RSS Feed for VVMI: Khẳng định hướng đi đúng trong tiến trình hội nhập | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 13:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

VVMI: Khẳng định hướng đi đúng trong tiến trình hội nhập

 - Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP (VVMI) được thành lập ngày 1/7/1980. Qua 36 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua những bước thăng trầm với biết bao khó khăn, vất vả, nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên của các thế hệ CBNV-LĐ... từ một đơn vị có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đến nay trở thành Tổng Công ty có nền tảng cơ bản vững chắc, với 13 công ty thành viên hoạt động trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố phía Bắc, sản xuất kinh doanh tăng trưởng, đời sống CBNV-LĐ ổn định, xứng đáng là đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Cổ phần hóa TCty Công nghiệp mỏ Việt Bắc

Khởi đầu gian khó

Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP (VVMI) Trần Hải Bình cho biết: Công ty Than III (Tiền thân của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc ngày nay) được thành lập ngày 1/7/1980, theo Quyết định của Bộ Điện và Than, với mục tiêu tổ chức lại lực lượng sản xuất, xây dựng ngành Than phát triển, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước giao phó: "Khai thác thật nhiều than cho Tổ quốc phục vụ xây dựng đất nước"...

Nhìn lại những năm đầu mới thành lập, Công ty có gần 10.000 lao động, phần đông là lao động nghề xây lắp, tay nghề thấp. Các mỏ than của Công ty sản lượng nhỏ, thiết bị khai thác lạc hậu; một số mỏ không có điện lưới quốc gia phải dùng điện máy phát cục bộ để sản xuất và sinh hoạt như mỏ than Nông Sơn, mỏ than Khe Bố; năng suất lao động thấp, đời sống CBCNV rất khó khăn. Bên cạnh đó, với cơ sở vật chất còn nghèo, tài nguyên hạn hẹp, các đơn vị hoạt động trên địa bàn 08 tỉnh thành phố; điều kiện thông tin liên lạc lạc hậu. Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức sản xuất.

Tiếp đó, trong các năm 1988-1990 nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, Công ty than III đã phải đối mặt với những thách thức to lớn; than khai thác chưa nhiều nhưng bán rất chậm, tồn kho cao, hàng nghìn người thiếu việc làm phải nghỉ luân phiên, nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ hưởng trợ cấp một lần...

Sản lượng than hàng năm giai đoạn 1980-1990 của Công ty chỉ đạt khoảng 300.000 đến 400.000 tấn/năm. Doanh thu sản xuất than chiếm tỷ trọng chỉ bằng 1/3 doanh thu toàn Công ty. Lao động chủ yếu thực hiện nhiệm vụ xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng, kinh doanh các ngành nghề như: vận tải, cơ khí sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác cát sỏi và chế biến gỗ, lâm sản.

Ông Trần Hải Bình Tổng Giám đốc VVMI phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác quý II, 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Theo ông Trần Hải Bình - Tổng giám đốc VVMI, để tồn tại và phát triển, Công ty đã nhiều năm nỗ lực sắp xếp đổi mới cơ cấu lao động, hợp lý hóa tổ chức quản lý sản xuất, sắp xếp lại các công ty con, đơn vị trực thuộc cho phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện kinh doanh của từng thời kỳ. Công ty không chỉ sản xuất than mà phải tổ chức kinh doanh đa ngành nghề, tìm thêm sản phẩm mới, tạo đủ việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động. “Đó là nhân tố quan trọng, then chốt đảm bảo cho Công ty tồn tại và phát triển bền vững, với định hướng "Kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than" đã được lãnh đạo Công ty lựa chọn, đúc kết và trở thành chiến lược kinh doanh, phát triển của Công ty những năm sau này”, ông Trần Hải Bình nhấn mạnh.

Khẳng định hướng đi đúng

Theo Tổng giám đốc Trần Hải Bình, Tổng công ty hiểu và đánh giá được đúng nguồn lực; động viên toàn thể CBCNV không chịu lùi bước trước khó khăn tìm con đường đi riêng thích hợp để duy trì, phát triển Tổng công ty bền vững, mục tiêu “kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than” chính là con đường mà VVMI đã kiên trì xây dựng và phấn đấu thực hiện trong suốt qua 36 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, Tổng Công ty đã được cơ cấu lại với gần 5.000 lao động có trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, nghiệp vụ cao và được đầu tư trang bị nhiều thiết bị sản xuất hiện đại.

Điểm lại một số mốc phát triển những năm gần đây, Tổng giám đốc Trần Hải Bình cho biết: từ năm 2011 - 2014, Tổng công ty đã sản xuất và tiêu thụ được 6,9 triệu tấn than; bóc đất đá đạt 54,3 triệu m3; sản xuất và tiêu thụ xi măng đạt 7.3 triệu tấn; doanh thu đạt 17.372 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.404 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 143 tỷ đồng, tiền lương bình quân của người lao động đạt 5.700 000 đồng/ người/tháng.

