RSS Feed for Chủ tịch TKV trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 27/11/2024 02:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch TKV trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Năm 2018 là năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tạo bứt phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đổi mới, tái cơ cấu tổ chức quản lý đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ. Tất cả các khối kinh doanh đều có lãi; đặc biệt các chỉ tiêu lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, năng suất lao động và thu nhập người lao động vượt mục tiêu và về trước thời hạn 2 của năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ 2 đề ra… Nhân dịp đầu năm 2019 và chuẩn bị đón xuân Kỷ Hợi, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những kết quả đạt được năm 2018 và các nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2019 của TKV.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về hoạt động của ngành Than

 

Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn.

Năng lượng Việt Nam: Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đồng thời là năm có nhiều biến động trong lĩnh vực thương mại trên thế giới và trong nước. Vì thế các doanh nghiệp nói chung và TKV đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra cho năm 2018, nhằm tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Xin ông cho biết các chỉ tiêu chủ yếu về kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 của TKV và so với kế hoạch đề ra?

Ông Lê Minh Chuẩn: Có thể nói, năm 2018 là năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tạo bứt phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới, tái cơ cấu tổ chức quản lý đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ. Những nỗ lực, sáng tạo, bền bỉ trong suốt một năm qua của gần 10 vạn CNCB toàn Tập đoàn đã đơm hoa kết trái thành những con số, những mục tiêu hoàn thành vượt mức so với kế hoạch (KH) đề ra đầu năm.

Cụ thể, năm 2018 doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 121,7 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với KH và tăng 11% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 780 triệu USD. Lợi nhuận  đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng thêm 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch và 1.000 tỷ đồng so với năm 2017. Nộp ngân sách nhà nước 16 ngàn tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch và tăng 1.200 tỷ đồng so với 2017. Những con số hết sức ấn tượng về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước… cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Nhìn lại chặng đường một năm qua, tất cả các lĩnh vực SXKD của Tập đoàn đều có tăng trưởng rất tích cực. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất than, theo kế hoạch đầu năm, Tập đoàn sẽ sản xuất 35,36 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 36 triệu tấn. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường, nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng cao, Tập đoàn đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng sản xuất - tiêu thụ than năm 2018 lên phương án 38 triệu tấn. Kết thúc năm, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 36,95 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 40,5 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn (bằng 12%) so với kế hoạch và tăng 5 triệu tấn (bằng 15%) so với thực hiện 2017. Trong đó, than tiêu thụ trong nước 38,61 triệu tấn, bằng 115% thực hiện 2017, riêng than cho sản xuất điện đạt 28,8 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với năm 2017.

Khối khoáng sản của TKV năm 2018 cũng đạt được những dấu ấn quan trọng với tổng doanh thu là 18,25 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm trước, trong đó doanh thu từ sản phẩm alumin tăng 67%. Đặc biệt, sản xuất alumin tiếp tục khẳng định là mũi nhọn mới trong cơ cấu sản phẩm của Tập đoàn. Năm 2018, sản lượng alumin (quy đổi) sản xuất và tiêu thụ (bao gồm cả Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Alumin Tân Rai) là 1,31 triệu tấn, tăng 170 ngàn tấn so với năm 2017. Giá trị kim ngạch xuất khẩu alumin đạt 520 triệu USD. Thêm 1 kết quả đột phá là sự kiện Nhà máy Alumin Nhân Cơ không những cán đích sớm KH năm 2018 mà còn vượt lên đạt công suất thiết kế, vượt mục tiêu đề ra tới 1,5 năm. Bên cạnh đó là tín hiệu vui khi Nhà máy sản xuất Ferochrome hoạt động trở lại, dự kiến sản xuất 2.000 tấn FeroChrome trong năm nay.

Lĩnh vực khai thác bauxit, sản xuất alumin là một lĩnh vực công nghiệp mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao Tập đoàn đã ưu tiên dành các nguồn lực về tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản lý,... và nỗ lực đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng, thực hiện đầy đủ 5 nội dung theo chỉ đạo của Bộ Chính trị bao gồm: Đảm bảo môi trường tự nhiên; Giữ vững an ninh quốc phòng; Gìn giữ văn hóa địa phương; Thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; Phát triển hạ tầng giao thông.

Trong các chuyến công tác tại 2 dự án sản xuất alumin của TKV năm 2018, ông Phan Xuân Dũng, ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, ông Phạm Viết Thanh - ủy viên TW Đảng, Bí thư  Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW đều đánh giá cao những nỗ lực của TKV và các đơn vị trong việc vượt qua khó khăn để xây dựng và đưa vào vận hành các dự án khai thác, chế biến bauxite một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên và đóng góp lớn vào ngân sách, cũng như đảm bảo an sinh xã hội và an ninh chính trị của địa phương.

