RSS Feed for Giải pháp số cho các nhà máy điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 12:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp số cho các nhà máy điện

 - “Việt Nam không nên chỉ làm một vài giải pháp đơn lẻ cho lò hơi, cho máy phát hay các thiết bị khác mà cần tiến nhanh đến các giải pháp đồng bộ, tổng thể cho các nhà máy điện, lưới điện”.

CO2: Tuabin nhỏ cho công suất điện lớn
Công nghệ H: Giảm chi phí sản xuất điện

Đó là khẳng định của ông Luis Gonzales - Phụ trách Digital Power của General Electric (GE) toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau các buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và gặp gỡ các doanh nghiệp ngành điện của Việt Nam.

Cần tiến nhanh đến các giải pháp đồng bộ

Qua buổi làm việc với EVN cũng như gặp gỡ các doanh nghiệp ngành Điện, ông nhận định như thế nào về sự quan tâm của Việt Nam đối với các giải pháp số của GE?

EVN rất nhiệt tình và quan tâm tới các sản phẩm của GE. Đó là lý do hai bên đều cảm nhận được việc phải thúc đẩy hợp tác nhanh chóng lĩnh vực số hóa. Điều GE mong muốn là Việt Nam không nên chỉ làm một vài giải pháp đơn lẻ cho lò hơi, cho máy phát hay các thiết bị khác mà cần tiến nhanh đến các giải pháp đồng bộ, tổng thể cho các nhà máy điện, lưới điện. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích tổng thể và lâu dài hơn cho Việt Nam.

Tôi đã gặp các nhóm đối tác và rất ấn tượng về họ. Họ là những người rất hiểu biết, chúng tôi đã rất nhanh chuyển từ vấn đề có cần giải pháp kỹ thuật số hay không sang câu chuyện làm thế nào để giải pháp này đóng góp vào tăng trưởng hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh ngành điện. Chúng tôi cũng trao đổi với nhau về khả năng hợp tác giữa hai bên.

Các kỹ sư của GE đã thu nhỏ một tuabin hơi nước khổng lồ

Trong các nhóm đã trao đổi với ông, đối tác nào quan tâm nhất tới giải pháp số cho các nhà máy điện?

Chúng tôi đã làm việc với 2 nhóm riêng. Khi gặp gỡ ai cũng rất cởi mở, muốn trao đổi sâu và muốn được phát triển câu chuyện để tìm hiểu xem giải pháp kỹ thuật số nào tốt hơn. Rất nhiều đại diện đến từ các nhà máy điện có quy mô lớn tới trung bình, đều rất quan tâm tới cách thức làm việc, quy trình triển khai.

Tôi nhận thấy khách hàng của GE đang có mục tiêu đúng hướng. Tiêu biểu như EVN, họ đã nhìn thẳng vào vấn đề làm thế nào để tối ưu hóa việc vận hành và giảm chi phí. Mối quan tâm này chỉ có được khi khách hàng thực sự chú ý đến việc sản xuất điện mang tính chiến lược.

Tôi đã đến một số nước, như Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kông... và Việt Nam, việc có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với các đối tác, điều này đã cho tôi một cái nhìn toàn cảnh về thị trường điện trên thế giới.

Với Việt Nam, câu chuyện hợp tác EVN và GE cũng chính xác là câu chuyện của chúng tôi tại thị trường chính của mình, thị trường Mỹ. Khách hàng của chúng tôi luôn muốn có được nguồn điện mang tính kinh tế hơn nhưng vẫn đảm bảo ổn định. Họ cũng mong muốn các nhà máy phải có hiệu suất cao hơn và sử dụng nhiên liệu ít hơn. Họ quan tâm tới vấn đề môi trường và xả thải. Với cùng mối quan tâm và sự nhiệt tình đầy thiện chí của EVN, tôi nghĩ rằng, EVN thực sự là đối tác rất phù hợp với chúng tôi.

Giải pháp số, lựa chọn thông minh

Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng công nghệ của các nhà máy điện và truyền tải điện ở Việt Nam?

Tôi chưa có nhiều thời gian để đánh giá hiện trạng của các nhà máy điện ở Việt Nam. Nhưng qua tiếp xúc và tìm hiểu, tôi cho rằng có nhiều cơ hội để Việt Nam và GE hợp tác với nhau.

Giải pháp kỹ thuật số của GE có thể được áp dụng với loại nhà máy điện nào?

Digital Solutions là một trong những lĩnh vực kinh doanh mới của GE và chỉ mới được giới thiệu đầu năm nay. Lĩnh vực kỹ thuật số đã từng được áp dụng ở các nhà máy nhưng chỉ với các mảng và chức năng rời rạc. Riêng với GE, chúng tôi là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã áp dụng tích hợp giải pháp số vào tất cả các mảng trong cùng một nhà máy điện.

