RSS Feed for Mở bể than Sông Hồng: Phải thử nghiệm thận trọng và chắc chắn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 11:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mở bể than Sông Hồng: Phải thử nghiệm thận trọng và chắc chắn

 - Sau khi Tòa soạn NangluongVietnam đưa vấn đề mở bể than Sông Hồng ra tranh luận đã có rất ý kiến phản biện, góp ý cởi mở, tâm huyết, mang tính xây dựng cao. Cùng trao đổi với các ý kiến đã được đăng tải trên chuyên mục “Tranh luận” của NangluongVietnam, TS. Trương Đức Dư - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin khẳng định: “Khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng: Phải thử nghiệm thận trọng và chắc chắn”

TS. TRƯƠNG ĐỨC DƯ - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin

>> Mở bể than Sông Hồng: 'Thử nghiệm công nghệ, trước khi làm bất cứ việc gì'
>> Mở bể than Sông Hồng: Tiếp tục có nhiều ý kiến tranh luận

Ngay từ những năm 60 - 70 của thể kỷ trước, trong quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, các nhà địa chất nước ta cùng với các chuyên gia Liên Xô đã phát hiện có than trong trầm tích Neogen của miền võng châu thổ Sông Hồng, với dự báo trữ lượng tiềm năng có thể lên tới hàng chục tỷ tấn.

Kể từ đó, một số phương án tìm kiếm khảo sát than dưới đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) đã được tiến hành. Gần đây nhất, trong giai đoạn 1998 - 2002, Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Viêt Nam) đã phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức Phát triển Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tiến hành phương án khảo sát các khu vực Hưng Yên, Thái Bình và một phần Hà Nội. Dự án đã lựa chọn huyện Khoái Châu - Hưng Yên để tìm kiếm tỉ mỉ và thăm dò sơ bộ.

Song, cho đến nay việc thăm dò than vùng ĐBSH chủ yếu còn ở mức “tìm kiếm”, số liệu về trữ lượng than cũng chưa có con số chính xác.

Trong cuộc Hội thảo của Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam mới đây ở Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), có sự tham gia của một số chuyên gia địa chất ngành dầu khí, con số về trữ lượng than được đưa ra là 210 tỷ tấn. Tuy nhiên, trữ lượng địa chất và trữ lượng có khả năng khai thác là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia khai thác, trữ lượng khả khai ở vùng than ĐBSH chỉ khoảng 30 - 40 tỷ tấn.

Có thể nói, từ khi phát hiện ra có than dưới ĐBSH, vấn đề làm thế nào khai thác được nguồn tài nguyên này để phục vụ cho lợi ích của đất nước luôn thường trực trong giới chuyên gia ngành than nói riêng và ngành năng lượng nói chung.

Tuy nhiên, với điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình rất phức tạp, lại nằm dưới vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc, có truyền thống văn hóa lâu đời, việc khai thác và phát triển bể than ĐBSH nhất thiết phải có những bước đi thận trọng và chắc chắn, để thế hệ tương lai không phải nhận lấy những ảnh hưởng tiêu cực từ việc làm của chúng ta hôm nay.

Năm 2008, nhiệm vụ lập một đề án phát triển bể than ĐBSH được đã được thực hiện bởi Công ty Năng lượng Sông Hồng (thuộc Vinacomin). Khi đề án được đưa ra, đã có sự trao đổi và tranh luận từ các bộ, ban, ngành liên quan. Điều đó đã mở ra cho các nhà hoạch định chính sách rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi đi đến quyết định việc khai thác.

Nhìn một cách tổng quan, việc thăm dò, đánh giá tỉ mỉ bể than ĐBSH là rất cần thiết. Trước tiên, việc làm đó cho phép nâng cấp trữ lượng tài nguyên than và làm tiền đề cho các nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác phù hợp.

Bên cạnh đó, theo các báo cáo thăm dò hiện có, điều kiện địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình ở khu vực bể than ĐBSH được đánh giá là rất phức tạp. Có báo cáo cho rằng, nếu khai thác hầm lò, lượng nước bình quân chảy vào khu vực khai thác có thể lên tới 20.000 m3/giờ. Với một lượng nước khổng lồ như thế chảy vào thì việc khai thác dường như là không thể và đã có những hoài nghi với tài liệu có số liệu này.

Qua đó thấy rằng, để tiến hành khai thác được than tại bể than ĐBSH, bắt buộc phải có những đánh giá tỉ mỉ về điều kiện địa chất, từ đó mới đề xuất xem xét công nghệ khai thác.