Lĩnh vực sản xuất điện, trong năm qua, sản lượng điện ước đạt 9,4 tỷ kWh, bằng 100% kế hoạch năm. Nhiều đơn vị về đích trước kế hoạch như: Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn… doanh thu sản xuất điện toàn Tập đoàn đạt 12,51 ngàn tỷ đồng bằng 102,3 % kế hoạch, tăng 2,5% so với năm 2017.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành kế hoạch cả về sản lượng, chất lượng và doanh thu…  

Không chỉ đạt kết quả sản xuất, kinh doanh đầy ấn tượng, năm 2018 còn ghi nhận những kết quả rõ nét trong công tác tái cơ cấu của TKV với một trong những giải pháp cốt lõi được đưa ra và quyết liệt triển khai là cơ giới hóa khai thác mỏ, tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lại lao động…, hướng đến mô hình "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người" và 3 mũi giáp công "Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa" trong tất cả các khối ngành sản xuất.

Cũng trong năm 2018, nhờ thực hiện có hiệu quả các chủ trương cơ giới hóa, đồng bộ hóa và tin học hóa theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0, nhờ vậy năng suất lao động tính theo doanh thu toàn Tập đoàn đạt 1,1 tỷ đồng/người/năm, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2017.

Từ hiệu quả kinh doanh tốt hơn, Tập đoàn có thêm nguồn tài chính để cân đối tiền lương cho người lao động. Trong năm, Tập đoàn đã 3 lần điều chỉnh tăng lương cho người lao động. Trong đó, ưu tiên vẫn là đội ngũ công nhân lao động trực tiếp. Cụ thể, đối với công nhân khai thác, đào lò làm công việc bậc 6/6, nếu đảm bảo đủ 20 công và định mức sẽ đạt mức lương gần 30 triệu đồng/tháng, tức gần 1,5 triệu đồng/công.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc gặp phải và những giải pháp của TKV trong việc thực hiện kế hoạch khai thác, sản xuất, nhập khẩu, chế biến, phối trộn và cung ứng các sản phẩm than, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế khác trong năm qua, cũng như trong việc thực hiện Quyết định số 403/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than giai đoạn đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, để đảm bảo đạt được sản lượng than thương phẩm trên 50 triệu tấn/năm vào năm 2025 và 55 triệu tấn/năm vào năm 2030? Các kiến nghị đối với Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp nhằm đảm bảo sản xuất than theo mục tiêu Quy hoạch?

Ông Lê Minh Chuẩn: Một trong những khó khăn, vướng mắc của TKV trong việc thực hiện kế hoạch khai thác, sản xuất, nhập khẩu, chế biến, phối trộn và cung ứng các sản phẩm than, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế khác trong năm qua là Nhà nước có nhiều văn bản chưa nhất quán về việc cung cấp than cho hộ điện.

Ví dụ, tại QĐ 403/2016/QĐ-TTg, TKV chịu trách nhiệm chính thực hiện quy hoạch phát triển than theo quy hoạch, thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc cung cấp than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước; Công văn số 46/TTg-CN, v/v cung cấp than cho sản xuất điện, chỉ đạo:  (1) "EVN xem xét khả năng các đơn vị có đủ năng lực tham gia cung ứng than cho nhu cầu các nhà máy nhiệt điện than đảm bảo các yêu cầu sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và phải có nguồn than hợp pháp"; (2) "Các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị khác) làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định lâu dài đáp ứng phục vụ cho các nhà máy điện của EVN theo đúng quy định của pháp luật".

Mặt khác, theo các giấy phép hiện có, TKV chỉ được phép khai thác khoảng 37 triệu tấn than nguyên khai, tương đương khoảng 32 triệu tấn than sạch. Giá bán than cho hộ điện chưa được điều chỉnh kịp thời, chưa thống nhất được phương pháp xác định giá than nhập khẩu (Giao dịch anthaxit trên thế giới chủ yếu thông qua đàm phán trực tiếp).

Đối với việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than giai đoạn đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh) tại Quyết định số 403/2016 của Thủ tướng Chính phủ, TKV hiện mới được cấp phép để triển khai thăm dò tại 23/27 đề án thuộc giai đoạn đến năm 2020 theo QH 403, còn 4 đề án chưa được cấp giấy phép thăm dò.

Tổng trữ lượng, tài nguyên đạt cấp tin cậy trở lên trong ranh giới các mỏ do TKV quản lý đã được nâng từ 57% lên 66% (trong ranh giới các mỏ đã lập dự án, cấp tin cậy trở lên đạt 70 ÷ 100%) nhưng chưa đáp ứng mục tiêu quy hoạch và yêu cầu đề ra. Việc phê duyệt Báo cáo kết quả thăm dò còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ thiết kế các dự án đầu tư mỏ theo quy hoạch. Công tác cấp giấy phép thăm dò còn chậm, việc triển khai các thủ tục liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, tiến độ còn chậm… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công dự án.

Do đó, TKV đề xuất kiến nghị Chính phủ xây dựng, hoặc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển bền vững ngành than và ổn định thị trường than; Rút ngắn các quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò, khai thác; Phân cấp cho TKV tự tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng, các bước thiết kế; Điều chỉnh các chính sách thuế phí phù hợp với vai trò của than và đặc điểm của khai thác than nhằm tạo điều kiện khai thác tận thu tối đa tài nguyên than và hiệu quả hợp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai lập mới Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn sau năm 2020 theo hướng "Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác" và đảm bảo an ninh năng lượng để làm cơ sở thực hiện đầu tư các dự án giai đoạn sau năm 2020.