Chúng tôi đã có kinh nghiệm với tất cả các dạng nhà máy điện. Bản thân GE là hãng công nghệ, và Digital Solutions đã hỗ trợ kỹ thuật số cho rất nhiều các thiết bị của GE. Chúng tôi sử dụng các phần mềm để chế tạo thiết bị, điều khiển các nhà máy và lập trình các phần mềm để quản lý. Và giờ đây, chúng tôi muốn chia sẻ các phần mềm đó, cùng với kinh nghiệm của mình trong ngành để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh năng lượng hiệu quả hơn.

Tôi nghĩ rằng GE trong một, hai năm vừa qua còn có những bước tiến nổi bật. Năm 2015, GE đã thành công trong thương vụ mua lại công ty Alstom. Khi đó, GE đã ghi thêm vào cho mình số lượng nhà máy điện tương đối lớn. Để vận hành các nhà máy này một cách tốt nhất, GE đã chuẩn bị cho mình các thiết bị công nghệ, các phần mềm để tối ưu hóa công tác sản xuất một cách toàn diện. Cộng thêm vào đó khi GE có thêm công ty Nico, GE đã thêm vào cho mình kinh nghiệm tối ưu hóa công tác sản xuất tại Việt Nam về trình độ, vận hành một cách hòa hợp. Tôi nghĩ rằng GE đã có một bước tiến hết sức hài hòa của công nghệ và phần mềm.

Thị trường điện ở Việt Nam rất khác với các nước khác, đặc biệt là Mỹ, nên việc áp dụng một giải pháp hoàn toàn mới phải phù hợp với chính sách của Việt Nam. Ông nói gì về điều này?

Chúng tôi đang nghiên cứu nên chưa có giải pháp toàn bộ cho một nhà máy điện kỹ thuật số ở châu Á, dù đã có một vài dự án và đã bắt đầu số hóa một vài bộ phận. Tính đến thời điểm hiện tại, tại châu Á chưa có trọn vẹn một nhà máy điện số như đã hiện diện ở Mỹ. Tại Nhật Bản, một đất nước phát triển, chúng tôi cũng đã trao đổi về vấn đề này. Chúng tôi cũng đã có những buổi làm việc ở Đài Loan. Tại Malaysia chúng tôi đã bắt đầu có một vài bước khảo sát tìm hiểu.

Tôi nhận thấy, ở Việt Nam hiện nay, ngành điện mang tính tập trung quản lý cao với đầy đủ các nguồn, lưới, các hệ thống phân phối. Việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật số để làm tăng chuỗi giá trị gia tăng hơn nữa cho ngành điện là một giải pháp hợp lý và thông minh. Song vấn đề Việt Nam phải quan tâm hơn cả chính là về giấy phép, luật pháp và môi trường, trước khi triển khai các hoạt động số hóa được các nhà máy điện.

Ngành điện ở Việt Nam được kinh doanh theo hướng công ty tập trung. Nhiều người nhận định đây là khó khăn lớn trong quá trình số hóa và phát triển các ngành năng lượng theo hướng hiện đại nhưng về phía mình, tôi coi đây là thuận lợi trong việc vận dụng thực hiện các giải pháp mới. Tôi thấy Việt Nam, từ việc sản xuất tới việc phân phối cho khách hàng đều được vận hành thống nhất. Do đó khi ứng dụng các thành tựu hoa học kỹ thuật và số hóa, Việt Nam sẽ dễ dàng áp dụng như một thể thống nhất, nâng cao hiệu suất một cách đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực. Ví dụ như trường hợp ở Canada, họ chỉ có một công ty điện lực mang tên British Colombia độc quyền phân phối điện. Khi British Colombia quyết định ứng dụng Smart Grid - dự án “Lưới điện thông minh” vào trong kinh doanh, họ chỉ cần 3 năm để chuyển đổi toàn bộ dây chuyền điện lưới sang lưới điện lưới thông minh. Họ thậm chí đã thay đổi tất cả các thiết bị đồng hồ đo đếm trong các gia đình.

Cùng với lúc đó tại bang Victoria, Australia, họ phải mất 7 năm để làm điều tương tự. Thị trường điện của Australia là thị trường cạnh tranh, có nhiều công ty điện lực cùng cung cấp điện. Vì thế mà việc triển khai một ý tưởng mới, một giải pháp mới thường mất rất nhiều thời gian. Các ví dụ trên cho chúng ta hiểu rằng việc kinh doanh tập trung cũng có mặt tích cực.

Tình trạng hiện nay của EVN có rất nhiều điểm sáng. Bản thân nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, nguồn cung cấp điện lực lớn, dân số phát triển cũng rất nhanh. Chính vì thế nên việc làm sao phát triển ngành điện nhanh hơn nữa, đảm bảo cung cấp lượng điện lớn phục vụ cho sự phát triển của ngành kinh tế là rất quan trọng. Là một công ty tập trung, EVN sẽ dễ dàng xử lý các vấn đề phức tạp của thị trường hơn rất nhiều. Một điểm sáng nữa là Việt Nam có rất nhiều dạng năng lượng khác nhau, được phân tán và được cung cấp bởi nhiều nguồn khiến cho ngành năng lượng Việt Nam tương đối linh hoạt.

