RSS Feed for Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 08:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Trước thềm năm mới - xuân Tân Sửu 2021, ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có những chia sẻ với chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những nỗ lực phát triển hệ thống truyền tải điện Việt Nam, bao gồm mở rộng kết hợp với nâng cao chất lượng lưới điện, nhất là EVNNPT đã thực hiện đầu tư xây dựng hàng loạt công trình truyền tải điện để giải quyết tình trạng nghẽn mạch, tăng cường giải tỏa các nguồn điện mặt trời, điện gió phát triển bùng nổ, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn và dịch bệnh Covid-19.


Hệ thống truyền tải điện trước áp lực cao điểm nắng nóng

Giải bài toán kinh tế trong giảm tổn thất điện năng của EVNNPT


Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.


Trước hết, thay mặt bạn đọc của “Năng lượng Việt Nam” xin chân thành cảm ơn ông Tổng Giám đốc EVNNPT đã có những động viên và giành thời gian cho lĩnh vực truyền thông về năng lượng.

Năm 2020 là một năm có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới, trẻ và năng động của EVNNPT, xin ông cho biết những chia sẻ của lãnh đạo thế hệ mới về vai trò, trọng trách lớn của EVNNPT để tiếp nối nhưng thành tựu mà thế hệ trước chuyển giao?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2018, EVNNPT đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển của Tổng Công ty đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Mục tiêu đến năm 2025, EVNNPT phấn đấu trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á. Để đảm bảo mục tiêu trên, Tổng Công ty đã triển khai các đề án chiến lược phát triển như:

1/ Đề án đánh giá xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT. Năm 2019, Tổ chức Fitch Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng nhất trên thế giới (Standard & Poor’s, Moody’s Investor Service và Fitch Ratings) đã công bố mức xếp hạng tín nhiệm của Tổng Công ty là BB (tương ứng với xếp hạng của EVN).

2/ Đề án Xây dựng bộ dữ liệu chuẩn để đánh giá hoạt động của tổ chức truyền tải điện và đánh giá xếp hạng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (Tổng Công ty đang phối hợp với tập đoàn Siemens - Đức để triển khai thực hiện).

3/ Xây dựng Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của EVNNPT.

4/ Chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

5/ Xây dựng Chiến lược đầu tư của EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040.

6/ Các đề án ứng dụng CMCN 4.0.

7/ Xây dựng Chiến lược quan hệ quốc tế EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040…

Theo đó, các lãnh đạo Tổng Công ty kế thừa các thành tựu thế hệ đi trước và tiếp tục triển khai các đề án chiến lược đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của EVNNPT và phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Năm 2021, Hội đồng thành viên EVNNPT đã phê duyệt các công việc và nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai, thực hiện trong năm 2021 tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐTV. Tổng Công ty đã xác định chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia”. Trong năm nay, Tổng Công ty sẽ tập trung thực hiện chủ đề năm và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thông tin trong các hoạt động, đặc biệt trong công tác quản lý vận hành (QLVH) và đầu tư xây dựng (ĐTXD).

Trong công tác QLVH, song hành với tiếp tục triển khai các biện pháp giảm số lượng sự cố xảy ra trên lưới, giảm tổn thất điện năng, tăng cường chất lượng điện năng đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, Tổng Công ty sẽ triển khai, ứng dụng các đề án ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trạm biến áp (TBA) không người trực, TBA số, thiết bị giám sát nhiệt động đường dây, ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý vận hành lưới truyền tải điện; ứng dụng thiết bị bay Flycam, UAV, camera… để tăng năng suất lao động và hiệu quả SXKD.

Trong công tác ĐTXD, thực hiện quyết liệt các giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án đường dây 500 kV mạch 3, các dự án giải tỏa công suất nguồn điện (nhất là các NMĐ BOT và năng lượng tái tạo), các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ Lào…

Trong công tác đào tạo, tăng cường thực hiện công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của EVNNPT; đội ngũ CBCNV của EVNNPT có kiến thức, ý thức và kỹ năng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty luôn quan tâm, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các CBCNV và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Văn hóa EVNNPT.

Với tinh thần, bản lĩnh, trách nhiệm của người lính truyền tải điện của toàn CBCNV, tôi tin rằng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia luôn đoàn kết, thống nhất, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để thực hiện sứ mệnh: Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện.

