RSS Feed for 65 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 07/11/2024 14:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

65 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam

 - Sáng ngày 21/12/2019 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trang trọng tổ chức buổi mít tinh kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3.

65 năm xây dựng và phát triển của ngành Điện lực Việt Nam


EVN tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3.

Cách đây tròn 65 năm, ngày 21/12/1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

Trong 65 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 54.850 MW, đứng thứ thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện.

Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối).

Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng là “đảm bảo điện đi trước một bước”.

Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến nay điện đã cung cấp cho 99,52% số hộ dân của cả nước với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt 2.180kWh/người/năm.

Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, trong đó các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục.

Những bước tiến thần kỳ của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc  - Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á... Để có được thành công này, ngành Điện lực nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011 - 2015, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN đạt 481.561 tỷ đồng (bằng 2,36 lần so với giai đoạn 2006 - 2010); giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt khoảng 482.000 tỷ đồng. Ngành Điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.

65 năm lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam cũng chính là 65 năm trường kỳ công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và xây dựng đất nước sau giải phóng miền Nam. Các thế hệ những người làm điện đã nỗ lực "giữ dòng điện như dòng máu của mình", đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975. Sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy sau giai đoạn đất nước thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế; mở ra giai đoạn mới - giai đoạn phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và hiện nay là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và kỷ nguyên số.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Điện là một trong những ngành kinh tế ổn định, sớm thống nhất được mô hình hoạt động, cũng là ngành kinh tế năng lượng đầu tiên lập các quy hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược (từ Quy hoạch điện I giai đoạn 1981- 1985 đến Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Đây chính là cơ sở quan trọng để các đơn vị trong ngành lập các kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, các nhóm giải pháp chiến lược cũng đã được hoạch định, chỉ đạo triển khai một cách bài bản.

Bên cạnh đó, sự chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1994) đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2006) đã hội tụ được sức mạnh tổng hợp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành, làm cơ sở vững chắc để có những thành công rực rỡ như ngày hôm nay.

Những thành tựu quan trọng đã đạt được

Thứ nhất: Ngành Điện đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhiều năm liên tục.

Nếu vào cuối năm 2014, tổng công suất của toàn hệ thống điện đạt 34.000 MW, thì đến cuối năm 2019 đã đạt 54.850 MW. Trong giai đoạn 2014-2019 điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 10,5%. Tập đoàn đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, với sứ mệnh “đi trước một bước”.

Hệ thống lưới điện quốc gia đã là một thể thống nhất, vươn tới mọi miền của đất nước với trên 8.200 km đường dây 500kV, gần 17.500 km đường dây 220kV, hơn 20.000 km đường dây 110kV và 31 trạm biến áp 500kV, 129 trạm biến áp 220kV, 704 trạm biến áp 110kV. Tiếp nối thành công của đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, sau 25 năm, hệ thống điện truyền tải đã có thêm mạch 2 và đang hoàn thiện phân đoạn cuối cùng của mạch 3 vào năm 2020, tạo nên trục truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam hoàn thiện gồm 3 mạch với tổng chiều dài gần 4.000 km, kết nối vững chắc hệ thống điện toàn quốc đáp ứng yêu cầu về độ an toàn và tin cậy. Lưới điện của Việt Nam cũng đã kết nối với lưới điện các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia ở các cấp điện áp từ 22 kV tới 220 kV.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 8,87% (năm 2013) xuống 6,39% (năm 2019). Tính cả giai đoạn 2013 - 2019, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN giảm được 2,48%, bình quân mỗi năm giảm 0,41% và đã tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các nước phát triển.

Thứ hai: Thực hiện tốt Chương trình điện khí hóa nông thôn góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo.

Đến cuối năm 2019 đã có 100% số xã và 99,52% số hộ dân có điện (tăng 1,63% so với cuối năm 2012). Bên cạnh đó, để các hộ dân được hưởng giá điện của Chính phủ, EVN cũng đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Đến nay EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285 xã phường, tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp của ngành Điện từ 89,9% năm 2012 lên  93,5% năm 2019.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Điện đã đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu tổ quốc, đem ánh sáng của Đảng đến với nhân dân các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Hiện này, EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, bao gồm: huyện đảo Vân Đồn (năm 1992), huyện đảo Cát Hải gồm 2 cụm đảo Cát Hải (năm 1991) và Cát Bà (năm 1998), huyện đảo Phú Quý (năm 1998), huyện đảo Lý Sơn (năm 2002), huyện đảo Phú Quốc (năm 2002), huyện đảo Cô Tô (năm 2013), huyện đảo Côn Đảo (năm 2014), huyện đảo Kiên Hải (năm 2014), huyện đảo Bạch Long Vỹ (năm 2016), huyện đảo Trường Sa và huyện đảo Cồn Cỏ (năm 2017). 

