RSS Feed for Ngành Điện và thông điệp mùa nắng nóng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 22:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành Điện và thông điệp mùa nắng nóng

 - Việc cân đối hệ thống điện Việt Nam theo tính toán của các tổng sơ đồ điện chưa tính đến yếu tố nhiệt độ trái đất tăng lên, mùa nắng nóng kéo dài hơn, tác động đến cung cấp điện phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân.

EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng điện hiệu quả

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Nhiệt độ trái đất tăng lên là do con người gây ra, làm khí thải cacbonic tăng cao, môi trường xanh ngày càng bị tàn phá, sinh ra biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiệt độ trái đất ngày càng tăng lên, ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, và khu vực châu Á, trong đó Việt Nam chúng ta là nước nằm trong khu vực nhiệt đới bị tác động của El ninô.

Những năm gần đây, quy luật thời tiết 4 mùa của nước ta là xuân, hạ, thu, đông, khi nhiệt độ trái đất chưa tăng, thì nắng nóng mùa hè giao động trong 3-4 tháng, bây giờ nắng nóng đã tăng lên tới 6 - 7 tháng như năm nay, làm thay đổi quy luật các mùa. Nắng nóng không những kéo dài, mà nhiệt độ còn tăng lên rất cao, thường từ 30-400 C, có nơi tăng nhiều hơn, làm cho lượng điện tiêu thụ tăng lên đột biến, thay đổi quy luật bình thường.

Việc tính toán, phát triển hệ thống điện Việt Nam trước đây theo các tổng sơ đồ chưa tính đến yếu tố nhiệt độ trái đất tăng lên, mùa nắng nóng kéo dài hơn. Nắng nóng vừa qua, từ tháng 5 đến tháng 7 và có thể kéo dài hơn nữa. Với nhiệt độ tăng cao như vậy, mọi người dân tìm các giải pháp để chống nóng, đó là tình trạng ồ ạt lắp điều hòa và sử dụng suốt thời gian dài, cả ngày lẫn đêm làm cho phụ tải tăng đột biến.

Thông thường, các thiết bị điện trong nhà của người dân như: nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh… cộng lại khoảng trên dưới 1 kW công suất, nếu lắp thêm 1 điều hòa loại 9.000 BTU, sẽ tăng công suất lên 1,5 kW, loại 12.000 BTU sẽ tăng thêm 2,2 kW và loại 18.000 BTU sẽ tăng lên 2,5 kW. Mùa nắng nóng này, nhà ít nhất sử dụng 1 điều hòa, nhà nhiều có thể từ 2-3-4 cái điều hòa, đây chưa đề cập đến khách sạn, nhà hàng, công sở… lượng điều hòa còn tăng rất cao.

Để vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty/công ty điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, sự cố, đảm bảo an toàn cung cấp điện...

Từ chỗ đó, việc tăng đột biến phụ tải, trong các tháng nhiệt độ tăng cao, gây nắng nóng khắp nơi, khu vực Hà Nội, trước đây khi chưa có những ngày, tháng nắng nóng gay gắt như năm nay, thì bình quân tiêu thụ điện khoảng 200 triệu kWh/ngày, nhưng trong những tháng vừa qua, có ngày tiêu thụ điện tăng đến 400-500 triệu kWh, tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. Không những chỉ ở Hà Nội, mà các địa phương khác ở miền Bắc và miền Trung cũng tình trạng tương tự, do đó lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống tăng đột biến, việc các hộ gia đình phản ánh lên các cơ quan truyền thông về việc các tháng vừa qua bị tăng đột biến hóa đơn tiền điện là vì lý do trên.

Bài viết này khuyến nghị một số vấn đề sau:

1. Cần phải tập trung vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra, đã nhiều năm rồi nhưng việc thực hiện trong toàn dân, doanh nghiệp, cơ quan còn bị hạn chế. Bây giờ không thể không chú ý đến vấn đề tiết kiệm điện, do đó để khắc phục được tình trạng, giảm bớt tiền điện do sử dụng điều hòa và nhiều thiết bị khác, khuyến nghị, đối với hộ gia đình, bình thường nên sử dụng 1-2 điều hòa, công suất khoảng 9.000-12.000 BTU, một cái dùng cho phòng khách lúc cần thiết, một cái dùng cho phòng ngủ, trưa và tối cả nhà có thể dùng 1 phòng ấy. Khi sử dụng điều hòa nên đặt ở chế độ 27-280 C, thì lượng tiêu thụ điện chiếm 50-60% công suất của điều hòa, nếu đặt ở 18-190 C thì gần như sử dụng hết 100% công suất điều hòa. Điều hòa đều có chế độ hẹn giờ, ví dụ buổi trưa hoặc tối, hẹn giờ sau 3-4 tiếng, khi đã ngủ rồi, nhiệt độ ngoài trời hạ thì điều hòa tự động tắt, chứ không nên bật suốt ngày, đêm.