Hệ thống điện Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh, đòi hỏi hệ thống truyền tải điện phải ngày càng mở rộng kết hợp với nâng cao chất lượng điện, nhất là khi các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi ngày càng được tích hợp với tỷ trọng lớn hơn trong hệ thống. Năm 2020, EVNNPT đã thực hiện đầu tư xây dựng hàng loạt công trình truyền tải điện để giải quyết thực trạng nghẽn mạch, tăng cường giải tỏa các công suất nguồn điện mặt trời, điện gió phát triển bùng nổ. Xin ông cho biết những định hướng mới về phát triển lưới điện trong tình hình mới?

Ông Phạm Lê Phú: Thời gian qua, các nguồn NLTT đã thực sự phát triển bùng nổ và đã đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt lên tới 17.430 MW, chiếm tỷ trọng 25,3% tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam và tăng hơn 10 lần so với Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh).

Về mặt hệ thống điện, các nguồn NLTT chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Nam Trung bộ đã gây một áp lực rất lớn đến công tác đầu tư và QLVH lưới truyền tải điện của EVNNPT. Trong 2 năm qua EVNNPT đã quyết tâm, cố gắng nỗ lực rất lớn đưa vào vận hành sớm hàng loạt các công trình lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT như: Các TBA 220 kV Ninh Phước, Phan Rí, Vân Phong; nâng công suất (NCS) các TBA 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh; NCS TBA 220 kV Tháp Chàm. Hiện EVNNPT đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT như các dự án: TBA 220 kV Cam Ranh, ĐZ 220 kV mạch 2 Nha Trang - Tháp Chàm, TBA 220 kV Lao Bảo và ĐZ 220 kV Đông Hà - Lao Bảo, NCS TBA 500 kV Đăk Nông và Pleiku 2...

Về định hướng về phát triển lưới điện truyền tải, EVNNPT đã thường xuyên báo cáo, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét về các định hướng phát triển lưới điện truyền tải trong thời gian tới khi các nguồn NLTT phát triển mạnh, đó là:

Một là, về các cơ sở pháp lý:

Trong thời gian sắp tới, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, với xu thế các nguồn NLTT ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc các chủ đầu tư các nguồn điện NLTT thực hiện đầu tư các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối các NMĐ NLTT sẽ ngày càng tăng, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xem xét điều chỉnh lại Luật Điện lực, đồng thời cần sớm có các văn bản pháp lý quy định và hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện được việc xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ thu gom và đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy điện (trong đó có các NMĐ LNTT) cho các chủ đầu tư ngoài EVN/EVNNPT thực hiện. EVNNPT sẽ tập trung đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia, bao gồm các trục chính, liên kết vùng miền và cấp điện cho phụ tải.

Hai là, trong công tác quy hoạch phát triển lưới điện truyền tải:

Hiện nay, sự phát triển các nguồn NLTT đã thay đổi rất lớn so với QHĐ7 ĐC và đang thiếu một quy hoạch tổng thể về phát triển các nguồn NLTT và quy hoạch lưới điện truyền tải đồng bộ giải tỏa các nguồn NLTT. Các công trình lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa các nguồn NLTT đều được bổ sung quy hoạch một cách đơn lẻ, thiếu sự chủ động và thiếu tính tổng thể.

Với thời gian đầu tư đưa vào vận hành các nguồn NLTT rất ngắn (thường chỉ dưới 1 năm), EVNNPT có rất ít thời gian để có thể triển khai dự án lưới điện truyền tải đồng bộ vì thông thường một dự án của EVNNPT phải mất từ 2,5 - 3 năm (đối với các dự án nâng công suất TBA ) tới từ 3 - 5 năm (đối với dự án ĐZ và TBA mới), thậm chí dài hơn nữa đối với các dự án ĐZ 500 kV đi qua nhiều địa phương và đi qua đất rừng phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong trong công tác BTGPMB. Chưa kể đến có nhiều dự án nguồn điện gió, điện mặt trời được bổ sung quy hoạch, nhưng lưới điện đồng bộ của chúng lại không đượng bổ sung, gây khó khăn hơn, kéo dài quá trình triển khai.

Do đó, để có thể đầu tư phát triển hệ thống điện truyền tải đảm bảo tiến độ và đồng bộ với sự phát triển của các nguồn NLTT, cần sớm hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó có quy hoạch tổng thể các nguồn NLTT kèm theo lưới điện truyền tải đồng bộ phục vụ giải tỏa các nguồn NLTT với tiến độ các công trình lưới điện truyền tải phù hợp, đủ thời gian cho EVNNPT triển khai đưa vào vận hành.

