Việt Nam cần quan tâm phát triển nguồn địa nhiệt
16:55 | 12/06/2012
Tiềm năng lớn
Theo các chuyên gia địa chất, nhiệt độ trong lòng đất càng xuống sâu thì nhiệt độ càng tăng lên. Trung bình cứ 33m thì nhiệt độ lòng đất tăng thêm 1oC.
Ở độ sâu 50km, nhiệt độ có thể đạt tới 1.500oC. Để khai thác năng lượng địa nhiệt, người ta khoan các giếng sâu 3 - 5km, rồi đưa nước xuống vùng có nhiệt độ khoảng 200oC khiến nước sôi lên, tạo thành năng lượng quay tuabin máy phát điện.
Tại khu vực dải ven biển Việt Nam, nguồn địa nhiệt lại nằm ngay ở tầng nông nên rất dễ khai thác và sử dụng. Theo kết quả điều tra tại các mũi khoan ở độ sâu từ 140 - 200m khu vực từ Quảng Ngãi tới Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện tới 11 điểm có khả năng khai thác, với quy mô công nghiệp bởi sức nóng của nguồn địa nhiệt tại đây lên tới 70 - 100o C.
Trên quy mô toàn quốc, hiện Việt Nam có khoảng 264 nguồn suối nước nóng phân bố tương đối đều tại các tỉnh như Kim Bôi (Hòa Bình), Thạch Bích (Quảng Ngãi), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… với nhiệt độ trung bình từ 70 - 100oC ở độ sâu 3km. Các nguồn nhiệt này có khả năng xây dựng các nhà máy điện có công suất từ 3 - 30MW. Riêng khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, nơi có các nguồn địa nhiệt với nhiệt độ từ 70 - 150oC, được xem là có tiềm năng lớn để khai thác và xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất khoảng 200MW.
Cần có chính sách ưu tiên
Cho đến nay, những dự án dành cho việc khai thác năng lượng từ tự nhiên còn rất hạn chế. Hiện tại, việc sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam hầu như chỉ dừng lại ở sấy nông sản.
Các nhà khoa học thuộc Tổng cục Địa chất đã sử dụng nước nóng 64oC (ở Mỹ Lâm) và 85oC (ở Hội Vân) từ giếng khoan để sấy chè, cùi dừa, sắn, khoai, quả, dược liệu... Việc thử nghiệm cho kết quả khả quan, mở ra triển vọng phát triển năng lượng địa nhiệt ở nước ta. Còn lại các nguồn địa nhiệt chủ yếu được khai thác và sử dụng cho mục đích chữa bệnh (các viện điều dưỡng Quang Hanh, Bình Châu, Hội Vân...) và du lịch (Vĩnh Phương, Bình Châu…).
Việc sử dụng nguồn địa nhiệt vào mục đích sản xuất chỉ có duy nhất nguồn địa nhiệt ở Hội Vân, được Công ty Dược và Thiết bị vật tư y tế tỉnh Bình Định xây dựng một cơ sở sản xuất muối tinh iot theo phương pháp cho bốc hơi dung dịch nước muối trộn iốt bằng nguồn nhiệt từ mỏ nước nóng Hội Vân.
Ngoài ra, Tập đoàn Ormat (Hoa Kỳ) cũng đã dự tính đầu tư xây dựng 5 nhà máy điện địa nhiệt tại Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức, Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định) và Tu Bông (Khánh Hòa) với tổng công suất dự kiến lên đến 150 - 200MW. Tuy nhiên, tất cả đều chưa thể khởi công vì giá bán điện hiện còn thấp hơn giá thành (giá thành đầu tư cho nhà máy điện địa nhiệt dao động từ 1.500 - 3.000USD/kW).
Khi những nguồn tài nguyên hóa thạch dần mất đi thì những nguồn năng lượng từ thiên nhiên như gió, địa nhiệt, mặt trời… là nguồn tài nguyên gần như vô tận, cần phải được sử dụng triệt để và hiệu quả. Tuy vậy, để khai thác và phát triển năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam, rất cần có một chiến lược phát triển cụ thể, từ điều tra đánh giá toàn bộ tiềm năng, khả năng phát triển và một cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư để hạ giá thành sản phẩm. Có như vậy, các dự án mới không dừng ở giai đoạn "thử nghiệm" mà được triển khai phục vụ đời sống dân sinh, không bỏ phí nguồn tài nguyên quý giá.
(Nguồn: monre)