Mặt khác, việc thăm dò tỉ mỉ than toàn bộ diện tích vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng đòi hỏi phải có một kế hoạch dài hơi và tốn kém. Do đó, việc nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp cũng cần phải tiến hành song song, thậm chí tiến hành trước, để đánh giá tính khả thi của việc khai thác than tại bể than ĐBSH. Trong trường hợp chưa lựa chọn được phương án khai thác phù hợp, thì tính cấp thiết của việc thăm dò tỉ mỉ nói trên cũng không còn ý nghĩa.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, bên cạnh một kế hoạch thăm dò toàn vùng ĐBSH mang tính dài hơi (nếu có), việc cần thiết phải làm ngay là cần có một đơn vị được cấp vốn và đứng ra tiến hành thăm dò tỉ mỉ một khu vực được lựa chọn, có số liệu đáng tin cậy nhất. Sau đó, lập báo cáo trình lên Hội đồng trữ lượng quốc gia xem xét và phê duyệt. Khi báo cáo đó được phê duyệt, nó sẽ trở thành tài liệu để cung cấp cho đơn vị tư vấn, nghiên cứu đề xuất công nghệ khai thác và tiến hành lập một dự án khai thác thử nghiệm.

Trên cơ sở kết quả của dự án khai thác thử nghiệm, mới có kết luận về công nghệ khai thác phù hợp, công suất mỏ và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác. Từ đó, mới có cơ sở tính toán mở rộng ra các khu vực khác, đồng thời tính toán quy hoạch được một cách bài bản sản lượng khai thác lâu dài của bể than ĐBSH trong Quy hoạch năng lượng quốc gia.

Trong điều kiện các thông tin về địa chất mỏ còn rất hạn chế, các nhà khoa học Việt Nam và những người có kinh nghiệm về khai thác mỏ đang đề xuất xem xét 2 phương án công nghệ khai thác là: khai thác hầm lò; và khí hóa than ngầm. Cho đến thời điểm này, cả hai phương án khai thác trên vẫn đang được tranh luận, vì điều kiện đầu vào của các vỉa than tại đây vẫn chưa rõ ràng nên chưa thể lựa chọn phương án nào là tối ưu cho việc khai thác than ở đây.

Với phương án thứ nhất, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong khai thác than tại vùng than Quảng Ninh, tuy nhiên khi áp dụng phương án này cần xem xét đến các đặc điểm riêng của bể than ĐBSH như: điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ hết sức phức tạp, độ sâu khai thác lớn.

Với phương án thứ hai, bản chất của công nghệ là khoan các lỗ khoan xuống lòng đất, tạo các điều kiện đốt cháy vỉa than trong lòng đất ở môi trường yếm khí, kết quả là sản sinh ra khí tổng hợp và được thu hồi qua các lỗ khoan. Khí tổng hợp là sản phẩm của quá trình này có mang theo nhiệt năng, phù hợp để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, hoặc nhà máy sản xuất phân đạm, hóa chất, cũng có thể được làm giàu để thay thế khí tự nhiên, hoặc hóa lỏng để chế tạo benzin.

Phương án thứ hai được đánh giá là có nhiều ưu điểm. Một trong số đó là khả năng giải phóng người lao động khỏi các công việc nặng nhọc dưới lòng đất. Nhược điểm lớn nhất của phương án này là sự phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa chất của từng khu vực khai thác. Do đó, trên thế giới đã có một số nước thành công với công nghệ khai thác này, nhưng cũng có nhiều thử nghiệm thất bại hoặc không đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, với công nghệ khí hóa than ngầm, chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm.

Trong cả hai phương án, cần xem xét ảnh hưởng sụt lún, biến dạng bề mặt, hoặc thay đổi chế độ nước mặt, nước ngầm, gây tác động có hại đến môi trường xung quanh và đời sống xã hội của người dân vùng ĐBSH.

Vì vậy, cả hai phương án nói trên cần được xem xét lựa chọn một cách thận trọng. Việc tiến hành thử nghiệm phương án không chỉ cần làm rõ được tính khả thi của công nghệ, mà còn đánh giá được các nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Việc khai thác bể than ĐBSH vừa đáp ứng được yêu cầu về an ninh năng lượng quốc gia, lại phải bảo đảm không gây sụt lún cả vùng ĐBSH làm ảnh hưởng tới môi trường và an ninh lương thực… Vấn đề này đang rất cần sự vào cuộc của Nhà nước để xây dựng một dự án thử nghiệm, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thăm dò, thử nghiệm khai thác ở bể than ĐBSH.

Tổng hợp ý kiến phản biện, góp ý của các cơ quan, doanh nghiệp và bạn đọc chính là cơ sở để các tổ chức phản biện - xã hội - nghề nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án khai thác, giải pháp kỹ thuật, cũng như cơ chế chính sách để mở bể than Sông Hồng.

Rất mong bạn đọc quan tâm và tham gia tranh luận.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động