RSS Feed for Thấy gì trong công tác huy động vốn cho các dự án điện của EVN? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 16:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thấy gì trong công tác huy động vốn cho các dự án điện của EVN?

 - Nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 2 năm 2019-2020 lên đến hơn 334 ngàn tỷ đồng. Để huy động đủ nguồn vốn này, theo chuyên gia năng lượng (thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam): 'Không phải là bài toán dễ dàng'.

Thủ tướng đồng ý áp dụng cơ chế mới cho một số dự án nguồn điện


 


Trang Web của EVN dẫn lời ông Franz Gerner - Điều phối viên thuộc Nhóm chuyên gia năng lượng (Ngân hàng Thế giới - WB) tại Việt Nam cho biết: Mô hình tài chính truyền thống của Việt Nam phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng chủ yếu dựa vào đầu tư công do EVN thực hiện với sự bảo lãnh của Chính phủ, sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế vào lĩnh vực sản xuất điện. Tuy nhiên, Việt Nam đã dừng tiếp nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế thuộc WB từ năm 2017, nên khả năng tiếp cận các khoản vay có ưu đãi cao đã giảm dần. Do đó, EVN và các đơn vị đang phải huy động các nguồn tài chính khác cho các dự án nguồn, lưới điện trong những năm tới.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương giảm nợ công, Chính phủ Việt Nam dừng bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp. Điều này cũng gây khó khăn cho EVN, bởi các ngân hàng nước ngoài chưa quen với việc cho EVN và các đơn vị trực thuộc vay đầu tư các dự án mà không có bảo lãnh của Chính phủ. Do vậy, thời gian tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm nguồn vốn vay kéo dài hơn, các ngân hàng phải tiến hành phân tích kĩ hơn về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doang nghiệp. 

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại trong nước có đủ khả năng huy động vốn cũng đã cho EVN và các đơn vị thành viên vay (vượt giới hạn và tỷ lệ an toàn vốn) theo Luật các tổ chức tín dụng. Để vay được nguồn vốn này, EVN phải được sự chấp thuận cho phép của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, thủ tục để nhận được sự chấp thuận này là khá phức tạp và kéo dài.

Ông Franz Gerner cho biết thêm: Tháng 6/2018, EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam được Fitch Ratings (một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới) xếp hạng nhà phát hành nợ ở mức BB, với “Viễn cảnh ổn định” về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ, ngang bằng hệ số tín nhiệm quốc gia. Tiếp đó, tháng 4/2019, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cũng được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm phát hành nợ ngoại tệ dài hạn ở mức BB với “Viễn cảnh ổn định” và xếp hạng tín nhiệm đối với nợ không đảm bảo có ưu tiên trả trước (Senior Unsecured Debt) ở mức BB.

Riêng mục xếp hạng độc lập của EVNNPT được Fitch đánh giá ở mức BB+.

Ông ông Franz Gerner cho rằng, xếp hạng này không chỉ giúp cho EVN và EVNNPT hoạt động minh bạch hơn và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, mà còn tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, EVN cũng đang đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp thành viên, tạo tiền đề tiếp cận với các nhà tài trợ mới, cũng như các nguồn vốn mới.

Cùng với đó, EVN cũng thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất điện năng, có lợi nhuận hợp lý, đảm bảo các chỉ số tài chính đáp ứng yêu cầu của các nhà tài trợ. Đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức tín dụng song phương và đa phương để huy động vốn ODA/ưu đãi nước ngoài cho các dự án điện. Tích cực trao đổi với các ngân hàng thương mại nước ngoài, các tổ chức bảo hiểm tín dụng để được xem xét tài trợ vốn cho các dự án mới theo hình thức ECA không có bảo lãnh Chính phủ.

Trên cơ sở kế hoạch đầu tư hàng năm, EVN cũng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính hạn mức vay vốn nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả... Ngoài ra, EVN tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước, huy động vốn đầu tư; phối hợp với các ngân hàng đề xuất Chính phủ phê duyệt cơ chế cho vay đặc thù đối với các dự án điện, trong trường hợp các ngân hàng vượt quá giới hạn tín dụng đối với EVN và các đơn vị thành viên. Với các ngân hàng trong nước chưa có quan hệ tín dụng, EVN sẽ tăng cường tiếp cận để huy động vốn vay cho các dự án quy mô nhỏ, thời gian thu hồi vốn nhanh.

Nỗ lực huy động vốn từ phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, EVN cũng sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách; đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các công ty cổ phần... 

Hiện tại, WB đang giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường tiếp cận điện thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các nguồn tài chính.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong huy động vốn đầu tư, nhưng ông Franz Gerner tin rằng, với những giải pháp đồng bộ, EVN sẽ triển khai đúng tiến độ các dự án điện trong giai đoạn 2019-2020, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng những năm tiếp theo./.  

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động