Thứ ba: Các thế hệ ngành Điện liên tục phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nghiên cứu, ứng dụng và đã làm chủ các tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật điện tiên tiến trong quản lý và sản xuất.

Ngày nay, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành Điện đã trưởng thành vượt bậc, có trình độ và kỹ năng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ, đủ sức làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện qui mô lớn. Nhiều công trình điện lớn, phức tạp, có qui mô tầm khu vực ngày nay đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trong nước thiết kế và thi công như công trình đường dây siêu cao áp 500kV, hàng chục nhà máy thủy điện và nhiệt điện quy mô lớn trong đó tiêu biểu là công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu.

Các đơn vị cơ khí điện lực đã phát huy nội lực trong sản xuất, sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện thay thế nhập khẩu chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường ngày càng cao. Hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220kV công suất đến 250MVA, máy biến áp 3 pha 500kV - 467MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.

Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực khoảng 600 trạm biến áp 220 - 110kV. Công nghệ thông tin được sử dụng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng thành công nhiều hệ thống phần mềm lớn dùng chung toàn Tập đoàn.

Hiện EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số.

Thứ tư: Dịch vụ khách hàng và chuyển đổi số trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng

5 năm qua ngành Điện đã có nhiều đổi mới trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa các dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động”. Đến cuối năm 2018, EVN đã chính thức công bố cung cấp các “Dịch vụ điện trực tuyến” cấp độ 4, đây là cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng.

Cùng với đó, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Theo kết quả đánh giá của Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (nằm trong nhóm ASEAN-4), đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm qua).

Thứ năm: Ngành Điện đã thực hiện nhanh quá trình tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, loại bỏ các yếu tố bao cấp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất điện.

Thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức hoạt động từ năm 2012. Đến nay đã có 98 nhà máy điện trực tiếp chào giá tham gia thị trường điện với tổng công suất 25.735 MW, chiếm 46,9% tổng công suất đặt của hệ thống điện. Năm 2019, thị trường bán buôn điện canh tranh chính thức vận hành và đang hướng tới mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Mục tiêu tổng quát của EVN: Phát triển EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và cân bằng tài chính; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với KHCN, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; tối đa hoá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, các định hướng phát triển chủ yếu Tập đoàn trong các năm tới bao gồm:

Một là: Đầu tư phát triển nguồn và lưới điện theo quy hoạch được duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị do EVN nắm giữ cổ phần đạt trên 35.000MW (toàn hệ thống là 98.000MW). Đầu tư phát triển hệ thống điện phải đảm bảo đồng bộ và hợp lý từ sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện năng. Tiếp cận công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn, tin cậy, bảo vệ môi trường.

Hai là: Vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, hợp lý, đáp ứng các quy định về điều kiện của các cấp độ thị trường điện Việt Nam. Đảm bảo chi phí sản xuất và chi phí mua điện hợp lý, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường điện.

Ba là: Không ngừng cải tiến công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, hướng tới việc cung cấp dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trở thành doanh nghiệp có khâu kinh doanh và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, hiện đại.

Đảm bảo cung cấp điện cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để đến năm 2020 hầu hết các hộ dân được cấp điện.

Chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 4; chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 3 (thời gian giải quyết thủ tục của đơn vị Điện lực). Phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng vào năm 2020 đạt ≤ 6,5%; năm 2025 đạt ≤ 6,0%.

Bốn là: Đảm bảo tình hình tài chính của EVN lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư tại các doanh nghiệp khác; đủ khả năng thu xếp vốn đầu tư cho nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện theo kế hoạch.

Năm là: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tập đoàn đáp ứng yêu cầu về số lượng với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu ngành nghề hợp lý; nguồn nhân lực điện lực có kỹ năng, phẩm chất, năng lực sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của Tập đoàn. Phấn đấu tăng năng suất lao động bình quân từ 8% đến 10%/năm.

Sáu là: Nâng cao năng lực KHCN Điện lực của Tập đoàn, không ngừng nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Điện lực, nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng có hiệu quả CMCN4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, chú trọng nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng.

Từ năm 2020, 100% các trạm biến áp 110kV và từ năm 2025 có 100% trạm 220kV được điều khiển xa và không người trực.

Bảy là: Phát triển lĩnh vực tư vấn xây dựng điện của EVN có đủ năng lực thực hiện và đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với tất cả các loại hình dự án điện, đặc biệt là các dự án năng lượng mới và tái tạo, trong tất cả các khâu tư vấn. Từng bước triển khai các hoạt động tư vấn xây dựng điện ra thị trường nước ngoài để mở rộng phạm vi và thị trường hoạt động, tạo cơ hội phát triển cho các đơn vị trong lĩnh vực tư vấn xây dựng điện của EVN...

Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành Điện lực cách mạng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm phấn đấu, phát huy truyền thống 65 năm, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động