RSS Feed for Siemens hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 22:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Siemens hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam

 - Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số và nền kinh tế số là cơ hội để Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp. Tập đoàn Siemens là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo số. Đặc biệt, Siemens sở hữu một dải sản phẩm và giải pháp số độc đáo để phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng của đô thị, giúp các thành phố hoạt động hiệu quả, bền vững và an toàn hơn. Siemens cam kết luôn là đối tác được khách hàng Việt Nam lựa chọn và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số. Vừa qua, Siemens đã tổ chức Ngày hội Công nghệ số đầu tiên của mình tại Việt Nam. Nhân dịp này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Ông Cedrik Neike - Thành viên của Ban Điều hành Tập đoàn Siemens AG.

>> Ngày hội số hóa Siemens: Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi số

Năng lượng Việt Nam: Theo quan điểm của Ông thì số hóa sẽ đưa tương lai của chúng ta về đâu?

Ông Cedrik Neike: Chúng ta đang trong buổi bình minh của “Thời đại Kỹ thuật số”. Khoảng 90% tổng dữ liệu trên toàn thế giới được sản sinh trong vòng hai năm trở lại đây. Mạng lưới Vạn vật kết nối (IOT) đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngày nay, khoảng 8 tỷ thiết bị và máy móc đang được kết nối với internet. Con số này được dự đoán sẽ tăng thêm 1 tỷ vào năm 2030.

Chuyển đổi số của xã hội và cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ cho phép các chức năng hoàn toàn mới, mạng lưới tăng cường, tốc độ truyền và truy cập nhanh chưa từng thấy và tiết kiệm nguồn tài nguyên, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày một gia tăng của khách hàng về các sản phẩm có tính đặc thù và cá nhân cao.

Ông Cedrik Neike - Thành viên của Ban Điều hành Tập đoàn Siemens AG

Năng lượng Việt Nam: Câu trả lời của Siemens cho cuộc chuyển đổi số này là gì?

Ông Cedrik Neike: Câu trả lời rất đơn giản giống như chúng tôi đã làm với các phát minh công nghệ trước đó trong lịch sử hoạt động của công ty, chúng tôi muốn định hình tương lai, bao gồm cả tương lai kỹ thuật số!

Siemens đã biến đổi một cách cấp tiến từ một công ty chuyên về phần cứng sang phần mềm. Với các khoản đầu tư khổng lồ vào việc thu mua lại các công ty phần mềm từ năm 2007 đến nay, Siemens đã tiến những bước rất xa trong lĩnh vực phần mềm. Hiện nay, chúng tôi là một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới với hơn 5 tỷ Euro doanh thu hàng năm từ phần mềm và dịch vụ kỹ thuật số với đội ngũ hơn 24.500 kỹ sư phần mềm.

Chúng tôi đang tận dụng số hóa để mở ra các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, ví dụ như sản xuất với bản sao số. Và chúng tôi kết hợp hoàn hảo kinh nghiệm về phần cứng với các kĩ năng phần mềm của chúng tôi. Siemens cung cấp hệ điều hành mở IoT dựa trên nền tảng điện toán đám mây MindSphere cho ngành công nghiệp, giúp các máy móc trở nên thông minh hơn, dây chuyền sản xuất nhanh hơn, và ngăn chặn những hỏng hóc về thiết bị trước khi chúng xảy ra. Các máy móc được kết nối đăng tải dữ liệu lên đám mây để được phân tích. Đó là nơi dữ liệu biến thành thông tin chi tiết về tình hình kinh doanh, giúp tăng hiệu suất và khả năng sinh lời.

Năng lượng Việt Nam: Theo ông thì các nhà sản xuất Việt Nam đang phải đương đầu với những thách thức gì và họ nên giải quyết chúng như thế nào thông qua số hóa?

Ông Cedrik Neike: Giảm thiểu thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, các yêu cầu đưa ra ngày một đa dạng hơn và phải nâng cao chất lượng với mức giá thấp nhất có thể, đồng thời phải duy trì hiệu quả năng lượng là những thách thức chính mà các nhà sản xuất hiện đang phải đối mặt. Ngoài ra, họ cần phải quyết định nơi họ sẽ khởi đầu hành trình số hóa và cần phải xử lý những gì trước tiên trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Số hóa có thể hỗ trợ các nhà sản xuất với chuỗi giá trị hoàn chỉnh của họ, từ khâu thiết kế sản phẩm, lên kế hoạch sản xuất, chế tạo sản phẩm, đến tiến hành sản xuất và cuối cùng là dịch vụ vận hành. Siemens cung cấp một giải pháp toàn diện cho sự tích hợp chuỗi giá trị của các nhà sản xuất. Chúng tôi hiện đang là nhà cung cấp công nghệ duy nhất sở hữu một danh mục sản phẩm hoàn chỉnh giải quyết cả năm khâu trong chuỗi giá trị của một doanh nghiệp số, bao gồm thiết kế sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, chế tạo, thi công và dịch vụ. Chúng tôi không chỉ đảm nhiệm vai trò là một nhà cung cấp sản phẩm hay hệ thống mà còn là nhà tư vấn để đưa ra lời khuyên cho khách hàng về các hiệu chỉnh tùy biến và xây dựng một lộ trình số hóa lý tưởng.

Năng lượng Việt Nam: Số hóa mang lại những lợi ích gì cho ngành công nghiệp ô tô?

Ông Cedrik Neike: Ngày nay, ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô cũng như các nhà cung cấp của họ, đang là ngành nghề cạnh tranh nhất và cũng thu hút nhiều vốn đầu tư.