Ba là, trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải giải tỏa công suất các nguồn NLTT:

Do đặc điểm các nguồn NLTT có sự ổn định thấp, dao động công suất và điện áp lớn do phụ thuộc lớn vào yếu tố thời tiết, dẫn đến việc vận hành hệ thống lưới điện truyền tải gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục vấn đề này cần có các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ như đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng tại các NMĐ NLTT hoặc trên lưới điện truyền tải hoặc phân phối. Do nguồn vốn đầu tư quá lớn và chưa có cơ chế tài chính nên giải pháp pin tích trữ năng lượng hiện chưa triển khai được. Do đó, các cơ quan QLNN cần nghiên cứu, xem xét có quy định và cơ chế, nhất là quy định hợp lý - cụ thể về giá mua và bán điện của pin tích năng, thủy điện tích năng để áp dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ về kỹ thuận như giải pháp lắp đặt các nguồn tích trữ năng lượng.

Được biết hiện nay EVNNPT đang tập trung nguồn lực để hoàn thành đường dây 500 kV từ Vũng Áng đến Dốc Sỏi và Pleiku, một trong những huyết mạch truyền tải quan trọng để hỗ trợ cấp điện cho miền Nam, tăng cường khả năng liên kết hệ thống toàn quốc trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm sau. Xin ông cho biết tình hình triển khai xây dựng công trình này và dự kiến thời gian hoàn thành?

Ông Phạm Lê Phú: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao EVNNPT làm Chủ đầu tư dự án đường dây (ĐZ) 500 kV NĐ Quảng Trạch - Vũng Áng và SPP 500 kV TTÐL Quảng Trạch, ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và ĐZ 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (dự án ĐZ 500 kV mạch 3). Đây là Dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu đầu tư xây dựng để tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV, liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng, tối ưu hóa sản xuất - truyền tải trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

Dự án đã được khởi công ngày 18/12/2018, kế hoạch đóng điện được Thủ tướng Chính phủ giao vào tháng 12/2020. EVNNPT đã tăng cường công tác quản lý, tập trung nhân lực; quán triệt triển khai, thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ của dự án và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác BTGPMB.

Đến thời điểm hiện nay, đối với công tác BTGPMB, đã bàn giao phần móng 1.564/1.606 vị trí (đạt 97,4%); phần hành lang tuyến 1.256/1.606 khoảng cột (đạt 78,21%) - 286/438 khoảng néo (đạt 65,3%). Đối với công tác thi công xây lắp, đào móng 1.495/1.606 (đạt 93,1%); đúc móng 1.455/1.606 vị trí (đạt 90,6); dựng cột 1.260/1.606 vị trí (đạt 78,5%); kéo dây 169,06/741,99 km (98/436 khoảng néo); đang kéo 84,212 km (36 khoảng néo).

Theo kế hoạch, dự án dự kiến đóng điện tháng 12/2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 toàn cầu, thiên tai diễn ra liên tục, và bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua đã làm thời gian bàn giao mặt bằng bị chậm khoảng 9 tháng. Hiện nay, EVNNPT/CPMB đang gấp rút triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và thi công dự án, phấn đấu để hoàn thành đóng điện các dự án ĐZ 500 kV mạch 3 trong tháng 9/2021.

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến hầu hết mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai xây dựng các công trình lươi điện truyền tải của EVNNPT. Xin ông cho biết các giải pháp chính của Tổng Công ty để vượt qua những tác động này và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu và Việt Nam, đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động SXKD, trong đó đặc biệt đã ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai các dự án lưới điện truyền tải của EVNNPT.

Có thể nói, dịch bệnh đã ảnh hưởng một cách toàn diện và nặng nề trong mọi mặt triển khai các dự án ĐTXD của EVNNPT từ công tác BTGPMB, cung cấp vật tư thiết bị (VTTB) đến công tác thi công trên công trường. Cụ thể trong công tác BTGPMB, EVNNPT và các đơn vị đã gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong các đợt giãn cách trên toàn quốc (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2020) và tại các tỉnh miền Trung (vào các tháng 7, 8/2020), các địa phương hầu như tập trung toàn lực vào việc chống dịch.

Trong công tác mua sắm VTTB, đặc biệt đối với các VTTB nhập ngoại, cũng bị ảnh hưởng nặng nề do việc sản xuất của các nhà cấp hàng bị đình trệ, thời gian vận chuyển đường biển bị kéo dài, nhiều gói thầu chậm tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch đóng điện các dự án. Chuyên gia nước ngoài cũng không sang được Việt Nam để thực hiện công tác giám sát, lắp đặt. Công tác cung cấp vật tư vật liệu phục vụ thi công cũng bị chậm do nhiều đơn vị kinh doanh nghỉ hoặc cung cấp hạn chế.

