RSS Feed for Tiền đề để EVNNPT làm chủ công nghệ mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 01:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiền đề để EVNNPT làm chủ công nghệ mới

 - Việc nâng công suất tụ bù trạm biến áp 500 kV Nho Quan thành công, đánh dấu lần đầu tiên các chuyên gia trong nước tự thực hiện cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ nội bộ các tụ bù và thí nghiệm hiệu chỉnh mà không phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài tiết kiệm chi phí, thì cái “được” lớn nhất của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chính là từng bước nắm bắt, làm chủ những công nghệ mới để triển khai thành công nhiều dự án truyền tải điện trong gian tới.

>> Đóng điện công trình tụ bù dọc ĐD 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh

NGUYỄN TÂM

Lên phương án phù hợp

EVNNPT cho biết, do một số nhà máy điện không vào kịp tiến độ theo quy hoạch Tổng sơ đồ Điện VII, xu hướng truyền tải chủ yếu của lưới điện 500kV giai đoạn từ nay đến năm 2017 vẫn là từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Tình trạng vận hành của 2 mạch ĐD 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh - Đà Nẵng hiện vẫn rất căng thẳng.

Qua kết quả tính toán trào lưu công suất, đến cuối năm nay và đầu năm 2014 khi mà các bộ tụ bù 30W- 2000A thuộc dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh” chưa đưa vào vận hành thì khả năng truyền tải công suất trên hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam sẽ bị hạn chế bởi thông số của các bộ tụ hiện có tại TBA 500kV Nho Quan và Hà Tĩnh đang định mức là 1.000A.

Trong khi đó khu vực miền Nam rất cần bổ sung nguồn cung cấp điện. Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho toàn miền Nam thì phương án điều chuyển tụ bù dọc phục vụ vận hành đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh là hết sức cần thiết, cần phải thực hiện nhanh chóng.

Theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT giao cho Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) thực hiện phương án “Điều chuyển tụ bù dọc phục vụ vận hành đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh”, với các công việc cụ thể gồm:

Tại trạm biến áp 500kV Nho Quan, điều chuyển 2 bộ tụ bù dọc 3 pha 15Ω-1.500A từ trạm biến áp 500kV Di Linh và Tân Định lắp đặt thay thế 2 bộ tụ bù dọc 3 pha 23Ω-1.000A trên đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh. Cùng đó, cải tạo móng trụ đỡ cho 2 dàn tụ bù dọc 3 pha di chuyển từ trạm biến áp 500kV Di Linh và Tân Định từ hệ thống móng hiện có. Trang bị bổ sung các vật tư thiết bị để đảm bảo ghép nối hệ thống điều khiển bảo vệ cho các bộ tụ bù dọc di chuyển từ trạm biến áp 500kV Di Linh và Tân Định lắp đặt tại trạm biến áp 500kV Nho Quan với hệ thống điều khiển chung toàn trạm. Trong đó có xem xét tận dụng hệ thống điều khiển bảo vệ hiện có để phục vụ cho công tác lắp đặt, vận hành các bộ tụ điều chuyển.

Ngày 15/11, tại Trạm biến áp 500 kV Nho Quan, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành tụ bù dọc ĐD 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh an toàn

Tại trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh, điều chuyển 1 bộ tụ bù dọc 3 pha 30Ω-1.500A từ trạm biến áp 500kV Di Linh lắp đặt thay thế 1 bộ tụ bù dọc 3 pha 21.5Ω-1.000A trên đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh mạch 1. Điều chuyển 3 bộ máy cắt bypass từ trạm biến áp 500kV Di Linh lắp đặt thay thế 3 bộ máy cắt bypass 1.000A trên đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh mạch 1. Cải tạo móng, trụ đỡ cho 1 dàn tụ bù dọc 3 pha di chuyển từ trạm biến áp 500kV Di Linh từ hệ thống móng hiện có tại ngăn đường dây 500kV đi Nho Quan mạch 1. Cải tạo móng trụ đỡ cho 3 bộ máy cắt bypass di chuyển từ trạm biến áp 500kV Di Linh từ hệ thống móng hiện có tại ngăn đường dây 500kV đi Nho Quan mạch 1. Và trang bị bổ sung các vật tư thiết bị để đảm bảo ghép nối hệ thống điều khiển bảo vệ cho các bộ tụ bù dọc di chuyển từ trạm biến áp 500kV Tân Định lắp đặt tại trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh với hệ thống điều khiển chung toàn trạm.