Khách hàng bây giờ có vô số khả năng lựa chọn khi đặt mua một chiếc xe ô tô, chẳng hạn như: Bao nhiêu mã lực? Động cơ chạy bằng dầu, xăng hay bằng điện? Màu gì? Vỏ bọc nội thất thế nào? Có hay không có cửa sổ trời? Hệ thống giải trí ra sao? Với tất cả những yếu tố cần xem xét này thật dễ dàng để thấy rằng quy trình sản xuất phải cực kì phức tạp. Kỹ thuật số có thể biến những sự phức tạp này trở nên dễ quản lý hơn rất nhiều. Nó khiến các quy trình trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn bất chấp nhu cầu ngày một gia tăng.

Sử dụng phần mềm Doanh nghiệp số của Siemens, các khách hàng của chúng tôi có thể đầu tư vào các giải pháp đảm bảo cho tương lai trên cơ sở triển khai từng bước cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ khách hàng của mình trên con đường trở thành doanh nghiệp số. Năm 2017, Tập đoàn VinGroup và Siemens đã kí kết một Biên bản Ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ toàn diện trong một số ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm ngành công nghiệp ô tô. Siemens là đối tác chính thức cho dự án sản xuất xe điện của VinFast. Năm tới, các bạn sẽ thấy rất nhiều chiếc xe ô tô hiện đại và sang trọng chạy trên đường phố được sản xuất tại Việt Nam với công nghệ quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) của Siemens.

Năng lượng Việt Nam: Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức gây ra bởi sự bùng nổ đô thị và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ trên cả nước. Các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn về tình trạng quá tải của cơ sở hạ tầng đô thị. Vậy theo ông, các thành phố này cần những điều kiện gì để trở thành thành phố thông minh?

Ông Cedrik Neike: Các điều kiện tiên quyết chính là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giao thông thông minh, lưới điện thông minh và tòa nhà thông minh.

Cơ sở hạ tầng số dựa trên nền tảng điện khí hóa và tự động hóa có thể thúc đẩy hiệu quả dịch vụ thông qua tối ưu hóa vận hành và trang thiết bị, thay đổi mô hình vận hành theo nhu cầu, duy trì và quản lý hệ thống từ xa.

Giải pháp cho giao thông giúp tăng tiện ích của cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa công suất hoạt động và tạo nên một chất lượng mới về trải nghiệm cho người sử dụng thông qua số hóa. Ví dụ, đường sắt số cung cấp cơ hội cho các thành phố và các nhà vận hành có thể điều khiển ngành đường sắt một cách tương tác và tự động, đồng thời cung cấp cho hành khách một cấp độ mới về tính kết nối bên cạnh sự thuận tiện và thoải mái khi di chuyển.

Lưới điện thông minh đem lại sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu về điện, giúp giảm tổng lượng tiêu thụ điện do nhu cầu gia tăng bằng cách trực tiếp kiểm soát các thiết bị điện, hoặc thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Cuối cùng tòa nhà thông minh sẽ giúp các thành phố đạt được tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả môi trường đồng thời giảm lượng điện năng tiêu thụ.

Năng lượng Việt Nam: Được biết, Siemens sở hữu một dải sản phẩm và giải pháp số độc đáo để phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng thành phố. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Cedrik Neike: Vào năm 2050, gần 70% dân số toàn cầu sẽ tập trung sinh sống ở khu vực đô thị. Chúng tôi tin rằng các thành phố có thể giải quyết các thách thức bằng việc áp dụng công nghệ số và đô thị thông minh. Nhưng các thành phố thường hay gặp khó khăn trong việc biến khối lượng lớn dữ liệu thành các thông tin có giá trị. Các chi phí phải trả trước cao cũng như sự thiếu hụt về mặt kĩ năng và cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn dẫn đến việc rất khó để phân tích dữ liệu lớn tại thời gian thực để có thể thu hoạch được các thông tin hữu ích ảnh hưởng đến các quyết định. Trong trường hợp này, hệ điều hành mở IoT MindSphere của Siemens sẽ là giải pháp cứu cánh. Nó hỗ trợ các ứng dụng mạnh mẽ cho đô thị và các dịch vụ số nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng.

Các ứng dụng đặc thù cho đô thị được tạo trong MindSphere cho những kết quả có thể đo đếm được và triển khai các dịch vụ số dựa trên các giải pháp thực nghiệm hiệu quả nhất. Hơn nữa, các thành phố có thể tận dụng MindSphere để tích hợp liền mạch dữ liệu trong toàn bộ cơ sở hạ tầng - không chỉ quản lý hiệu quả hoạt động mà còn so sánh kết quả mô phỏng và thử nghiệm với quan sát thực tế.

Siemens cam kết hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam

Năng lượng Việt Nam: Năm 2018, Công ty Siemens kỉ niệm 25 năm chính thức hiện diện tại Việt Nam. Nhân dịp này ông có thể cho biết cam kết của Siemens đối với Việt Nam trong những năm tới?

Ông Cedrik Neike: Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng và số hóa là cơ hội để Việt Nam nhảy vọt và nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp. Siemens hiểu rõ những thách thức nổi cộm của Việt Nam và mong muốn được tham gia giải quyết thông qua việc cung cấp các giải pháp ưu việt của công ty trong các lĩnh vực điện khí hóa, tự động hóa và số hóa. Chúng tôi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo số. Chúng tôi đã phát triển nhiều giải pháp thích hợp giúp các thành phố hoạt động hiệu quả, bền vững và an toàn hơn. Chúng tôi cam kết luôn là đối tác được khách hàng Việt Nam lựa chọn và cam kết hỗ trợ Việt Nam trên con đường chuyển đổi số.

Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cảm ơn ông!

NGUYỄN TIẾN SỸ (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động