RSS Feed for 30 năm chuyến than đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

30 năm chuyến than đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản

 - Ngày 8/11/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức lễ kỷ niệm “30 năm chuyến tàu đầu tiên than Hòn Gai Anthraxit cung cấp cho các hộ sắt thép Nhật Bản”.

25 năm thành lập TKV: Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Vinacomin (bên phải) tặng tranh lưu niệm cho ông Hiroshi Daimon - Đại diện Tập đoàn JFE Nhật Bản.

Nhìn lại chặng đường hợp tác 30 năm qua, Chủ tịch Vinacomin Lê Minh Chuẩn cho biết: Năm 1986, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành đường lối đổi mới để phát triển đất nước, mở cửa nền kinh tế Việt Nam ra với thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với các đối tác bạn hàng nước ngoài.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Nhật Bản là nước đầu tiên thuộc khối G7 đặt quan hệ với Việt Nam. Theo đó có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm đến Việt Nam trong đó có những đối tác Nhật Bản và các công ty Than Việt Nam đã tìm được đến với nhau, trao đổi để tìm hiểu về khả năng đáp ứng nhu cầu của nhau.

Sau nhiều thời gian trao đổi, đàm phán, tháng 11/1989, chuyến tàu mang tên “Phượng Hoàng - Phoneix” đã được ký kết bởi Công ty Xuất nhập khẩu than và Cung ứng vật tư - Việt Nam và Công ty Marubeni Nhật Bản, chở 10.000 tấn than antraxite Hòn Gai đầu tiên rời cảng Cẩm Phả cung cấp cho nhà máy thiêu kết quặng của Tập đoàn JFE tại Philippines, mở ra một hướng đột phát mới cho ngành than Việt Nam. Tiếp theo thành công của chuyến tàu đầu tiên này, các chuyến than cấp cho nhà máy Kokura của Sumitomo Metal Industries và nhà máy Oita của Tập đoàn thép Nippon Steel, lần lượt được thực hiện vào tháng 12 năm 1989.

Thành công trong việc cung cấp chuyến tàu than antraxite Hòn Gai đầu tiên cho các hộ luyện thép Nhật Bản là một dấu mốc vô cùng quan trọng, mở một cánh cửa lớn cho ngành Than Việt nam bước ra thế giới và đánh dấu bước khởi đầu hòa nhập vào với thị thường thế giới của than Việt Nam, cũng như bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ của ngành Than Việt Nam sau khi Tổng công ty Than Việt Nam được thành lập 10/10/1994.

Ngoài các hộ sắt thép, than Anthraxite của Việt Nam đã được cung cấp vào Nhật Bản cho nhiều ngành công nghiệp khác như: Xi măng, điện lực và các ngành công nghiệp khác với chất lượng than tốt, chủng loại phong phú. Đồng hành với đó là đối tác và hộ tiêu thụ truyền thống của Vinacomin như Tập đoàn thép JFE, Nippon Steel và các nhà máy sản xuất hoá chất, điện cực, than đóng bánh.. và các công ty thương mại như Marubeni, Sumitomo Corp, Nippon Steel, Sumitomo CMR, Sanko Progress Mabis, Sojitz JECT, Meiwa, TOTAS…

Nhiều dự án hợp tác giữa Vinacomin và các đối tác Nhật Bản được triển khai, ngoài công nghiệp Than, mối quan hệ hợp tác đó cũng đã được mở rộng ra các lĩnh vực khác như: Điện lực, khoáng sản hóa chất, mua bán thiết bị công nghệ, phương tiện bốc xúc, vận tải mỏ....

Có thể kể đến như: Hợp tác giữa Vinacomin và Marubeni trong xây dựng Nhà máy Nhiệt Điện Na Dương I (năm 2002), dự án Trung tâm quản lý Khí mỏ than Việt Nam (sau này là Trung tâm An toàn Mỏ) giữa Vinacomin và JICA; dự án hỗ trợ đào tạo Công nghệ khai thác than giữa Vinacomin và NEDO, JCOAL sau này là JOGMEC cũng đã được triển khai liên tục trong 17 năm qua.

Đến nay đã có 1.800 Tu nghiệp sinh của Vinacomin được cử sang Nhật Bản học tập, chiếm khoảng ½ số lượng Tu nghiệp sinh nước ngoài tại Nhật Bản theo dự án và hơn 80 nghìn lượt người lao động của Vinacomin đã được tiếp cận các công nghệ khai thác và an toàn mỏ tiên tiến cho chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, đào tạo tại Việt Nam.

