RSS Feed for 5 giải pháp phát triển bền vững ngành Than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 16:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

5 giải pháp phát triển bền vững ngành Than

 - Bước vào nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đặt mục tiêu phát triển trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp: than, khoáng sản, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí mỏ và các ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ phù hợp.

Thu nhập bình quân người lao động ngành Than tăng 5,6%

Cụ thể, các chỉ tiêu chính giai đoạn 2016-2020, TKV phấn đấu tổng doanh thu đạt 644 ngàn tỷ đồng. Tiêu thụ than 200,5 triệu tấn than; sản xuất điện 51,50 tỷ kWh; sản xuất và tiêu thụ alumin 5,6 triệu tấn; Tổng giá trị kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 ÷ 2020 là 143.201 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực công nghiệp than 61.355 tỷ đồng, chiếm 42,8 %, công nghiệp khoáng sản 26.257 tỷ đồng, tương ứng 18,4 %, vật liệu công nghiệp - hóa chất 2.253 tỷ đồng, tương ứng 1,6 %, công nghiệp điện 44.883 tỷ đồng, tương ứng 31,3 %, ngành nghề khác 8.453 tỷ đồng, tương ứng 5,9%.

Về công nghiệp than, đảm bảo cung cấp đủ than cho các ngành kinh tế được nhà nước giao, các khách hàng mà TKV đã cam kết, ký hợp đồng. Theo đó, các đơn vị tập trung đảm bảo tiến độ các dự án mỏ than, hoàn thành kế hoạch kinh doanh hàng năm một cách hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng than thương phẩm đạt tối thiểu 42 triệu tấn.

Bên cạnh đó, triển khai nhập khẩu than, bao gồm việc nghiên cứu hợp tác đầu tư khai thác mỏ ở nước ngoài.

Trong lĩnh vực công nghiệp điện, vận hành ổn định phát huy công suất các nhà máy điện hiện nay và đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành thương mại nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, Quỳnh Lập 1. Cụ thể, nhiệt điện Na Dương 2 (100 MW), theo kế hoạch phát điện từ năm 2018. Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (2x600MW), phát điện từ năm 2020. Chuẩn bị đầu tư Nhiệt điện Hải Phòng 3 (4x600MW) để đưa vào sản xuất năm 2023-2025.

Về công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, thương mại, dịch vụ, nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy cơ khí trong Tập đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa, chế tạo và cung cấp thiết bị, đặc biệt là nâng cao năng lực chế tạo máy mỏ phù hợp với điều kiện khai thác của Tập đoàn, chế tạo phụ tùng phục vụ cho sản xuất và từng bước vươn ra thị trường ngoài ngành đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, vươn lên giữ vai trò Tổng thầu chế tạo, lắp đặt các nhà máy, công trình quan trọng trong và ngoài TKV.

Tập trung thăm dò, đánh giá trữ lượng than-khoáng sản để sớm hoàn thành thăm dò vùng than Quảng Ninh, phục vụ cho KH 5 năm 2016-2020, giai đoạn đến năm 2025 và sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành. Ưu tiên thăm dò vùng than Đông Bắc để nâng cấp trữ lượng than từ -300 trở lên và xác minh trữ lượng than dưới mức -300, để phục vụ thiết kế cải tạo, mở rộng các mỏ hiện có, lập dự án đầu tư các mỏ mới có công suất lớn....

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo TKV, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua, năng suất lao động chung toàn Tập đoàn đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực có cùng ngành nghề, có điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ tương tự. Đây là nguy cơ lớn nhất, tác động đến sức cạnh tranh của các sản phẩm, đồng thời là nguy cơ trực tiếp có thể dẫn đến sự “thất bại thị trường” của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch ngành Than thành một hệ thống “kinh doanh mỏ”, từ khâu mở mỏ, trình tự khai thác, đổ thải, cơ sở hạ tầng (đường vận chuyển, điện, nước, cảng…), chế biến và tiêu thụ, các công trình môi trường chưa tính toán đầy đủ đến các yếu tố khu vực dân cư xung quanh, sự tác động của biến đổi khí hậu cực đoan. Điều này, đã dẫn đến các nguy cơ rủi ro cao do sự chồng lấn, sạt lở, trôi lấp… gây ra thiệt hại nghiêm trọng, mà tác động của thiên tai mưa lũ lớn trong thời gian đầu tháng 8 vừa qua là ví dụ.

Tập đoàn đang chịu sự tác động ngày càng nhiều của những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa trong nước và quốc tế. Giá các sản phẩm than, khoáng sản đang giảm mạnh do tác động của thị trường tài chính và xung đột lợi ích chính trị, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh doanh bền vững của Tập đoàn. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với các giải pháp quản lý tài chính và đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn 2015 - 2020.

Giải pháp “xã hội hóa” trong lĩnh vực đầu tư mỏ là một giải pháp đúng nếu thực hiện theo mô hình “đối tác công - tư”, nhưng trên thực tế giải pháp này chủ yếu được thực hiện theo hướng “tư nhân hóa” các dự án đầu tư và dịch vụ của Tập đoàn. Điều này có nguy cơ dẫn đến thiệt hại từ phân chia lợi ích của dự án, dịch vụ giữa tư nhân (dòng tiền dương) và Tập đoàn (dòng tiền âm) và triệt tiêu các lợi ích không tính được bằng tiền của dự án, như việc làm, lợi ích môi trường, cộng đồng.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn, bao gồm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp, chuyên gia, và công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực, còn thiếu và yếu. Lực lượng lao động trực tiếp (thợ lò), chưa được đào tạo một cách toàn diện về kỹ năng và lòng yêu nghề. Cùng với đó môi trường lao động nghề mỏ nặng nhọc độc hại, các chính sách đãi ngộ chưa tương xứng... dẫn đến thợ lò bỏ việc ngày càng nhiều. Đây là nguy cơ, thách thức lớn của Tập đoàn trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Việc thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển năng lượng của Nhà nước và các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, các chính sách quản lý của Nhà nước đối với ngành Than hay thay đổi, biến động. Đặc biệt là các chính sách liên quan đến thuế, phí, giấy phép các loại... do đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

