RSS Feed for Hiệu quả từ các sáng kiến “Made in thủy điện Sơn La” | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 07:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả từ các sáng kiến “Made in thủy điện Sơn La”

 - Trong những qua, cùng với các hoạt động thi đua lao động sản xuất, thì phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được Ban giám đốc Công ty thủy điện Sơn La coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ thực tế đó, nhiều sáng kiến mang thương hiệu “Made in thủy điện Sơn La” đã được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, góp phần vận hành Nhà máy thủy điện Sơn La an toàn, liên tục và hiệu quả.

Tâm sự của trưởng ca vận hành thủy điện Sơn La

Nhà máy thủy điện Sơn La có công nghệ hiện đại, do vậy yêu cầu trình độ của kỹ sư, công nhận sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành phải có đủ trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ là quản lý vận hành nhà máy an toàn, liên tục, phát huy hiệu quả kinh tế của nhà máy…

Từ mục tiêu và nhiệm vụ trên, Ban Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La đã xác định công tác nghiên cứu khoa học làm chủ dây chuyền công nghệ có vai trò vị trí quan trọng quyết định hiệu quả sản xuất của Nhà máy. Trong những năm qua Công ty đã phát động nhiều phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất và được toàn thể CBCNV trong Công ty tích cực hưởng ứng, tham gia.

Cụ thể, từ năm 2014 đến nay đã có 23 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế. Các sáng kiến này đã phát huy hiệu quả về kinh tế cũng như cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, tăng năng suất lao động, giảm thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, sự cố tổ máy...

Trung tu tổ máy số 1 thủy điện Sơn La.

Nổi bật là sáng kiến chế tạo Module giám sát dòng Thyristor hệ thống kích từ tổ máy mang thương hiệu Made in thủy điện Sơn La (CD_SLHPC Son La) thay thế Module giám sát dòng Thyristor nhập khẩu nước ngoài. Sáng kiến này do kỹ sư Vũ Văn Vương, Tổ trưởng Tổ kích từ, rơ le Phân xưởng Tự động đứng đầu. Kỹ sư Vũ Văn Vương đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công bộ giám sát dòng Thyristor hệ thống kích từ với các giải pháp công nghệ - giải pháp mới sử dụng mạch từ để thu các từ trường xoáy trong không khí vào trong mạch từ, tạo nên một từ trường móc vòng mạnh hơn. Từ trường xoáy đi trong mạch từ nên không bị ảnh hưởng bởi vị trí lắp đặt trên thanh dẫn cũng như điều kiện môi trường khắc nhiệt. Từ trường móc vòng mạnh hơn trừ trường tản trong không khí do đó giải pháp mới có thể giám sát được dải dòng nhỏ hơn với độ tin cậy cao hơn...

Với sáng chế này, kỹ sư Vương đã sử dụng các linh kiện điện tử, thiết bị trong nước, giá thành rẻ, thiết kế, chế tạo thành công Module giám sát dòng Thyristor  hệ thống kích từ thương hiệu (CD_SLHPC Son La) đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cao của thiết bị nhập khẩu nước ngoài. Sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đề ra, ít chịu ảnh hưởng của môi trường cũng như vị trí lắp đặt của thiết bị. Hoạt động tin cậy và ổn định hơn so với phương pháp thu thập từ trường trong không khí. Chủ động được thiết bị thay thế, không mất nhiều thời gian để đặt hàng mua thiết bị từ nước ngoài. Giá trị làm lợi năm đầu tiên áp dụng sáng kiến được tính đạt 1,8 tỷ đồng.

Tiếp đó, kỹ sư Hoàng Ngọc Minh, Quản đốc Phân xưởng sửa chữa Máy - Người có nhiều sáng kiến trong biện pháp thi công cải thiện điều kiện làm việc chật hẹp, nặng nhọc.

Với đặc điểm công việc của Phân xưởng sửa chữa Máy là luôn làm việc với thiết bị cơ khí thủy lực có trọng lượng lớn, môi trường làm việc chật hẹp, dầu mỡ, trơn trượt, nguy cơ gây mất an toàn lao động cao. Chính vì vậy Kỹ sư Hoàng Ngọc Minh luôn tìm tòi, suy nghĩ, đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để cải thiện điều kiện làm việc, giúp anh em làm việc nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn, tăng năng suất lao động; giảm thời gian sửa chữa thiết bị, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…

Trong những năm qua, kỹ sư Hoàng Ngọc Minh đã có 2 sáng kiến được áp dụng vào thực tế và được công nhận, giá trị làm lợi hơn 540 triệu đồng. Sáng kiến tiêu biểu là Phương án thi công bảo dưỡng, sửa chữa secvomotor với tổng trọng lượng 6 tấn, tại giếng tuabin máy phát. Với sáng kiến này, kỹ sư Hoàng Ngọc Minh đã đưa ra một phương pháp thi công bảo dưỡng, sửa chữa secvomotor theo phương lằm ngang, khác hẳn so với yêu cầu kỹ thuật của nhà chế tạo là sửa chữa bảo dưỡng secvomotor theo phương thẳng đứng. Vì làm theo yêu cầu của nhà chế tạo, với điều kiện không gian chật hẹp, không có đường vận chuyển thiết bị mà phải tháo rỡ secvomotor trọng lượng 6 tấn di chuyển ra khỏi vị trí lắp đặt là không thể thực hiện được với điều kiện thực tế của Nhà máy.

