện tốt công tác cấp điện trên toàn địa bàn các tỉnh, thành phía Nam. Các nỗ lực trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng của tập thể CBCNV EVN SPC đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nước, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục có sự tiến bộ vượt bậc, đứng ở vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế (tăng 37 bậc so với năm 2017) và vươn lên vị trí thứ 4 khu vực ASEAN vượt trước 2 năm theo yêu cầu của Chính phủ (theo đánh giá của Doing Business, Ngân hàng Thế giới).

MAI HOA

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động