RSS Feed for Quy hoạch phát triển Điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 09:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch phát triển Điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020

 - Ngày 29 tháng 8 năm 2011, Bộ Công Thương đã ký ban hành quyết định số 4351/QĐ-BCT phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020”.

 

 

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng nhất của cả nước. Theo Nghị quyết 15/NQ-QH ngày 29/5/2008 của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội mới được mở rộng với diện tích 3348,52km2 (rộng gấp gần 3,5 lần Hà Nội cũ), dân số năm 2010 là 6,59 triệu người, được tổ chức thành 29 quận, huyện, thị xã. Với tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong đó việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho Hà Nội luôn được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Thực hiện Luật Điện lực, Viện Năng lượng được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập “Quy hoạch phát triển Điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến 2020” làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng các công trình lưới điện trên địa bàn thành phố trong các năm tiếp theo.

Ngày 29 tháng 8 năm 2011, Bộ Công Thương đã ký ban hành quyết định số 4351/QĐ-BCT phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020”, bao gồm những nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu

- Đảm bảo sự phát triển cân đối hài hoà hệ thống điện mang tính đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện cung cấp cho phụ tải với chất lượng điện tốt nhất, tin cậy, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

- Quy hoạch phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, độ tin cậy, kinh tế trong công tác thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống; phải phù hợp trước mắt và lâu dài và dựa trên nền của quy hoạch phát triển hệ thống điện chung của cả nước trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Nội dung chính

- Tổng sản lượng điện thương phẩm toàn thành phố Hà Nội được dự báo tăng trưởng 12,7%/năm giai đoạn 2011-2015 và 11,4%/năm giai đoạn 2016-2020. Phụ tải cực đại của Hà Nội năm 2015 và năm 2020 lần lượt là 3.220MW và 5.240MW ứng với điện thương phẩm là 16.196 triệu kWh và 27.753 triệu kWh. Điện năng thương phẩm bình quân đầu người năm 2015 và năm 2020 là 2.220 kWh/người và 3.488 kWh/người.

- Trong giai đoạn 2011-2015, ngoài các công trình đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, thủ đô Hà Nội xây dựng mới và cải tạo 236 km đường dây 220kV, 517 km đường dây 110kV, tổng dung lượng xây dựng mới và cải tạo trạm 220kV là 3.250MVA và trạm 110kV là 2.499MVA. Đến năm 2015, thủ đô cũng sẽ phát triển khoảng 632MWh từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo như năng lượng mặt trời, rác thải và khí sinh học.

- Dự kiến tổng vốn đầu tư cho xây dựng mới và cải tạo lưới điện thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015 là 20.733 tỷ đồng trong đó vốn đã có trong kế hoạch là 6.457 tỷ đồng và vốn cần bổ sung là 14.276 tỷ đồng.

3. Các giải pháp thực hiện

- Tranh thủ mọi nguồn vốn để thực hiện xây dựng các công trình, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất thấp. Khi thực hiện đầu tư xây dựng, ngoài việc tuân thủ theo đúng quy hoạch, cần phải tính kỹ hiệu quả kinh tế, xã hội, và hết sức tiết kiệm.

- Tiếp tục thực hiện việc hạ ngầm lưới điện hiện có để đảm bảo mỹ quan đô thị theo Nghị định 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô. Để thực hiện chủ trương này UBND Thành phố sẽ báo cáo Chính phủ về cơ chế tài chính cho việc hạ ngầm hệ thống điện và tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

- Tổng Công ty điện lực Hà Nội và Tổng Công ty truyền tải điện Quốc Gia (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam) trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm lập kế hoạch và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cho các công trình điện thuộc trách nhiệm đầu tư của mình ngay sau khi Quy hoạch được duyệt. Các Chủ đầu tư công trình điện khác (ngoài EVN) trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm lập kế hoạch và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình theo quy định. Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, cần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết và giải quyết thoả đáng trong các khâu lựa chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân, tái định cư.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước để việc đầu tư phát triển điện lực theo đúng quy hoạch được duyệt, UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy chế quản lý Quy hoạch phát triển lưới điện trên địa bàn Thành phố để việc đầu tư xây dựng các công trình điện được thực hiện theo đúng Quy hoạch.

Đề án “Quy hoạch phát triển Điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020” đã tạo dựng được một hệ thống điện trong tương lai đến 2020, thoả mãn đầy đủ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với quy hoạch kiến trúc không gian đô thị của thành phố, đạt được các chỉ tiêu ở mức cao về chất lượng cung cấp điện, an toàn, tin cậy và mỹ quan đô thị, được các cấp, các ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm và mong đợi.
 

ThS. Bùi Thành Trung (Nguồn: ievn.com.vn)

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động