RSS Feed for TKV yêu cầu các đơn vị tăng cường an toàn lao động | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

TKV yêu cầu các đơn vị tăng cường an toàn lao động

 - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đặng Thanh Hải vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục sự cố mưa lũ.

Nhiều đơn vị ngành Than đã sản xuất trở lại

Để công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ đảm bảo hiệu quả, tránh nguy cơ mất an toàn xảy ra; đồng thời có các biện pháp, giải pháp phòng ngừa hữu hiệu lâu dài, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc TKV chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục sự cố mưa lũ.

Theo đó, đối với các mỏ than hầm lò (đặc biệt là các mỏ than Mông Dương,Quang Hanh, Dương Huy, Hạ Long, Hòn Gai, Nam Mẫu), yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện, chỉ thị của Tập đoàn về tăng cường ứng phó với mưa lũ. Tập trung cao độ nhân lực, vật tư, phương tiện thiết bị để khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ lớn gây nên; kiên quyết không để gia tăng ngập lụt mỏ (kể cả khi thời tiết có nhiều yếu tố bất lợi trong mùa mưa bão). Rà soát, kiểm tra thường xuyên các trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị bơm nước, quạt gió, trạm điện, nguồn điện và các thiết bị vật tư dự phòng. Tổ chức rà soát lại tất cả các phương án ƯCSC - TKCN để xác định cụ thể sát hợp với các nguy cơ mất an toàn và có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Tổ chức lập biện pháp thiết kế thi công, biện pháp an toàn cho tất cả các vị trí sản xuất, các công trình kiến trúc, đường lò trong quá trình khôi phục trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị. 

Trong quá trình bơm thoát nước mỏ, khắc phục sự cố mỏ than phải thực hiện đầy đủ các quy trình, trình tự KTAT về công tác kiểm tra, tính toán hệ thống thông gió, thoát nước, cung cấp điện, cung cấp khí nén và tổ chức lao động cho phù hợp mới được tiến hành công việc. Tổ chức kiểm tra chi tiết các hạng mục công trình trên mặt bằng như: trạm điện, trạm quạt, nhà tời, nhà ở tập thể, nhà kho… để có biện pháp khôi phục sửa chữa đảm bảo an toàn mới đưa vào hoạt động. 

Bên cạnh đó, các mỏ phải khảo sát nghiên cứu kỹ tình trạng kỹ thuật, điều kiện sử dụng ở các đường lò, lò chợ để dự báo và phòng tránh các hiện tượng sập đổ, chứa nước phía trên và các lò cũ dễ gây đến sự cố bục nước. Lập phương án, biện pháp để đưa các máy thi công, thiết bị điện bị ngập nước đi sửa chữa khôi phục và các phương án, biện pháp KTAT để đưa máy móc, thiết bị xuống lắp đặt phục vụ sản xuất sau khi bơm cạn nước.

Các mỏ cũng thường xuyên phải cập nhật, theo dõi tình trạng kỹ thuật của các đường lò, khu vực khai thác cũ, đặc biệt là các hiện tượng về tích tụ khí mỏ để kịp thời có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đối với các mỏ đang bị ngập nước do nước mặt thẩm thấu hoặc chảy xuống từ các lộ vỉa phía trên hoặc khu vực đã khai thác phải tổ chức khảo sát thường xuyên các moong lộ thiên và bề mặt địa hình để có biện pháp khắc phục triệt để; nhất định không để nước tồn đọng hoặc thẩm thấu chảy xuống hầm lò qua khu vực đã khai thác phía trên. Phải giải quyết tốt việc thoát nước theo các tầng khai thác, hạn chế tối đa nước mặt ở tầng khai thác phía trên chảy xuống tầng khai thác phía dưới.

Đối với tất cả các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn cần khẩn trương rà soát, xây dựng lại kế hoạch KTKT, kế hoạch sản xuất, kế hoạch ATVSLĐ, kế hoạch PCTT-TKCN, kế hoạch đầu tư trang thiết bị; đặc biệt là kế hoạch đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN để đảm bảo điều kiện sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt có thể xảy ra.

Đối với các đơn vị sản xuất than lộ thiên, phải tổ chức kiểm tra kỹ các tầng công tác, bờ dừng, bãi thải, đường vận chuyển nội bộ để phòng tránh các nguy cơ trợt lở và có biện pháp tổ chức sản xuất hiệu quả, an toàn. Khảo sát lại toàn bộ tình trạng kỹ thuật an toàn các bãi thải, đặc biệt tại các khu vực bãi thải có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình mỏ hầm lò, các khu vực dân cư, đường giao thông… để có biện pháp điều chỉnh dòng chảy thu nước hợp lý, đảm bảo ngăn nước mặt chảy tràn xuống sườn bãi thải hoặc nước mặt ngấm xuống chân bãi thải gây sạt lở. Tổ chức kiểm tra lại toàn bộ các hệ thống cung cấp điện, thoát nước, thiết bị thi công, nhà xưởng và có biện pháp cụ thể để khôi phục, sửa chữa đảm bảo an toàn trước khi tổ chức sản xuất sau đợt mưa lũ lớn kéo dài. Tổ chức tốt việc gia cố, làm mới các kè đập theo chỉ đạo của Tập đoàn.

Đối với Công ty Môi trường - TKV, khẩn trương triển khai các đập chắn phòng ngừa sạt lở bãi thải ở các khu vực thượng nguồn suối +9,8 Vũ Môn và các bãi thải khác theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn. Tổ chức khảo sát và sửa chữa các tuyến đường chuyên dụng vận chuyển than do đơn vị quản lý để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Phối hợp với các đơn vị tư vấn để khảo sát, thiết kế lại các khu vực bãi thải ở các mỏ lội thiên; đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình mỏ, khu dân cư để quy hoạch hoặc thiết kế bổ sung các hệ thống phòng hộ hợp lý trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt.

Ban KCM phối hợp với đơn vị tư vấn để soát xét lại thiết kế kỹ thuật tổng thể vùng than Quảng Ninh để điều chỉnh cho phù hợp giữa khai thác lộ thiên và hầm lò để giảm thiểu ảnh hưởng của khai thác lộ thiên đối với hầm lò khi thiên tai khắc nghiệt. Giao các Ban: KCM, CV, AT, KSH tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại các đơn vị thuộc TKV để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, phòng ngừa; kiên quyết dừng sản xuất ở những vị trí sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn cho con người và thiết bị.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động