RSS Feed for Chính sách phát triển lưới điện TP. Hồ Chí Minh trong dài hạn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 18:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách phát triển lưới điện TP. Hồ Chí Minh trong dài hạn

 - Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) vừa ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”. Đây là đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 07/02/2017 (gọi tắt là Đề án 167).

Độ tin cậy cung cấp điện của HCMC vượt chỉ tiêu
Giảm tỷ lệ điện phân phối: 5 giải pháp của EVNHCMC

Theo Kế hoạch triển khai, EVNHCMC xác định mục tiêu trọng tâm của ngành điện Thành phố là ứng dụng khoa học công nghệ toàn diện, nâng cao năng suất lao động, độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ khách hàng, giảm tổn thất điện năng, cải tạo và phát triển hệ thống điện hài hòa, an toàn, mỹ quan; từng bước hiện đại hóa lưới điện, tiến tới xây dựng lưới điện thông minh (Smart Grid).

Tổng công ty xác định 17 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, thể hiện rõ mục tiêu hiện đại hóa lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tiếp thu những tiến bộ trong quản trị và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Về chỉ tiêu hiện đại hóa, đến năm 2020, 100% trạm 110kV và 220kV sẽ vận hành đạt tiêu chí “Không người trực”; tự động hóa tối thiểu 30% phát tuyến lưới phân phối (DAS) và 100% được điều khiển từ xa (MiniSCADA).

Ngay trong năm 2017, EVNHCMC sẽ triển khai lưới điện thông minh tại 5 khu vực điển hình là Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, khu văn phòng - thương mại quận 1, khu Miếu Nổi và khu dân cư quận 7. Song song đó, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trong quản lý vận hành bằng việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu, triển khai hiệu quả chương trình thu thập, giám sát và điều khiển từ xa (SCADA/DMS); tăng cường sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tính toán và vận hành lưới điện.

Về chất lượng cung cấp điện, EVNHCMC đặt chỉ tiêu về số lần mất điện bình quân của 1 khách hàng (SAIFI) là nhỏ hơn 5 lần/năm, tương ứng thời gian mất điện bình quân của 1 khách hàng (SAIDI) là nhỏ hơn 174 phút/năm.

Các giải pháp tương ứng là đầu tư lưới điện truyền tải phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn vận hành N-1, hoàn thiện lưới điện theo hướng 1 khách hàng được cấp điện từ 2 nguồn; đầu tư thiết bị hỗ trợ và áp dụng hệ thống quản lý kỹ thuật lưới điện (PMIS) nhằm ngăn ngừa sự cố.

Trong quý II/2017, EVNHCMC sẽ nâng gấp đôi số đội sửa chữa điện live-line (sửa chữa khi đường dây vẫn mang điện) nhằm tiến tới việc không cắt điện khi bảo trì hệ thống điện.

EVNHCMC sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống điện Thành phố. Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng mới 3.000 MVA công suất trạm và 39 km đường dây lưới điện 220 kV, 3.500 MVA công suất trạm và 100 km đường dây lưới điện 110 kV. Cùng với đó là tiếp tục chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin, với khối lượng 650 km lưới điện trung thế, 1.150 km lưới điện hạ thế và 11 km lưới điện cao thế, góp phần nâng cao sự ổn định, an toàn điện và mỹ quan đô thị.

Về chất lượng dịch vụ khách hàng, Tổng công ty tập trung cải cách thủ tục với tiêu chí “3 dễ: dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát”, theo quan điểm “6 hóa” là “đơn giản hóa, biểu mẫu hóa, thời lượng hóa, tin học hóa, hiện đại hóa và địa chỉ hóa trách nhiệm”.

Tháng 2/2017, EVNHCMC đã ban hành Quy trình cấp điện qua lưới trung áp, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Theo đó, trong vòng 13 ngày từ khi khách hàng yêu cầu, Tổng công ty sẽ hoàn thành việc đầu tư và cấp điện. Việc gắn mới điện kế cũng được quy định đáp ứng trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đạt tiêu chí thương mại điện tử.

Liên quan đến công tác tổ chức và nguồn nhân lực, Tổng công ty sẽ triển khai chính thức hệ thống đánh giá chỉ số đo lường hiệu quả công việc (BSC/KPI) từ 01/7/2017. Tổng công ty tiếp tục tổ chức đào tạo chuyên gia giỏi về các lĩnh vực như: lưới điện thông minh, đo đếm tiên tiến, thị trường điện, quản lý dự án, công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Bằng các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch triển khai Đề án 167, Tổng công ty hướng đến mục tiêu đến năm 2020 lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần phát triển hạ tầng cung cấp điện trong nước gắn với mạng lưới hạ tầng cung cấp điện khu vực.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động