Các gia đình cũng như các công sở, khách sạn, nhà hàng nên hạn chế dùng điều hòa và các thiết bị khác trong giờ cao điểm. Bình nước nóng cũng là loại có công suất lớn, mùa hè không cần dùng bình nước nóng. Nhiều hộ gia đình đã dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời, thiết bị “Thái dương năng”, còn nhiều gia đình không có điều kiện thì nên để bình nước nóng tiếp xúc với mặt trời.

Đặc biệt đối với sản xuất công nghiệp, các nhà máy nên chủ động bố trí sản suất tập trung vào ca 2, ca 3, từ 10h đêm đến 7h sáng là thời điểm thừa công suất của hệ thống điện, là giờ có giá điện rẻ nhất, việc sử dụng điện trong thời điểm hệ thống thừa điện sẽ có lợi cho doanh nghiệp, ngành điện và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng điện cho công nghiệp, trong đó có các hộ tiêu thụ lớn như: thép, xi măng, hóa chất…cần tăng cường đầu tư các thiết bị tiết kiệm điện, như lắp tụ bù để tăng Cos phi, lắp các bộ điều khiển để điều chỉnh công suất trong hoạt động của các động cơ điện...

2. Biểu giá điện bậc thang do Bộ Công Thương quy định, gồm có 7 bậc được áp dụng lâu nay là hợp lý, nhưng do tình  trạng nắng nóng nêu trên, do độ “nhạy” của các bậc thang, nếu như sử dụng trên dưới 100kWh/tháng thì không bị ảnh hưởng, nếu sử dụng càng tăng thì sẽ ảnh hưởng tới biểu giá bậc thang ấy, nhưng bậc thang cuối cùng, dù có sử dụng tới 400 - 500 kWh/tháng thì cũng ở mức 2.500 đồng/ 1 kWh, khoảng hơn 10cen/ 1 kWh, mức này thấp hơn các nước trong khu vực. Các nước trong khu vực và trên thế giới như: Philippin, Malaisia, Indonesia… biểu giá bậc thang của họ chỉ 3-4 bậc, do đó đề nghị EVN, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh lại các bậc thang “mềm” hơn so với 7 bậc như hiện nay. Có nghĩa là khoảng cách mỗi bậc, khi lượng tiêu thụ điện tăng lên trên 50kWh thì mới bị ảnh hưởng của bậc thang.

3. Một vấn đề nữa, việc lắp đặt công tơ điện lâu nay vì chưa có điều kiện, ngành điện bố trí lắp đặt 2 loại công tơ là công tơ cơ và công tơ điện tử đang được treo lên các cột, tình trạng đang là thủ công. Các nước phát triển trên thế giới người ta bố trí chỗ lắp đặt công tơ vào những nơi dễ đọc, dễ đếm, hiện đại dùng hệ thống điều khiển từ xa để ghi chỉ số điện dùng hàng tháng. Ở Việt Nam mình đang sử dụng một lượng lao động lớn để lắp đặt công tơ, đo đếm và ghi chỉ số công tơ bằng thủ công.

Để làm cho dân rõ và minh bạch hóa công tơ, khi ngành điện đọc công tơ của hộ gia đình, doanh nghiệp, thì nên mời hộ tiêu dùng cùng đọc và hướng dẫn cho họ biết lượng điện tiêu thụ trên chỉ số công tơ hàng tháng một cách rõ ràng, trong đó phân tích giá điện vào giờ cao điểm là bao nhiêu, mấy giờ trong tháng, giờ trung bình, giờ thấp điểm là giá bao nhiêu. Như vậy, người dân, hộ tiêu thụ không thể thắc mắc chỉ số công tơ, làm được như vậy thì người dân sẽ không thắc mắc. Công tơ là dụng cụ đo lường, ngành điện cần có quy trình về kiểm tra độ chính xác của công tơ, nếu phát hiện trường hợp khác thường thì nên có biện pháp thay thế.

