RSS Feed for Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang: Góp sức Thứ năm 25/04/2024 07:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang: Góp sức 'đánh thức' những tiềm năng

 - Được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương giao thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, với công suất 650 MW, tổng mức đầu tư hơn 22,5 nghìn tỷ đồng; thời gian hoàn thành và phát điện thương mại dự kiến vào năm 2022-2023. Bằng sự nỗ lực bứt phá vươn lên sớm đưa công trình vào hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tiếp tục thức dậy những tiềm năng trên địa bàn… Đến nay, Công ty đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để hiểu rõ hơn về dự án, Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quốc Hội - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.

Năng lượng Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng phát triển

Năng lượng Việt Nam: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Công ty CP Nhiệt điện An Khánh đối với sự ra đời của Nhà máy Nhiệt  điện An Khánh - Bắc Giang?

Ông Ngô Quốc Hội: Tháng 11 năm 2007, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh ra đời trong thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới và trong nước. Nhất là với các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên do chưa có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm thương trường, quan hệ quốc tế và công nghệ khoa học kỹ thuật cao. Bằng sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của tập thể cán bộ, CNV, sự giúp đỡ của các bộ ngành liên quan, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, Nhà máy Nhiệt điện An Khanh, công suất 120 MW, với tổng vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng được xây dựng và đi vào hoạt động, bình quân mỗi năm cung cấp cho đất nước trên 800 triệu kW/h.

Sau khi Nhà máy Nhiệt điện An Khánh vận hành hiệu quả, Công ty tiếp tục thành lập thêm các công ty thành viên khác như: Công ty CP Khoáng sản An Khánh; Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp An Khánh. Đặc biệt, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng An Khánh thực hiện nhiệm vụ sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ, tro bay của Nhà máy nhiệt điện bằng công nghệ tiên tiến, gạch không nung và phụ gia cho các nhà máy xi măng, góp phần tận thu, xử lý sản phẩm phế liệu, phế thải, tiết kiệm tài nguyên, làm sạch môi trường, tăng nguồn thu nhập.

Các công ty đã thu hút số lượng lớn lao động, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Từ những thành công và bài học rút ra trong công tác xây dựng và quản lý Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, Công ty đã được Chính phủ và Bộ Công Thương giao làm chủ đầu tư thực hiện triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, công suất 650 MW, được xây dựng tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, có tổng mức đầu tư hơn 22,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Dự kiến hoàn thành và phát điện thương mại vào năm 2020-2021. Sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, nộp cho ngân sách nhà nước mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 500 người lao động có thu nhập và việc làm ổn định, hàng năm hòa lưới điện quốc gia trên 4 tỷ kWh, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia.

Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác khảo sát địa chất, thiết kế cơ sở và các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; hoàn thành công tác bồi thường và san lấp mặt bằng, với cos 8,2m diện tích trên 50ha; hoàn thành hệ thống cấp điện, nước cho sinh hoạt và thi công; hoàn thành hạng mục nhà trực vận hành và đường giao thông kết nối Quốc lộ 37 vào Nhà máy, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng; cơ bản hoàn thành nhà hành chính, hội trường, nhà ăn ca, lán trại tạm, hệ thống kè và tường rào bao quanh nhà máy...

Đối với các công tác thu xếp vốn, Công ty đã đạt được các thỏa thuận vay vốn với Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông - Trung Quốc. Đặc biệt, dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang là một trong dự án trọng điểm hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021, ký tại Hà Nội, có sự chứng kiến cúa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Việt Nam và Trung Quốc.

Phối cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.

Năng lượng Việt Nam: Như được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang là một công trình tầm cỡ quốc gia có tác động không nhỏ đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, xã hội trong vùng, vậy xin ông cho biết thêm đôi điều về tính hiện đại, quy mô của Nhà máy?

Ông Ngô Quốc Hội: Như chúng ta đã biết, quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang trong Tổng sơ đồ điện VII, cấp điện bổ sung cho các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên, đặc biệt bổ sung lượng điện thiếu hụt cho tỉnh Bắc Giang sau năm 2025. Vì vậy, có thể nói nhà máy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa như vậy, chúng tôi đã lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, như: công nghệ lò hơi CFB hãng SFW của Mỹ, hệ thống C&I của các nước G7 (điện điều khiển tự động hóa nhà máy, công nghệ kiểm soát khí thải, giám sát môi trường trực tuyến 24/24h) và dành những quỹ đất hợp lý để trồng cây xanh bảo vệ môi trường, cảnh quan tốt nhất.

Để đảm bảo Nhà máy luôn vận hành ổn định, chúng tôi lựa chọn những thiết bị chính với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, nguồn gốc thiết bị tin cậy. Trong quá trình thiết kế dự án đã xem xét tới các điều kiện về động đất, mưa lũ và sức gió để đảm bảo nhà máy luôn vận hành bình thường, ổn định trong mọi điều kiện thời tiết và động đất đến cấp 7. Trong quá trình vận hành, chúng tôi sẽ áp dụng chế độ vận hành với yêu cầu bảo dưỡng định kỳ, chuẩn bị các vật tư tự dùng thay thế khi sự cố và với chế độ vận hành 3 ca 4 kíp luôn đảm bảo nhà máy vận hành liên tục.

Về đảm bảo an ninh năng lượng, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng, với tổng công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu. Do đó, áp lực tăng trưởng nguồn điện trong những năm tới là rất lớn, trong khi các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trong giai đoạn tới, nhiệt điện than đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Năng lượng Việt Nam: Với khẩu hiệu “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang đã và đang làm gì để đảm bảo an toàn trong lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên?

Ông Ngô Quốc Hội: Là đơn vị sản xuất đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, an toàn vệ sinh lao động, do đó Công ty luôn trú trọng công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Phương châm của chúng tôi, phát triển gắn với công tác an toàn và bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, Công ty đã ban hành các tiêu chuẩn môi trường, các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ được xây dựng rất chi tiết để người lao động dễ dàng ứng dụng trong thực tế. Công tác bảo vệ môi trường, an toàn được thực hiện bài bản từ đánh giá, nhận diện nguy cơ rủi ro về môi trường, ATVSLĐ ở từng khu vực, kiểm tra vận hành thiết bị, máy móc, phương tiện, cho đến việc kiểm tra, đôn đốc CBCNV thực hành đúng các quy định về môi trường, ATVSLĐ hàng ngày của cán bộ chuyên trách.

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, Công ty định kỳ tổ chức thực hiện công tác huấn luyện cho các nhóm đối tượng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Công ty luôn thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ. Hằng năm, Công ty tổ chức khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp định kỳ cho người lao động; tổ chức phục vụ bếp ăn tập thể, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện đầy đủ chế độ về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần người lao động, tạo sự an tâm, gắn bó lâu dài của người lao động với hoạt động của Công ty.

Cuối cùng, tôi cũng xin được phép thay mặt lãnh đạo Nhà máy đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện về huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể, đề nghị Bộ Công Thương cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua bán điện với Công ty và các nhà máy điện độc lập (IPP) bằng sản lượng điện bình quân nhiều năm để công ty có đủ nguồn trả nợ gốc, lãi vay trong thời gian 10 năm kể từ khi nhà máy phát điện thương mại. Về lâu dài, để đảm bảo an ninh cung cấp điện dài hạn cho hệ thống điện quốc gia đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp căn cơ về thị trường điện và các quy định hiện nay về hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện độc lập (IPP) nhằm thu hút đầu tư nguồn điện mới.

Năng lượng Việt Nam: Vâng, xin cảm ơn ông!

TRẦN VŨ THÌN (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động