Các chia sẻ về giải pháp số của ông có xử lý được các biến động tải trên lưới điện hay không? Nếu xử lý được thì bằng cách nào?

Điều đầu tiên để đảm bảo được vận hành điện lưới tốt, là phải nhận biết được tất cả các vấn đề đang xảy ra trên lưới. Sau đó bắt đầu tìm ra các giải pháp công nghệ thích ứng, xử lý được các vấn đề. Chúng tôi phải nắm bắt được rõ ràng bước 1 sang bước 2 để đưa ra các giải pháp toàn diện nhất.

Việt Nam đang có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than. Với các nhà máy này, cách vận hành lí tưởng của họ là ở chế độ vận tải đẩy một cách liên tục, đều đặn. Với công nghệ hiện có, chúng tôi có thể hỗ trợ họ sản xuất được lượng điện với hiệu suất cao hơn, tin cậy và ổn định hơn, đồng thời các nhà máy này không chỉ sản xuất điện tùy theo giờ mà có thể tăng giảm hiệu suất tùy vào điều kiện thực tế.

Digital Power Plant Solutions khi vào Việt Nam thì cần đầu tư mới hoàn toàn hay có thể tiếp tục phát triển trên nền tảng cơ sở vật chất hiện có?

Điều đó còn tùy thuộc vào trường hợp cụ thể. Thực ra, một nhà máy muốn đưa giải pháp số vào thì cũng cần đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, ít nhất nhà máy phải có hệ thống điều khiển số từ trung tâm bởi thiết bị này sẽ khiến việc nâng cấp và lấy số liệu trở nên dễ dàng hơn. May mắn là hầu như các nhà máy điện ở Việt Nam đều có hệ thống điều khiển trung tâm, vậy nên việc nâng cấp phần cứng cũng không đòi hỏi quá nhiều thời gian và nguồn lực, tuy nhiên cụ thể như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào từng nhà máy. Bởi khi chúng tôi làm giải pháp số cho các nhà máy khác nhau, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là đánh giá tình trạng hạ tầng về số của nhà máy, từ đó chúng tôi sẽ có những phương án thích hợp.

GE là một công ty sản xuất công nghệ, vậy nên trên thực tế, nếu khách hàng không mua thiết bị của chúng tôi thì chúng tôi sẽ không bán được hàng. Tuy nhiên, khi áp dụng giải pháp số cho một nhà máy, chúng tôi có trách nhiệm phải đưa ra khuyến cáo cho khách hàng về việc nên hay không nên thay thế thiết bị, có thể kéo dài thời gian sử dụng của thiết bị hiện và để khách hàng quyết định. Điều này cũng liên quan đến việc tìm hiểu và học hỏi, ví như khi chúng ta quen hơn với các thiết bị thì chúng ta sẽ biết cần đưa ra quyết định đúng đắn như thế nào. Chúng tôi sẽ đưa ra khuyến cáo để khách hàng có thể quyết định việc bảo dưỡng hay nên mua mới sao cho hiệu quả nhất.

Trong việc chuyển sang công nghệ số, lợi nhuận không phải là vấn đề quan trọng nhất. Khi khách hàng quyết định, họ sẽ có lí do đằng sau quyết định đó. Cũng có trường hợp họ đưa ra quyết định chưa chính xác, nhưng họ sẽ dựa vào đó để rút kinh nghiệm và từ đó phát triển, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hơn.

Với các giải pháp được đưa ra thì phương pháp tài chính nào đã được cân nhắc để hiện thực hóa các giải pháp đó?

Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã tính đến một số phương án hợp tác giữa các bên. Ví dụ, chúng tôi có một mô hình rất linh hoạt như sau: GE có thể đầu tư vào một số giải pháp, sau đó khách hàng cam kết rằng nếu các chương trình kỹ thuật số có hiệu quả thì các bên sẽ chia sẻ lợi nhuận với nhau tùy vào mức lợi nhuận theo tỉ lệ. Tôi chưa thể nói mô hình này hợp với Việt Nam nhưng nó đã được áp dụng thành công ở rất nhiều nước. Chúng tôi sẽ chia sẻ các phương án hợp tác phù hợp với Việt Nam hơn trong thời gian tới.

Vấn đề công nghệ số có được ông trao đổi trong cuộc gặp gỡ EVN không?

Chúng tôi mới chỉ giới thiệu về công nghệ số. GE đã có thư ngỏ ký kết giữa 2 phía để lên kế hoạch hợp tác. Chúng tôi chưa thảo luận nhiều về vấn đề thương mại nhưng đã trao đổi với nhau về sự cần thiết phải hợp tác giữa 2 đơn vị. Tôi nghĩ chúng tôi đã có sự thỏa thuận về các giải pháp cùng nhau, đây sẽ là tiền đề để trao đổi tiếp về vấn đề thương mại.

Cảm ơn ông!

HẢI VÂN (thực hiện)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động