Dự án hỗ trợ công tác khoan thăm dò giữa Vinacomin và Jogmec; tính đến hết năm 2018, dự án đã triển khai tổng cộng 44.512,8 mét khoan. Vinacomin cũng đã nhận được những gói tài trợ tài chính hiệu quả cho phát triển các dự án khác ngoài than như: khoản vay 600 triệu USD năm 2013 và 2014 của JBIC.NEXI cho 2 Dự án sản xuất Alumin tại Lâm Đồng và Nhân Cơ, mở ra một ngành công nghiệp mới cho đất nước Việt Nam…

Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn khẳng định: Từ một Tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, Vinacomin đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện lực và vật liệu nổ công nghiệp.

1/ Trong lĩnh vực công nghiệp than: Vinacomin đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành Than một cách bền vững để đáp ứng nhu cầu than ngày càng lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

So với năm đầu thành lập năm 1994, sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn. Hiện nay, sản lượng than sản xuất bình quân hàng năm của Vinacomin đạt từ 40-45 triệu tấn, tăng gấp 7 lần. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Vinacomin đã khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn. Để đạt được sản lượng này, Vinacomin đã thực hiện đào 5,2 ngàn km đường lò, bình quân đào 206 km/năm và bóc xúc 3,4 tỷ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm.

Với các mỏ hầm lò, Vinacomin tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 và - 500 mét. Tổng sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá toàn Tập đoàn từ năm 2002 đến hết 2017 đạt 12,75 triệu tấn.

Với các mỏ lộ thiên, Tập đoàn đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn, khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải với công suất 20 triệu m3/năm, song song với việc hiện đại hóa các khâu sàng tuyển, chế biến, pha trộn than, vận tải, xếp dỡ,...

2/ Trong công nghiệp khai thác khoáng sản, luyện kim: Vinacomin đã phát triển theo hướng tăng cường chế biến sâu, tạo ra sức đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của Tập đoàn. Vinacomin đã đầu tư một loạt Nhà máy chế biến kim loại bao gồm: alumina, đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác. Mỗi năm, Tập đoàn sản xuất trên 11 nghìn tấn đồng tấm; 11 nghìn tấn kẽm thỏi, 180 nghìn tấn phôi thép.

Đặc biệt, với việc thực hiện thành công hai dự án khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Vinacomin đã đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Năm 2018, TKV sản xuất và tiêu thụ 1,3 triệu tấn Alumina.

3/ Trên nền của ngành công nghiệp than, Vinacomin đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện: đã đầu tư 6 nhà máy nhiệt điện, 1 nhà máy thủy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ hàng năm của Vinacomin khoảng 10 tỷ kWh.

4/ Trong lĩnh vực hóa chất mỏ, bên cạnh việc cung ứng đủ, kịp thời vật liệu nổ công nghiệp cho các ngành công nghiệp trong nước, bình quân 100 tấn/năm, Vinacomin đã đầu tư nhà máy sản xuất nitơrat a mon công suất 200.000 tấn/năm. Đây là Nhà máy sản xuất nitơrat amon duy nhất của Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho Việt Nam. Ngoài ra các lĩnh vực cơ khí, vật liệu xây dựng cũng phát triển mạnh mẽ.

Ông Hiroshi Daimon - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thép JFE, đại diện hộ thép đầu tiên sử dụng than Anthraxit Hòn Gai cho biết: “Tập đoàn thép JFE là Tập đoàn thép lớn thứ hai của Nhật Bản, đồng thời là một trong những Tập đoàn thép lớn trên thế giới có quy mô kinh doanh toàn cầu. Sản phẩm của công ty luôn là lựa chọn hàng đầu cho ngành công nghiệp ô tô, các lĩnh vực dân dụng và các công trình xây dựng lớn có mặt trên khắp thế giới. Từ rất sớm, thông qua việc tìm hiểu thị trường Việt Nam và chất lượng than Việt Nam, JFE đã quyết định tiếp nhận than Việt Nam phục vụ cho nhu cầu sản xuất thép của Tập đoàn.

Ông Hiroshi Daimon đã cảm ơn và mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương và Vinacomin tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn thép JFE cũng như các công ty thương mại của Nhật Bản nhập khẩu được nhiều than chất lượng hơn nữa trong sản xuất thép của Tập đoàn trong tương lai./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động