Năm 2011, Tổng Công ty được Công ty báo cáo đánh giá Việt Nam bình chọn là một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 189 về doanh thu. Năm 2013 xếp thứ 195 về doanh thu. Năm 2014, xếp thứ 215 về doanh thu.

Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng của các đơn vị khối sản xuất kinh doanh ngoài than, các Công ty sản xuất xi măng đã bước đầu có lãi, các đơn vị cơ khí dịch vụ có mức tăng trưởng khá và trả cổ tức từ 10 - 15% . Kết quả này tiếp tục khẳng định việc phát triển đúng hướng của Tổng công ty sau 36 năm xây dựng và phát triển. Công ty Than Núi Hồng, Na Dương, Khánh Hòa trong những năm qua đã rất nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn và việc khai thác xuống sâu, khai thác than hầm lò còn nhiều vấn đề kỹ thuật cần tập trung nghiên cứu để giải quyết.

Đặc biệt, năm 2015 là năm VVMI phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, VVMI đã cán đích trước thời hạn các chỉ tiêu SXKD thực hiện vượt mức kế hoạch Tập đoàn TKV giao, với sản lượng than sản xuất và tiêu thụ hơn 1,645 triệu tấn, tiêu thụ trên 2,064 triệu tấn xi măng, lợi nhuận trên 120 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/ người/tháng và nộp ngân sách Nhà nước gần 500 tỷ đồng.

Kết quả SX-KD 6 tháng đầu năm 2016, trong điều kiện còn nhiều khó khăn của ngành khoáng sản và xi măng nói chung, VVMI cùng các đơn vị đã có nhiều cố gắng ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động, tiêu thụ than và xi măng đạt tiến độ kế hoạch đề ra, nhiều giải pháp quản lý điều hành đã được triển khai và tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh. Cụ thể, than nguyên khai đạt 871.704 tấn, đạt  61 % kế hoạch năm; than tiêu thụ 776.351 tấn, đạt 49 % kế hoạch năm; than sạch đạt 790.839 tấn, đạt 51 %  kế hoạch năm; bóc đất đá đạt 5. 205.787 m3, đạt 50 % kế hoạch năm; tiêu thụ xi măng đạt 1. 072. 326 tấn, đạt 52 % kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 2.358.337 triệu đồng, bằng 53,57 % kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 60.813 triệu đồng, đạt 74.87% kế hoạch năm; tiền lương bình quân đạt  6.344 093 đồng/người/tháng.

Đổi mới để phát triển

Tổng giám đốc Trần Hải Bình nhấn mạnh: Với tinh thần quyết tâm đổi mới để phát triển, chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực ASEAN và hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Sau khi thực hiện cổ phần hóa thành công, tiếp tục kế thừa cơ sở vật chất, lao động, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ -Tổng công ty để phát triển Tổng công ty bền vững, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối đa hoá các khoản lợi nhuận, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tăng cổ tức cho các cổ đông và đóng góp cho ngân sách Nhà nước với mục tiêu “An toàn - Hiệu quả - Phát triển”.

Tổng công ty sẽ sản xuất than đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện Na Dương; Cao Ngạn và An Khánh, các nhà máy sản xuất xi măng của Tổng công ty và nhu cầu của các hộ tiêu thụ khác, mở rộng tối đa diện khai thác than lộ thiên đồng thời lập dự án khai than than hầm lò sâu tại Công ty than Khánh Hòa, mở rộng, nâng công suất tại mỏ than Na Dương lên 1,2 triệu tấn than/năm để cấp than cho nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 đang được Tập đoàn TKV chuẩn bị khởi công xây dựng.

Đối với sản phẩm xi măng, Tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 3 triệu tấn xi măng/năm trong những năm tới. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư sản phẩm mới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, xây dựng công nghiệp và dân dụng, các dịch vụ thương mại và tham gia hợp tác với nước ngoài trong những lĩnh vực mà Tổng công ty có thế mạnh.

Ngay khi phương án tái cơ cấu được phê duyệt, Tổng công ty đã sáp nhập Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa và Than Na Dương vào công ty mẹ và trở thành chi nhánh của Tổng công ty. Giải thể 4 chi nhánh là: Trung tâm Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư; khách sạn Heritage Hà Nội; khách sạn Mê Linh và chi nhánh của tổng công ty tại Đồng Nai. Góp vốn thành lập Công ty CP Xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc. Trong quá trình tái cơ cấu, Tổng công ty giảm từ 17 xuống 13 đơn vị thành viên, số lao động giảm từ gần 5.500 người xuống còn hơn 4.600 người.

VĂN HƯNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động