Khởi công dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II
11:42 | 16/10/2015
Nhiệt điện Na Dương: Bước chuyển mình vững chắc
Lễ khởi công dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II
Địa điểm xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II nằm trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thuộc thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II có tổng công suất 110MW, bao gồm 01 tổ máy. Tổng mức đầu tư trên 4.194 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại.
Báo cáo tại lễ khởi công dự án, ông Ngô Trí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - Vinacomin (đơn vị được giao là Chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án NMNĐ Na Dương II thuộc Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là dự án quan trọng trong Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành Than - Khoáng sản nói riêng và trong Quy hoạch điện quốc gia nói chung. Việc sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn tiên tiến, đưa dự án vào vận hành năm 2018 sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên than có chất lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh cao của mỏ than Na Dương để phát điện, góp phần tạo điều kiện cơ bản để ổn định và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lạng Sơn và khu vực trung du miền núi phía bắc.
Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải trao tặng ủng hộ quỹ vì người nghèo huyện Lộc Bình
Bên cạnh đó, việc đầu tư Nhà máy nhiệt điện Na Dương II sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong giai đoạn xây dựng và vận hành chưa kể các dịch vụ kèm theo, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, là một bước đột phá quan trọng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn tỉnh Lạng Sơn. Nhà máy đi vào vận hành cũng góp phần tăng khoản nộp ngân sách nhà nước hàng năm.
Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - Vinacomin báo cáo tại lễ khởi công
Theo ông Ngô Trí Thịnh, Nhà máy sẽ sử dụng có hiệu quả nguồn nguồn than tại mỏ than Na Dương và là một hộ tiêu thụ than lớn, ổn định trong suốt một giai đoạn kéo dài từ 30 đến 40 năm từ khi tổ máy đi vào vận hành, với mức tiêu thụ hàng năm của nhà máy vào khoảng 500 nghìn tấn/năm. Nhờ đó, dự án sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành than.
Các phương tiện máy móc đã sẵn sàng
Sau khi tổ chức xong lễ khởi công, Tổng công ty Điện lực - Vinacomin sẽ tập trung cao độ các nguồn lực sớm hoàn thành các công tác như: Hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng một phần mặt bằng dự án; rà phá bom mìn; san lấp mặt bằng; xây lắp hệ thống cấp điện thi công, hệ thống cấp nước thi công; triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu EPC, thu xếp vốn cho dự án và thực hiện các phần việc/gói thầu khác theo đúng tiến độ được phê duyệt để đảm bảo điều kiện khởi công gói thầu EPC nhà máy chính vào cuối quý II năm 2016, đảm bảo tiến độ hoàn thành xây dựng và đưa Dự án vào phát điện thương mại vào năm 2018.
PHAN THANH DŨNG