Từ thực tế công trường, kỹ sư Minh đã cùng anh em tìm tòi đưa ra sáng kiến phương án thi công sửa chữa bảo dưỡng secvomotor trọng lượng 6 tấn theo phương nằm ngang, sửa chữa bảo dưỡng tại chỗ, bằng việc chế tạo và lắp đặt một dầm thép I200, dài 2,5m trên các thanh dầm của pa-lăng điện 5 tấn trong giếng tuabin. Thanh dầm được đặt song song với trục của pít-tông secvomotor. Trên dầm được bố trí 04 vòng móc treo pa-lăng có thể di chuyển được dọc theo thân dầm. 04 pa-lăng 3 tấn được móc vào các móc treo (đánh số từ đầu cần pít-tông vào trong là 1, 2, 3, 4) và phương án đã đưa ra các bước thực hiện việc tháo lắp, bảo dưỡng, sửa chữa theo các bước thực hiện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đã được áp dụng từ năm 2013 đến này đảm bảo an toàn, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.

Với sáng kiến trên, kỹ sư Hoàng Ngọc Minh đã cải thiện điều kiện làm việc cho anh em, tăng năng suất lao động, giảm thời gian thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, gia trị làm lợi năm đầu tiên áp dụng sáng kiến được tinh toán là 405 triệu đồng.

Người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về các chương trình, phần mềm điều khiển của Công ty đó là kỹ sư Đỗ Quốc Biên, Tổ trưởng Tổ Điều khiển, Thông tin.

Với tính chất công việc làm việc với các chương trình phần mềm lập trình điều khiển tổ máy cũng như các hệ thống thiết bị tự động của Nhà máy. Kỹ sư Đỗ Quốc Biên đã phải nghiên cứu, tìm hiểu, học tập các thiết bị phần cứng cũng như các phần mềm chương trình lập trình điều khiển của các hệ thống từ khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử các hệ thống thiết bị của nhà máy. Trong quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài của nhà chế tạo, Kỹ sư Biên đã hiểu và nắm vững các phần mềm điều khiển các hệ thống thiết bị của Nhà máy. Trong quá trình quản lý vận hành nhà máy đã có nhiều những tín hiệu báo không chính xác gây tín hiệu cảnh bảo sự cố hoặc gây đến sự cố dừng tổ máy, ảnh hưởng đến độ tin cậy vận hành tổ máy. Từ thực tế đó, kỹ sư Biên đã phải phân tích, tìm nguyên nhân sự cố, tìm hiểu từ chương trình điều khiển đến thiết bị tín hiệu đầu vào điều khiển…

Với sự hiểu biết sâu về phần mềm, cũng như thiết bị, Kỹ sư Đỗ Quốc Biên đã đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để khắc phục những khiếm khuyết của chương trình điều khiển; hiện tại Kỹ sư Biên đã có 3 sáng kiến được áp dụng vào thực tế, được quyết định công nhận, giá trị làm lới của 3 sáng kiến đạt hơn 2 tỷ đồng. Trong các sáng kiến có sáng kiến hiệu chỉnh Logic mức dầu ổ hướng, ổ đỡ máy phát và ổ hướng tuabin trong chương trình điều khiển tổ máy (LCU). Để tín hiệu mức dầu hiển thị cảnh báo và trạng thái đưa vào Logic từ cảm biến số bằng tín hiệu lấy từ cảm biến tương tự. Sáng kiến được áp dụng đã đảm bảo tín hiệu báo mức dầu các ổ chính xác, ổn định, tin cậy góp phần vào việc vận hành an toàn, liên tục, ổn định các tổ máy. Giảm thời gian đi xử lý khiếm khuyết và khắc phục sự cố; với sáng kiến này giá trị làm lợi được tính đạt 1,98 tỷ đồng.

Trong những năm qua, với các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, trình độ quản lý kỹ thuật của đội ngũ vận hành Nhà máy thủy điện Sơn La đã được nâng lên, dần làm chủ được dây truyền công nghệ hiện đại, quản lý vận hành an toàn nhà máy; bên cạnh việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao phó, các sáng kiến còn làm lợi cho Công ty với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2016, Công ty thủy điện Sơn La đã hoàn thiện hồ sơ và quyết định công nhận cho 23 sáng kiến, với tổng giá trị tiền thưởng 445 triệu đồng. Các sáng kiến này đưa vào áp dụng đã làm lợi cho Nhà máy 7 tỷ đồng.

NGUYỄN ĐẮC CƯỜNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động