Đặc biệt, mặc dù TKV luôn ưu tiên, chăm lo tốt đời sống cho thợ mỏ cũng như đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, nâng cao tiền lương, thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; Song sức hấp dẫn nghề mỏ chưa cao. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi giành cho thợ mỏ, nhất là thợ hầm lò.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết các nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2019 của TKV?

Ông Lê Minh Chuẩn: Năm 2019, các mục tiêu SXKD của TKV đặt ra cao hơn so với 2018 để đáp ứng nhu cầu than, khoáng sản, điện ngày càng tăng của nền kinh tế. Cụ thể, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 40 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn. Ngoài ra, các ngành khoáng sản, sản xuất và kinh doanh điện, vật liệu nổ, cơ khí phấn đấu mức tăng trưởng ổn định, vượt chỉ tiêu so với năm 2018. Doanh thu toàn Tập đoàn phấn đấu đạt 128.000 tỷ đồng, trong đó riêng khối than hơn 68.000 tỷ đồng. Lợi nhuận phấn đấu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của người lao động phấn đấu đạt 11,3 triệu đồng/người/tháng.

Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với tập thể CNCB toàn Tập đoàn bởi theo nhận định của chúng tôi, năm 2019, TKV phải đối mặt với không ít khó khăn do điều kiện sản xuất than ngày càng xuống sâu, theo đó chi phí sản xuất tăng cao; năng lực sản xuất, lực lượng lao động, điều kiện việc làm còn hạn chế. Ngoài ra, Tập đoàn còn chịu áp lực thị trường tiêu thụ, cạnh tranh sản phẩm và các biến động bất lợi trên thị trường thế giới do nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể xảy ra.

Chính vì thế, ngay trong những ngày cuối năm 2018, cùng với việc tổng kết kết quả SXKD, Tập đoàn đã có chỉ đạo các đơn vị, đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết cho năm 2019 trên cơ sở bám sát thực tế nhằm tăng cường hiệu quả SXKD ngay từ tháng đầu năm. Nhất là đối với khối than, TKV điều hành sản xuất theo hướng gia tăng tối đa sản lượng than khai thác trên cơ sở đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, tiến hành nhập khẩu than, dự tính trên 4 triệu tấn để phối trộn, chế biến, đảm bảo cung cấp đủ than theo hợp đồng mua bán đã ký kết với khách hàng.

TKV sẽ vừa tăng cường củng cố sức mạnh của cả hệ thống chính trị và kỷ luật điều hành từ Tập đoàn đến các đơn vị, vừa tăng cường phân cấp, phân công để tạo thế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao cho mỗi đơn vị, mỗi bộ phận.

TKV tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức quản lý và sản xuất, đưa KHCN với 3 trọng tâm "Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa" vào tất cả các lĩnh vực SXKD (từ khai thác, sàng tuyển, chế biến). Coi khoa học công nghệ là chìa khóa để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí. Tăng cường bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng lao động để tiếp cận công nghệ mới, tiến tới vận hành quản lý nguồn nhân lực bằng tin học hóa. Đặc biệt là ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò; chú trọng việc triển khai nghiên cứu áp dụng cơ giới hoá hạng nhẹ, để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nguy cơ mất an toàn.

Năm 2019 phấn đấu đạt và vượt 15,5% sản lượng than khai thác bằng CGH/Tổng sản lượng than hầm lò. Đối với sản xuất lộ thiên, đẩy mạnh sử dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn (các máy xúc dung tích gàu xúc lớn 12 m3 kết hợp với các xe đại xa tải trọng lớn), tiếp tục nghiên cứu triển khai công nghệ vận tải liên hợp ôtô - băng tải; nghiên cứu triển khai các hệ thống điều khiển tự động tổ hợp vận tải mỏ; triển khai áp dụng đồng bộ các hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động. Triển khai có hiệu quả phương án liên thông khai thác hợp lý 3 mỏ: Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và nhà máy sàng tuyển than tập trung để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển than, đất đá thải.

Cùng với đó, TKV tiếp tục tăng cường công tác giám sát, quản trị nội bộ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo tiền lương, thu nhập cho người lao động theo quy định.

Cũng trong năm 2019, TKV sẽ đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thay vì tổ chức tuyên dương các điển hình tiên tiến xuất sắc vào dịp tháng 3 hàng năm, từ năm 2019 trở đi sẽ tổ chức vào dịp Ngày truyền thống ngành Than - truyền thống Thợ Mỏ 12/11 để tăng cường giáo dục và khơi dậy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" của thợ mỏ để phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết toàn Tập đoàn.

Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và sự quan tâm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, với kinh nghiệm và thành quả đạt được trong năm 2018, cùng với sự quyết tâm, sáng tạo của toàn thể CNCB, năm 2019 toàn Tập đoàn sẽ vững bước đi lên giành nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa.  

Năng lượng Việt Nam: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

MAI THẮNG (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động