Trong công tác thi công, nhân lực thi công nhiều công trình bị sụt giảm do khó khăn trong việc thuê nhân công ngoài, nhân công địa phương. Một số địa phương yêu cầu đơn vị thi công phải chia nhỏ chỗ ở cho công nhân, mỗi nơi chỉ ở tối đa 5 người. Việc di chuyển lực lượng thi công, bộ máy thi công từ địa phương này đến địa phương khác bị hạn chế, một số địa phương còn yêu cầu phải thực hiện cách ly 14 ngày.

Để khắc phục các khó khăn vướng mắc rất lớn của đại dịch Covid-19, ngay từ đầu tháng 3/2020, nhận định Covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến công tác triển khai các dự án, EVNNPT đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để có thể thực hiện được nhiệm vụ kép với mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo được các nhiệm vụ SXKD và ĐTXD của Tổng công ty. Trong đó, đối với công tác ĐTXD, Tổng Công ty đã tập trung chỉ đạo, điều hành và huy động tối đa nguồn lực để triển khai các dự án theo kế hoạch, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm, cấp bách phục vụ đảm bảo cung cấp điện cho phát triển KT-XH của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Quyết tâm không vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà để gián đoạn quá trình triển khai các dự án gây ảnh hưởng đến cung cấp điện.

Tổng Công ty đã tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo để cán bộ nắm bắt được thông tin, các biện pháp phòng, chống dịch và ổn định tâm lý, không hoang mang lo lắng ảnh hưởng đến công việc. Tại công trường, cán bộ công nhân viên các phòng chức năng, bám sát kế hoạch tiến độ của các dự án được giao, chủ động triển khai các biện pháp tích cực, hiệu quả để vừa thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với các nhà thầu tại công trường, Tổng Công ty và các đơn vị đã yêu cầu thành lập Ban phòng chống Covid-19 tại công trường các công trình. Tuân thủ thực hiện hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các văn bản của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tổng Công ty, của chính quyền sở tại và ngành y tế. Tổ chức vệ sinh, thu dọn công trường, phối hợp với các cơ quan y tế trong việc khử trùng trong phạm vi công trường và các khu vực lân cận, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phòng, chống bệnh dịch.

Mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội không được tổ chức các cuộc họp đông người, EVNNPT đã chủ động đăng ký và thực hiện các cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; đăng ký và làm việc trực tuyến với các chính quyền địa phương để xử lý các khó khăn vướng mắc trong công tác BTGPMB; tổ chức các cuộc họp trực tuyến đối với các đơn vị trên công trường để chỉ đạo, điều hành công việc. Qua đó về cơ bản các nội dung công việc vẫn được triển khai, không bị gián đoạn trong suốt thời gian dãn cách xã hội.

Trong công tác cung cấp VTTB và thi công, EVNNPT cũng đã yêu cầu các nhà thầu cung cấp vật tư đảm bảo đúng tiến độ giao hàng để các nhà thầu thi công tập trung phương tiện, bổ sung nhân lực để vận chuyển cột vào công trường và triển khai thi công đảm bảo tiến độ theo KH. Đối với các trường hợp bị chậm tiến độ cung cấp VTTB, EVNNPT cũng đã có các phương án điều động VTTB dự phòng hoặc điều chuyển từ các dự án chưa cấp bách để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách. Qua đó cũng đã góp phần triển khai đưa vào vận hành các dự án cấp bách đáp ứng đúng theo tiến độ theo yêu cầu.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp cụ như trên, mặc dù bị tác động rất lớn bởi Covid-19 nhưng với tinh thần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải trọng điểm, cấp bách để đảm bảo cung cấp điện, EVNNPT đã triển khai thi công và hoàn thành đóng điện hàng loạt các công trình trọng điểm một cách kịp thời ngay trong và sau các đợt dãn cách xã hội để đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Cụ thể, đã hoàn thành đóng điện dự án Nâng công suất TBA 500kV Nho Quan (ngày 12/4/2020) để kịp thời đảm bảo cấp điện cho khu vực Hà Nội và các tỉnh Nam Hà Nội trong mùa nắng nóng năm 2020; hoàn thành các dự án Nâng công suất các TBA 500 kV Vĩnh Tân (ngày 17/4/2020), TBA 500 kV Di Linh (ngày 8/6/2020), TBA 220 kV Phan Rí (ngày 31/3/2020), TBA 220 kV Ninh Phước (ngày 29/6/2020) để kịp thời giải tỏa công suất các nguồn NLTT khu vực Nam Trung bộ; đã hoàn thành đóng điện TBA 500 kV Nghi Sơn (ngày 29/9/2020) để kịp thời giải tỏa công suất NMNĐ BOT Nghi Sơn 2,...

