RSS Feed for Thái Bình đã có 50 doanh nghiệp ký cam kết điều chỉnh phụ tải điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 01:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thái Bình đã có 50 doanh nghiệp ký cam kết điều chỉnh phụ tải điện

 - Ngày 10/7, tại Hội thảo "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp" do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức tại Thái Bình, Công ty Điện lực Thái Bình (PC Thái Bình) đã tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải trong năm 2019 với 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Nâng con số doanh nghiệp tham gia trên địa bản tỉnh là gần 50 doanh nghiệp.

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Trách nhiệm và lợi ích của DN

Đoàn chủ tịch.

Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016-2030, hệ thống nguồn điện (Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đến năm 2020 phải đạt 60.000 MW, đến 2025 khoảng 96.500 MW và đến 2030 gần 130.000 MW. Tuy nhiên đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng 49.000 MW trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam rất lớn. Bên cạnh đó, một số dự án điện chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra; giá năng lượng còn thấp, khó thu hút đầu tư tư nhân và những thách thức về tác động môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng…

Theo ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC, tại 27 tỉnh miền Bắc, trong đó có Thái Bình, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng công nghiệp tăng rất cao so với bình quân cả nước, đạt trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng trên 15%/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để thiếu điện, trong những năm qua, EVN, EVNNPC, một mặt vừa đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; vừa đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện. Tuy nhiên kết quả chưa đạt như mong muốn, nhất là trong khối doanh nghiệp sản xuất.

Để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, thời gian qua, EVNNPC đã tích cực triển khai trương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC cũng lựa chọn được trên 4.000 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên để mời tham gia chương trình DR. Tại Thái Bình, số doanh nghiệp có mức tiêu thụ 1 triệu kWh trở lên đạt khoảng 122 doanh nghiệp. Đến nay, PC Thái Bình đã làm việc với gần 100 doanh nghiệp, đã ký kết thoả thuận với trên 30 doanh nghiệp tự nguyện tham gia.

Ông Nguyễn Hoàng Giang.

Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đánh giá cao vai trò, trách nhiệm cũng như sự phối hợp của Bộ Công Thương trong việc tổ chức Hội thảo và nhấn mạnh: “Hội thảo là cơ hội để ngành điện phổ biến thông tin, tuyên truyền về chương trình sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng nhau trao đổi, nêu ý kiến, tìm ra các giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải hướng tới mục tiêu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường”.

Ông Nguyễn Hoàng Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia với ngành điện một cách có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra. UBND tỉnh Thái Bình cam kết sẽ đồng hành cùng với ngành điện và doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình này.

Các doanh nghiệp ký kết tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải.

Theo đại diện Bộ Công Thương, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo lần này, nhất là các ý kiến từ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ góp phần quan trọng, làm cơ sở để Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện cho EVN và các EVNNPC thực hiện thành công chương trình. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương kêu gọi sự vào cuộc của các Bộ, Ban ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, EVNNPC đã giới thiệu chi tiết nội dung và lợi ích của chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải; việc hỗ trợ của EVNNPC đối với doanh nghiệp tham gia chương trình DR tự nguyện; đề xuất các cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình DR…

Trong khuôn khổ Hội thảo, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các cơ quan trung ương, UBND, các sở ngành của tỉnh Thái Bình, PC Thái Bình đã tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải trong năm 2019 với 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Nâng con số doanh nghiệp tham gia trên địa bản tỉnh là gần 50 doanh nghiệp.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động