5 giải pháp trọng tâm

Để vượt qua thử thách, đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ đề ra, TKV tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, quản trị tài nguyên như một nguồn vốn gắn liền với chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh bền vững bằng việc: Nâng cao năng lực thực tiễn về khảo sát, thăm dò địa chất đối với các vỉa than, khoáng sản rắn sâu (từ -300m trở xuống) đối với các vùng Quảng Ninh, đồng bằng Sông Hồng. Nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng thực tiễn các phương pháp phân tích số liệu địa chất bằng mô hình hóa, tối ưu hóa với độ tin cậy cao và lập báo cáo đánh giá trữ lượng, chất lượng than, khoáng sản đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nghiên cứu thử nghiệm “khoán” trữ lượng tài nguyên khoáng sản trong hệ thống quản trị doanh nghiệp mỏ để nâng cao hiệu quả quá trình quản trị, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên than và khoáng sản.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn dựa trên cơ sở triết lý kinh doanh của mô hình quản trị hiện đại. Đó là vừa tạo ra lợi nhuận, vừa phát triển đội ngũ giai cấp công nhân mỏ trung thành, lao động sáng tạo và có cơ hội thăng tiến, gồm cán bộ quản lý, quản trị cao cấp, chuyên gia, công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực. Đây chính là chìa khóa tạo ra năng suất và phát triển bền vững của Tập đoàn. Đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, bởi hiện nay có không ít cán bộ có xu hướng ngại khó, giảm sút tình yêu nghề. Do đó, trong công tác cán bộ phải lựa chọn được những người đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra, có tình yêu nghề, có lòng quả cảm, dám dấn thân vào những việc khó khăn, thách thức.

Thứ ba, thực hiện giải pháp quản trị kinh doanh. Về tái cơ cấu phương thức quản lý kinh doanh của Tập đoàn theo nguyên tắc tạo mọi điều kiện để các công ty thành viên chủ động sản xuất và kinh doanh, là cơ sở để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục hoàn thiện giải pháp “xã hội hóa” theo mô hình hợp tác công - tư, đảm bảo lợi ích của Tập đoàn, đồng thời tạo ra một thị trường huy động vốn tư nhân thực sự có hiệu quả (dòng tiền dương cho Tập đoàn). Cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán, quản trị chi phí trong toàn Tập đoàn dựa trên cơ sở các hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với các phương pháp phân tích cơ cấu giá thành phù hợp với các điều kiện địa chất, khai thác khác nhau, đồng thời có tính đến sự đồng bộ trong khai thác, vận chuyển và đổ thải về không gian và thời gian của các mỏ trong vùng.

Thứ tư, giải pháp về công nghệ khai thác. Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực để hoàn thành và hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 đã đề ra. Trước mắt, tập trung ưu tiên đẩy mạnh các dự án khai thác mỏ than hầm lò.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp quy hoạch và cải tạo tối ưu đối với các mỏ than lộ thiên tại vùng Hòn Gai sẽ tạm dừng khai thác trong giai đoạn 2015 - 2020, các vùng đất khai thác bauxite tại Lâm Đồng, Đắk Nông và các khu vực khai thác khoáng sản khác trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuyển đổi và tạo ra các vùng đất có giá trị kinh tế xã hội cao và phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hiện nay, xu hướng phân bố tài nguyên trữ lượng than, khoáng sản ngày càng sâu và phức tạp đòi hỏi phải phát triển hệ thống khai thác liên kết một số mỏ hiện nay thành hệ thống mỏ lớn. Trước mắt, triển khai liên thông thành công 3 mỏ lộ thiên Cao Sơn, Cọc Sáu và Đèo Nai. Sau sẽ nghiên cứu lựa chọn liên thông một số mỏ hầm lò. Do đó, đòi hỏi phải thay đổi tư duy và phương pháp ngay từ công tác tư vấn, thiết kế và nghiên cứu, cũng như quản lý, vận hành khai thác kinh doanh mỏ dựa trên cơ sở mô hình hóa (tài nguyên) và tối ưu hóa (mỏ) trong không gian và theo thời gian ngay từ bây giờ.

Thứ năm, phát triển và củng cố các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Một là, tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác bạn hàng lớn, truyền thống trong nước như: Tổng Công ty Đông Bắc, EVN, PVN, Tổng Công ty xi măng, hóa chất…và các khách hàng lớn khác trên cơ sở tin cậy, lâu dài và cùng có lợi. Hai là, quan hệ mật thiết với các địa phương nơi có hoạt động SXKD của Tập đoàn, nhất là các địa bàn chiến lược như: Quảng Ninh, Lào Cai, Lâm Đồng, Đăk Nông, Hà Tĩnh… nhằm tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh hài hòa lợi ích với cộng đồng, địa phương. Ba là, duy trì và phát triển các mối quan hệ với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Úc,… không chỉ là tạo ra thị trường thương mại, mà còn là thị trường chuyển giao công nghệ và tri thức tiên tiến, hiện đại trên phạm vi toàn cầu.

“Quá trình tìm kiếm, thăm dò nguồn tài nguyên than không dừng lại ở mức -300m, mà tiếp tục thăm dò phần tài nguyên than dưới -300 m ở các khu vực có triển vọng để tiết kiệm chi phí sau này…”, Chính phủ chỉ đạo TKV.

MAI THANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động