Trong các tháng cuối năm, ngay sau khi đã cơ bản khống chế được dịch bệnh trên toàn quốc (cuối Quý 3/2020), Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình ĐTXD cho các tháng còn lại trong năm để bù cho phần khối lượng đầu tư và tiến độ đã bị chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh trong các tháng đầu năm.

Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Tổng Công ty và các đơn vị đã thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn, với khối lượng ĐTXD thực hiện chỉ trong 3 tháng cuối năm đạt 9.054 tỷ đồng, xấp xỉ với tổng khối lượng ĐTXD thực hiện trong 9 tháng đầu năm (10.525 tỷ đồng). Qua đó cả năm Tổng Công ty đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư đạt 19.579 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức (đạt 105,6%) kế hoạch EVN giao. Cũng trong 3 tháng cuối năm, Tổng Công ty đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai và đã khởi công được 22/39 dự án trên số lượng cả năm, hoàn thành đóng điện được 15/38 dự án trên tổng số cả năm.

Có thể nói, năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự cố gắng nỗ lực rất lớn cùng việc áp dụng các giải pháp một cách cụ thể, quyết liệt, EVNNPT đã thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ kế hoạch ĐTXD được EVN giao, đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án lưới điện truyền tải trọng điểm, qua đó đã góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Với việc Chính phủ dừng bảo lãnh cho huy động vốn quốc tế trong các công trình điện, trong khi nhu cầu đầu tư cho lưới truyền tải đòi hỏi lượng vốn rất lớn, khả năng vay vốn ngày càng khó khăn. Xin ông cho biết EVNNPT đã vượt qua khó khăn này như thế nào?

Ông Phạm Lê Phú: Công tác thu xếp vốn của EVNNPT đã và đang gặp những khó khăn, đó là Chính phủ có chủ trương hạn chế nguồn vốn vay ODA cũng như dừng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, nguồn vốn vay trong nước thì có giới hạn,… tuy nhiên, EVNNPT đã sớm nhận diện được các khó khăn này từ nhiều năm trước và đã chủ động đưa ra các giải pháp đồng bộ để thích ứng như: Duy trì tình hình tài chính EVNNPT lành mạnh, đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn, thuê tư vấn quốc tế đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch thu xếp vốn dài hạn và hàng năm để chủ động trong công tác thu xếp vốn,…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong các năm qua EVNNPT đã thu xếp đủ vốn và kịp thời cho các dự án, không có dự án nào bị chậm tiến độ do thiếu vốn. Đặc biệt, trong thời gian qua EVNNPT đã triển khai thành công hình thức vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ với khoản vay 50 triệu USD cho dự án đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành.

Theo kế hoạch EVNNPT đang xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến thu xếp vốn cho khoảng 220 dự án với tổng giá trị vốn vay gần 88.500 tỷ đồng (tương đương 3,8 tỷ USD).

Xác định công tác huy động vốn có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ, ngày 31/12/2020 Hội đồng thành viên EVNNPT đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐTV, trong đó yêu cầu tập trung thực hiện công tác thu xếp vốn đến năm 2025; chủ động, tích cực triển khai hình thức huy động vốn nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thành viên, ngoài các giải pháp như đã nêu ở trên, EVNNPT còn thực hiện các giải pháp: Thực hiện huy động vốn ngay khi dự án đầu tư được phê duyệt, phân công rõ trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong công tác thu xếp vốn, bám sát Chính phủ và các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thu xếp vốn cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA như các nguồn vốn vay KfW 1 (29 triệu EUR), KfW 2 (202 triệu EUR), WB (khoản vay Reach 182 triệu USD),… đối với nguồn vốn vay trong nước, EVNNPT tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ với các ngân hàng trong nước. Ưu điểm của nguồn vốn vay trong nước là thủ tục triển khai nhanh, đáp ứng về yêu cầu đối với các dự án có tiến độ cấp bách,…

Với việc EVNNPT được Fitch Ratings công bố xếp hạng tín nhiệm hai năm liên tiếp ở mức BB (xếp hạng ngang bằng công ty mẹ - EVN và mức xếp hạng quốc gia, xếp hạng tín nhiệm độc lập của EVNNPT cao hơn mức xếp hạng chung, đạt mức BB+) thì hình thức vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ sẽ là hướng đi mới và chủ đạo của EVNNPT trong thời gian tới. Hiện nay EVNNPT nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế như ADB, JICA, KfW và nhiều ngân hàng nước ngoài quan tâm, sẵn sàng cho vay theo hình thức này.

