RSS Feed for Than Uông Bí tin tưởng vào mô hình quản lý mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 11:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than Uông Bí tin tưởng vào mô hình quản lý mới

 - Lường trước những khó khăn khi tiến hành tái cơ cấu, lãnh đạo Công ty Than Uông Bí đã chủ động các giải pháp nhằm ổn định về tư tưởng, việc làm, đời sống người lao động và duy trì sản xuất. Với mô hình quản lý mới, đơn vị tin tưởng tập thể cán bộ công nhân viên sẽ đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, lao động sáng tạo, xây dựng Than Uông Bí phát triển bền vững.

>> Vinacomin yêu cầu các đơn vị duy trì nhịp độ tăng trưởng
>> Than Cửa Ông tăng cường đầu tư cho an toàn vệ sinh lao động

NGUYỄN TÂM

Với quy mô lớn gồm 7 đơn vị trực thuộc, trong đó có 3 công ty cổ phần, với tổng số trên 7.600 cán bộ công nhân viên. Đây cũng vừa là lợi thế nhưng cũng là trở ngại khi Than Uông Bí tiến hành tái cơ cấu đơn vị.

Thực hiện tái cơ cấu theo các quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoảng sản Việt Nam (Vinacomin) và Chính phủ từ ngày 1/4/2014. Theo đó, Công ty than Hồng Thái tách ra thành Chi nhánh trực thuộc Tập đoàn. Các đơn vị gồm: Công ty than Đồng Vông, Xí nghiệp than Hoành Bồ, Xí nghiệp Sàng tuyển và Cảng giải thể, chuyển về Công ty Than Uông Bí; các đơn vị khác triển khai thoái vốn tại các công ty cổ phần. Thực hiện theo mô hình quản lý mới, Công ty có 17 phòng nghiệp vụ, 27 phân xưởng sản xuất trực tiếp, trong đó 12 phân xưởng khai thác, đào lò và 15 phân xưởng phục vụ tại các khu vực sản xuất gồm: khu mỏ Tràng Bạch, Đông Tràng Bạch và Tân Dân.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất than nguyên khai của Công ty năm 2014 được điều chỉnh còn 905.000 tấn so với kế hoạch đầu năm là 2.250.000 tấn. Số lao động còn lại là 4.280 người, trong đó khối sản xuất than là 3.347 người; khối các công ty cổ phần là 933 người.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong khối sản xuất than chính là cơ cấu lao động không hợp lý, mất cân đối do tỷ lệ lao động gián tiếp, phục vụ phụ trợ cao; riêng lao động gián tiếp là gần 600 người, chiếm 17,8%; lao động phục vụ, phụ trợ là 1.046 người, chiếm 31,2%. Trong khi đó sản xuất chính là 1.705 người, chiếm 51% dẫn đến năng suất lao động thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, khó khăn về tài nguyên khi các dự án phát triển mỏ chưa được phê duyệt, diện sản xuất phân tán trải dài từ Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ với diện tích quản lý, ranh giới khai thác lớn; điều kiện địa chất phức tạp, phay phá nhiều, vỉa ngắn, lò dốc, chất lượng than xấu. Mặt khác, Công ty đang trong thời kỳ đỉnh điểm của đầu tư, chi phí lãi vay lớn, cân đối tài chính khó khăn, giá thành sản xuất cao... Đây là những khó khăn mà Than Uông Bí đã gặp phải khi thực hiện tái cơ cấu.

Tuy nhiên, lường trước những khó khăn đó, lãnh đạo Công ty đã chủ động với các giải pháp, nhằm ổn định về tư tưởng, việc làm, đời sống người lao động và duy trì sản xuất. Sau hai tháng thực hiện tái cơ cấu, sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm của đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Theo đó, chỉ tiêu than nguyên khai sản xuất 265.800 tấn, đạt 29,37% kế hoạch năm; than sạch 736.810 tấn, đạt 39,31% kế hoạch năm; chỉ tiêu than tiêu thụ đạt khá với số lượng 797.960 tấn, đạt 44,21% kế hoạch năm; thu nhập bình quân toàn Công ty đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng. 

Đảng ủy, Công đoàn Công ty đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, công đoàn bộ phận nắm bắt tình hình tư tưởng, việc làm, tâm tư nguyện vọng của người lao động, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người lao động. Những vấn đề về tư tưởng phát sinh được giải quyết kịp thời, tuyên truyền và quán triệt trong cán bộ, đảng viên và người lao động toàn Công ty về chủ trương tái cơ cấu để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân viên tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong thực hiện, phát huy sức mạnh của tập thể người lao động.

Trong tháng 6 vừa qua, Công ty thực hiện rà soát, bố trí sắp xếp lao động gián tiếp tại các phòng ban, cơ cấu lại lao động hợp lý theo hướng giảm lao động gián tiếp và phục vụ, phụ trợ, tăng tỷ lệ lao động sản xuất chính, đáp ứng cho sản xuất, ưu tiên tiền lương cho thợ lò, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt ăn, ở theo lộ trình từng bước để thu hút và giữ chân thợ lò gắn bó với Công ty. Cùng đó, thực hiện hiệu quả công tác khoán chi phí, thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí trong quản lý và sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng than, tăng cường công tác chế biến và tiêu thụ.

Ngoài ra, Công ty tập trung thực hiện các giải pháp trong công nghệ, cơ giới hóa khai thác lò chợ, nhằm nâng cao năng suất lao động, trong Quý II/2014 có lò chợ cơ giới hóa, chuẩn bị sản xuất cho năm 2015; tập trung vào các dự án, mở rộng sản xuất, nâng dần sản lượng Dự án mỏ Tràng Bạch. Phấn đấu năm 2017 đạt công suất thiết kế 1,2 triệu tấn than/năm; khẩn trương đề nghị cấp phép khai thác Dự án đầu tư duy trì sản xuất khai thác hầm lò khu Đông Tràng Bạch và triển khai lập Dự án khai thác hầm lò giếng dưới mức +131 mỏ Đồng Vông, công suất 1 triệu tấn than/năm đảm bảo kế hoạch phát triển sản xuất lâu dài.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động