RSS Feed for Thi đua tạo động lực giúp EVN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 15:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thi đua tạo động lực giúp EVN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất

 - Ngày 21/8, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III. Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

EVN phấn đấu tăng trưởng điện đạt 11% vào năm 2020

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: trong 5 năm qua, toàn ngành điện đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành gần 18 nghìn MW, tổng công suất nguồn điện tăng 1,8 lần, từ chỗ thiếu nguồn phải thực hiện giảm điện năng, đến nay hệ thống điện đã có dự phòng. Tập đoàn đã cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, bảo đảm ngày càng ổn định, độ tin cậy cung cấp được cải thiện rõ rệt, thời gian mất điện bình quân đối với một khách hàng (SAIDI) giảm gần 67% so với năm 2012 là năm đầu tiên áp dụng.

Phó thủ tướng khẳng định, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã có chuyển biến tốt, được xã hội ghi nhận và nhận được sự đồng thuận ngày càng cao của khách hàng; cùng với việc giảm bớt thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cố gắng của Tập đoàn, thời gian tiếp cận điện năng đối với khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp đã giảm từ 155 ngày xuống còn 36 ngày, trong đó thi đua từ phía các công ty điện lực để giảm xuống 18 ngày và sẽ tiếp tục giảm xuống 10 ngày trong năm 2015.

Bên cạnh đó, EVN đã thực hiện tốt công tác đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với 8/12 huyện đảo được cấp điện và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, góp phẩn làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

Theo Phó thủ tướng, trong thời gian qua, thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện hàng trăm điển hình tiên tiến, hàng nghìn tấm gương công nhân lao động, sản xuất với nhiều sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành điện.

Phát triển điện đi trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của EVN. Phát huy thành tích đã đạt được và để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, trong những năm tiếp theo, Phó thủ tướng đề nghị EVN tập trung huy động mọi nguồn lực và sức mạnh đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên người lao động trong toàn ngành, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính và hoàn chỉnh bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng nâng cao, chú trọng khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn điện; thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động, tiến tới đuổi kịp các nước trong khu vực về năng suất lao động; hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ nông thôn có điện, đồng thời hoàn thành điện khí hóa toàn quốc để làm nền tảng cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Phó thủ tướng chỉ đạo, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng phải xác định làm rõ trọng tâm, trọng điểm với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp. Thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo tốt việc thực hiện sơ, tổng kết các phong trào thi đua, qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào. Đặc biệt chú trọng khen thưởng đối với các tập thể nhỏ như: phân xưởng, đội, phòng, các cá nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất và công nhân, người lao động trực tiếp, nhất là người lao động tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên các công trình trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động có chất lượng chuyên môn cao, ý thức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hiện đại hóa của EVN…

Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó để đáp ứng đủ nhu cầu điện với chất lượng ngày càng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Đại hội.

Báo cáo tại Đại hội, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết: 5 năm qua (2011 - 2015), Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân với chất lượng ngày càng cao; hệ thống điện có dự phòng và điện đã thực sự đi trước một bước.

Cụ thể, đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW và có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 18.426 MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống).

Năm 2015, dự kiến kế hoạch điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh. Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm ước đạt 10,4%/năm.

Tập đoàn đã ban hành Kế hoạch giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2011-2015, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh, tỷ lệ điện năng dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối đã giảm đáng kể. Phấn đấu đến hết năm 2015 tổn thất điện năng là 8% theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều Chương trình tiết kiệm điện đã được thực hiện trong các năm qua như: thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện; Chương trình quảng bá bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thí điểm mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng; triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, do đó sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7%-2,5% sản lượng điện thương phẩm.

Tổng số khách hàng mua điện trực tiếp của Tập đoàn đạt 21,48 triệu khách hàng tăng 1,45 lần so với năm 2010 (bình quân tăng 7,72%/năm).

Công tác dịch vụ khách hàng có nhiều chuyển biến tích cực, được ghi nhận, đánh giá một cách khách quan, phản ánh trung thực và nhận được sự đồng thuận ngày càng cao của khách hàng.

Hệ thống điện quốc gia liên tục mở rộng phạm vi, qui mô và năng lực sản xuất đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Về nguồn điện, giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam đảm bảo tiến độ (như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1...) góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.

Về lưới điện, hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực.

Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc - Nam: đường dây (ĐD) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, ĐD 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch đường ĐD 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương.

Đến cuối năm 2014, tính chung trên cả nước đã đạt được 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện).

Doanh thu của Tập đoàn tính đến cuối năm 2014 là 202.645 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2011. Trong các năm 2012-2014, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều có lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt khoảng 530 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,35%.

Tập đoàn luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn không ngừng tăng qua các năm.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phấn đấu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc với mức tăng trưởng bình quân 10,5% - 11%/năm. Điện thương phẩm tới năm 2020 dự kiến đạt khoảng 234-240 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tới năm 2020 khoảng 262-270 tỷ kWh, điện sản xuất của các nhà máy điện trong Tập đoàn chiếm khoảng 35-40% tổng nhu cầu.

Giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối xuống còn 6,5%; Độ tin cậy cung cấp điện, thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) là 400 phút.

Năng suất lao động tăng bình quân hàng năm từ 8% - 10%; đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 614.800 tỷ đồng.

Hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW. Đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực miền Nam như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải...

Đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động