Với việc xây dựng nhiều phương án thu xếp vốn, chủ động đưa ra nhiều kịch bản và đánh giá ưu nhược điểm của từng phương án thu xếp vốn, cộng với tình hình tài chính lành mạnh, uy tín, vị thế ngày càng cao của EVNNPT, có thể khẳng định EVNNPT sẽ vượt qua các khó khăn, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho các dự án trong thời gian tới.

Đặc thù của lưới truyền tải điện nguồn điện mặt trời, điện gió là có số giờ vận hành thấp, khả năng thu hồi vốn chậm. Mặt khác, giá truyền tải điện còn khá thấp, trong khi các quy định về thẩm định, thông qua một dự án lưới truyền tải điện vẫn chưa có những quy định phù hợp. Ông có băn khoăn gì và có những ý kiến gì về khó khăn này?

Ông Phạm Lê Phú: Đúng như đánh giá của Tạp chí Năng lượng Việt Nam. Đối với EVNNPT việc đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT sẽ đem lại hiệu quả thấp do số giờ vận hành không cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Ngoài ra đối với công tác quản lý vận hành, EVNNPT cũng gặp nhiều khó khăn phức tạp do các đường dây truyền tải các nguồn NLTT gặp phải tình trạng dao động lớn về điện áp và công suất truyền tải. Điều này đòi hỏi cần phải có các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ như đầu tư lắp đặt thêm các thiết bị tích trữ năng lượng trên hệ thống điện. Tuy nhiên với giá truyền tải còn thấp như hiện tại, việc đầu tư các hệ thống tích trữ năng lượng là không khả thi do chi phí đầu tư quá lớn và không có khả năng thu hồi vốn. Đồng thời với các vướng mắc về số giờ vận hành thấp, khả năng thu hồi vốn chậm như đã nêu trong phần trên đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cũng như công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải của EVNNPT.

Tuy nhiên, là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư phát triển và quản lý vận hành lưới điện truyền tải để góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, EVNNPT đã và sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực và phát huy tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải nói chung, các công trình lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT nói riêng đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, EVNNPT luôn mong muốn và đã thường xuyên kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét:

Thứ nhất: Sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có một quy hoạch tổng thể và dài hạn đối với việc phát triển các nguồn NLTT và lưới điện truyền tải đồng bộ phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT để EVNNPT có căn cứ và đủ thời gian để triển khai các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ với các nguồn NLTT.

Thứ hai: Trong quá trình triển khai dự án để đảm bảo thời gian và tiến độ, EVNNPT kiến nghị các bộ, ngành xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với các dự án lưới điện truyền tải của NLTT để đảm bảo thời gian triển khai đồng bộ với các nguồn NLTT. Đặc biệt cần có cơ chế đặc thù trong công tác BTGPMB và chuyển đổi đất rừng là những nội dung khó khăn vướng mắc kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Thứ ba: Xem xét yêu cầu các chủ đầu tư các nguồn NLTT lắp đặt các thiết bị tích trữ năng lượng hoặc xem xét có cơ chế về giá điện để EVN và các đơn vị thành viên (trong đó có EVNNPT) đầu tư lắp đặt các thiết bị tích trữ năng lượng và thu hồi được vốn đầu tư đối với các thiết bị này.

Thứ tư: Trong việc đảm bảo tài chính và giá truyền tải điện, EVNNPT đã và sẽ tiếp tục đánh giá tác động của các nguồn NLTT đến sản lượng điện truyền tải hàng năm cũng như các ảnh hưởng của việc vận hành không hiệu quả các công trình giải tỏa công suất các nguồn NLTT của EVNNPT và tính toán giá truyền tải điện phù hợp để báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định.

Vâng, xin cảm ơn ông. Nhân dịp xuân 2021, xin chúc ông và tập thể Người lao động Truyền tải điện Quốc gia luôn hạnh phúc, đạt được nhiều thắng lợi trong thực hiện kế hoạch SXKD năm 2021!

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC - BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động