RSS Feed for ERAV lý giải về Thứ năm 18/04/2024 14:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

ERAV lý giải về "cơ chế giá bán điện bình quân"

 - Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TT vừa được Bộ Công Thương đưa ra để lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các khách hàng sử dụng điện, nhằm làm rõ về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân. Sau khi Dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến, dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt là những thắc mắc: Có hay không việc tăng thẩm quyền quyết định tăng giá điện là cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cho Bộ Công Thương? Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - ERAV (Bộ Công Thương), cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo đã có những giải đáp về vấn đề này.

Cơ chế giá bán điện bình quân có thể được điều chỉnh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực trả lời báo chí. Ảnh: Đức Duy/Vietnamplus

"Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

Tại văn bản này, Thủ tướng cũng quy định về thẩm quyền EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 5%. Trong thời gian quyết định 24 có hiệu lực, giá bán điện đã được điều chỉnh 4 lần, phản ánh kịp thời tác động của các biến động thông số đầu vào cơ bản tới giá điện.

Đến năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng, cần dãn tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá và nâng ngưỡng điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức cao hơn 5%. Tại thời điểm đó, do sự biến động mạnh của các yếu tố đầu vào, nhằm hạn chế sự điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng chấp thuận ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg thay thế Quyết định 24/QĐ-TTg.

Theo Quyết định 69, tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng và ngưỡng điều chỉnh giá bán điện được tăng lên 7%.

Tới năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã xem xét, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg. Dù nhiều ý kiến cho rằng Quyết định 69 đã giúp quy trình xem xét, điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước.

Tuy nhiên, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện quy định tại QĐ này vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tách bạch rõ cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm theo biến động các thông số đầu vào và cơ chế điều chỉnh giá điện hằng năm theo biến động đầu vào của tất cả các khâu; thẩm quyền quyết định của EVN khi điều chỉnh giá bán điện trong phạm vi cho phép, tăng cường việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện hằng năm...

Như phân tích trên, dự thảo quy định lại tần suất tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng.

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm ở mức tương ứng; trường hợp giá bán điện tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện ở mức tương ứng.

Đồng thời lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra. Nếu giá bán điện cao hơn giá bán hiện hành từ 5% đến dưới 10%, Bộ Công Thương chủ trì quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện tương ứng.

Nếu vượt 10% trở lên, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...

Dự thảo mới đã được Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan theo đúng quy định, được đăng tải rộng rãi trên trang web của Bộ Công Thương từ tháng 2.2016 để lấy ý kiến của các khách hàng sử dụng điện...

Dự thảo mới đã quy định Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định.

Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu EVN giảm, hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân. Hằng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, mời Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề...". Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động