Từng bước làm chủ công nghệ

Ngày 6/9 các đơn vị tham gia thi công được bàn giao mặt bằng, tiến hành đổ móng chân giàn. Ngày 3/11, PTC1 đã cho cắt điện để tháo và lắp đặt giàn tụ. Đến ngày 10/11 các cán bộ kỹ thuật của PTC1 và EVNNPT bắt đầu công tác thí nghiệm hiệu chỉnh.

Ông Lại Mạnh Hoàn - Trưởng phòng kỹ thuật PTC1 cho biết, đây là lần đầu tiên các cán bộ kỹ thuật của Việt Nam thực hiện tất cả các công đoạn nên phải chủ động tìm tòi, mày mò công nghệ để thực hiện toàn bộ công việc từ thi công đến cài đặt thông số bảo vệ nội bộ các tụ bù và thí nghiệm hiệu chỉnh thay cho các chuyên gia nước ngoài như trước đây. Ngoài ra, do tận dụng lại nên gần như các thiết bị đều đã bị cũ, thời gian sử dụng cáp quang cũng đã lâu nên khi đấu nối cáp quang cũng rất khó khăn.

Trước đó, đơn vị cũng đã lên phương án thay cáp quang mới, tuy nhiên giá thành rất đắt, cộng với khoảng cách từ sàn tụ đến nhà điều khiển lại quá xa nên không chắc chắn dùng cáp quang mới có thể đảm bảo truyền được tín hiệu.

“Trong cái khó ló cái khôn, đơn vị đã đưa ra phương án là xây dựng một nhà trung gian để rút ngắn khoảng cách cho cáp quang, đồng thời tận dụng luôn cáp quang cũ để giảm chi phí đầu tư”, ông Hoàn cho hay.

Cũng theo ông Hoàn, trong các phương án kể trên, ban đầu đều đặt vấn đề thuê chuyên gia của Siemens và ABB (là hãng sản xuất của bộ tụ bù) sang để cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ nội bộ các tụ bù và thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị. Nhưng nếu đợi chuyên gia thì tiến độ thi công phải đến quý I/2014 mới có thể hoàn thành, trong khi yêu cầu nâng cấp tại Trạm biến áp 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh lại đang rất gấp. Vì vậy, EVNNPT chỉ đạo giao cho Công ty đảm nhiệm công việc của chuyên gia.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty truyền tải điện Ninh Bình cho biết, do trạm biến áp có tầm quan trọng như một ngã ba, nếu gặp sự cố thì toàn bộ khu vực Tây Bắc, Hà Nội và miền Nam sẽ bị ngắt điện. Do đó, trong công tác thi công, giám sát và vận hành, Công ty luôn đề cao sự đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Theo đó, Công ty đã lập phương án thi công, thành lập đội ngũ giám sát đúng các quy trình, thi công đến đâu triển khai nghiệm thu cuốn chiếu, đảm bảo không để sự cố xảy ra. Trong khi thi công, Công ty vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ 1.600MW trong giờ cao điểm, giờ thấp điểm hơn 500MW, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hai miền Bắc - Nam như nhau.

Theo các đơn vị trực tiếp tham gia công trình thì, với việc nâng công suất tụ bù lần này được xem là lần đầu tiên các chuyên gia trong nước tự làm mà không phụ thuộc vào nước ngoài. Từ đó mà trình độ của cán bộ công nhân kỹ thuật của ngành điện cũng được nâng cao. Đây cũng chính là cái “được” lớn nhất của ngành điện, ngoài tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.

Chiều ngày 15/11 vừa qua, công trình đã được đóng điện thành công. Đây là tiền đề để các đơn vị của EVNNPT có thể nắm bắt, làm chủ những công nghệ mới để triển khai thành công nhiều dự án truyền tải điện trong gian tới, tiết kiệm được chi phí cho ngành điện và cho đất nước.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ông Vũ Đức Đam và đường đến "Sao Mai chính trường"
Quốc tế bình luận về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin
Trật tự quân sự châu Á-TBD và chính sách thực dụng của Mỹ
Những tướng bại trận dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sự khác biệt giữa Cam Ranh và Subic tạo vị thế Việt Nam

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động