4. Việt Nam chúng ta là nước có cường độ tiêu thụ điện/GDP cao (1 lượng điện/1 GDP) so với các nước trên thế giới, làm cho hệ số đàn hồi (tiêu thụ điện năng/ GDP) tăng cao. Các nước trên thế giới hiện nay hệ số đàn hồi là dưới 1, còn Việt Nam trên 1, thậm chí là 2. Mức tăng trưởng hệ thống điện lâu nay là trên 10%/năm, đặc biệt những năm nắng nóng thế này sẽ tăng cao hơn, trong lúc đó GDP trên cả nước chỉ tăng trên 6%, như vậy tăng trưởng điện năng gấp đôi tăng trưởng GDP, từ đó hiểu rằng áp lực về đầu tư phát triển nguồn và lưới điện là rất cao.

Do tình trạng đó, hàng năm ngành điện phải đầu tư phát triển nguồn và lưới cần tới 140.000 tỷ đồng, trong lúc đó việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn, vì vốn tích lũy hàng năm của ngành điện thấp, do tỷ suất lợi nhuận thấp. Trước đây, EVN thường bị lỗ, chỉ có năm 2015, khi Chính phủ cho điều chỉnh giá điện tăng bình quân lên 1.600 đồng/kWh thì lợi nhuận đạt 13.000 tỷ đồng, nhưng do phải trả nợ vì tỷ giá trước đây mất 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận còn khoảng 3.000 tỷ đồng, số tiền này không đủ làm vốn đối ứng cho một dự án hạng vừa. Từ đó, ngoài các giải pháp tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí, EVN tích cực giảm tổn thất điện năng xuống thấp, phát động các phong trào, thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia của Chính phủ. Mỗi năm, EVN tiết kiệm được trên 2 tỷ kWh/năm, đạt 3-4%/năm và tích cực tái cơ cấu ngành điện để đảm bảo giảm chi phí giá thành sản xuất điện, cải thiện được bức tranh tài chính hàng năm, làm tăng tỷ suất lợi nhuận ngày càng khá hơn và làm tăng năng suất lao động, song cũng không có cách nào khác, ngoài việc Chính phủ có chủ trương tăng giá điện vào năm 2016, để giúp cho EVN cải thiện được tình hình tài chính, góp một phần vốn trong nước cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, điều đó có nghĩa là làm giảm được nợ công của Chính phủ.

5. Việc đầu tư nguồn và lưới điện, EVN, PVN, TKV và các doanh nghiệp khác, đã xây dựng được một lượng công suất tới 34.000 MW, đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngoài ra còn có điện dự phòng. Hiện nay, EVN và các tập đoàn khác đang đầu tư phát triển nguồn theo Tổng sơ đồ điện VII, kể từ nay tới năm 2020, không những không thiếu điện mà thường xuyên có nguồn điện dự phòng.

Một vấn đề hết sức quan trọng cần lưu ý, những ngày qua, do phụ tải các khu vực tăng cao, vì do nắng nóng kéo dài nên nhiều nơi bị mất điện, do quá tải cục bộ, từ đó, EVN cần có cơ chế, chủ trương kể cả đầu tư xây dựng mới và cải tạo các trạm biến áp, đặc biệt lưới điện phân phối thì cần nâng cấp tiết diện dây dẫn, máy cắt, các thiết bị bảo vệ khác ở hệ số an toàn, đảm bảo với tình trạng nắng nóng như hiện nay và hơn nữa, thì sau 5-7 năm nữa không phải cải tạo, nâng cấp nhiều nơi như hiện nay.

Công tác truyền thông, vận động, giáo dục, EVN cần kết nối với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho dân hiểu và biết những khó khăn của ngành điện, như việc đầu tư rất lớn cho phát triển nguồn và lưới điện, nâng cấp cải tạo hệ thống điện, đưa điện về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hải đảo với lượng vốn rất lớn như nêu trên.

EVN là một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, tất cả hoạt động của EVN đều dưới sự chỉ đạo của Bộ, ngành, Chính phủ, việc nắng nóng vừa qua dẫn đến việc tăng tiền điện lên cao, các cơ quan truyền thông đã lên tiếng, ngoài việc EVN, cơ quan truyền thông tuyên truyền phát động về chương trình thi đua tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, đẩy mạnh công tác này để hiệu quả mỗi năm càng tốt hơn, làm cho chương trình này ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả cao hơn.

Đối với Chính phủ, cần đưa chương trình tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện tới người dân một cách sâu sắc và đưa vào hệ thống giáo dục từ lớp 1 đến hết đại học. Vấn đề ý thức con người là quan trọng, khi họ nhận thức được thì họ sẽ tiết kiệm và sẽ đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động