RSS Feed for Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 3) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 18:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 3)

 - Từ năm 2014 đến nay, ngành Điện thực hiện nhiều dự án kéo điện từ đất liền ra các đảo trong tỉnh Kiên Giang, tạo diện mạo mới cho các đảo trên vùng biển Tây Nam tổ quốc, góp phần khơi dậy tiềm năng kinh tế, giữ vững chủ quyền quốc gia.


Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 1)

Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 2)


KỲ 3: TẠO ĐÀ CHO DU LỊCH PHÁT TRIỂN

Vượt trùng khơi mang điện ra đảo

9h sáng, chuyến tàu cao tốc từ TP. Rạch Giá cặp bến cảng biển xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải). Từ cảng biển, chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy đường điện sừng sững, thẳng tắp trên biển kéo từ đất liền ra đảo Lại Sơn.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi trở lại đảo Lại Sơn sau 4 năm (2016-2020) ngành điện thực hiện đóng điện Công trình kéo điện lưới quốc gia trên biển từ cảng Xẻo Nhàu (An Minh) ra xã đảo Lại Sơn. Trên chiếc xe máy, chúng tôi chạy vòng con đường quanh đảo. Đường được mở rộng hơn, ven đường, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn, giải khát… mọc lên nhiều hơn.

Chị Phạm Bích Trâm - Chủ nhà nghỉ Nhã Kỳ, tại ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn cho biết: “Từ khi có điện lưới quốc gia, gia đình tôi đầu tư mở rộng thêm 10 phòng trọ, nâng tổng số 22 phòng. Với 22 phòng trọ, mỗi tháng tôi chi từ 6 - 7 triệu đồng tiền điện, tiết kiệm khoảng 40% chi phí so với sử dụng máy phát điện trước đây”.

Theo chị Phạm Bích Trâm, từ khi có lưới điện quốc gia, chị trang bị máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi, bình nóng lạnh… cho tất cả các phòng nghỉ để phục vụ du khách. Chất lượng dịch vụ nâng lên, lượng khách du lịch đến đảo ngày một nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lại Sơn cho biết: “Từ khi có điện lưới quốc gia, cơ sở hạ tầng của xã có nhiều thay đổi, kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Cụ thể, cơ sở kinh doanh lưu trú tăng 27 nhà nghỉ với 316 phòng, tăng 45 quán ăn phục vụ khách du lịch, tăng 2 cơ sở sản xuất nước đá, tăng 2 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Các xưởng cơ khí trên địa bàn không ngừng mở rộng vì có điện sử dụng liên tục chứ không theo khung giờ như máy phát điện trước đây”.

Điện lưới quốc gia không chỉ tạo đà để xã Lại Sơn phát triển mạnh về kinh tế mà còn góp phần đẩy mạnh chất lượng giáo dục của xã. Từ khi có điện, mạng Internet thông suốt, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh nắm bắt kịp thời những thông tin mới về công tác giáo dục. Nhà trường có điều kiện thực hiện tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Học sinh có ánh sáng điện lưới quốc gia liên tục nên việc học thuận lợi hơn.

Theo ông Lâm Trần Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Điện lực Rạch Giá: “Tại huyện Kiên Hải, ngành điện kéo điện lưới quốc gia ra 2 đảo gồm đảo Hòn Tre và đảo Lại Sơn, cấp điện cho gần 3.500 hộ dân. Năm 2019, sản lượng điện phục vụ cho 2 đảo này tăng 30% so năm 2016, chủ yếu là tăng sản lượng đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ và cơ khí”.

Xây dựng diện mạo mới cho đảo

Cách đây 6 năm (2014-2020), người dân Phú Quốc từng phút, từng giờ mong chờ Dự án cáp ngầm xuyên biển 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc hoàn thành đóng điện. Nhớ lại giây phút mong chờ ấy, anh Nguyễn Văn Nam, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), bày tỏ: “Tết năm 2014, người dân Phú Quốc vỡ òa niềm vui đón dòng điện quốc gia lần đầu tiên ra đảo mà nhiều người không tin đó là sự thật. 6 năm qua, nhờ có điện lưới quốc gia người dân Phú Quốc có điều kiện phát triển sản xuất. Đảo ngọc có điện lưới tỏa sáng bừng lên sức sống mới, du khách muôn phương đến với Phú Quốc nhiều hơn”.

Có thể nói từ khi có điện lưới quốc gia về, huyện đảo Phú Quốc như khoác lên mình chiếc áo mới. Trên đảo không chỉ có điện lưới quốc gia, giờ đây Phú Quốc còn có đường cao tốc Nam - Bắc đảo, thiên đường giải trí Vinpearl Phú Quốc, Sân bay quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, các khu đô thị mới, nhà hàng, khách sạn cao cấp, sang trọng... 

Ông Lê Văn Bảy, ngụ xã Gành Dầu (Phú Quốc), phấn khởi nói: “Bà con trong xã rất đỗi mừng vui trước sự phát triển của đảo Phú Quốc. 6 năm trước, nói đến điện máy phát ai cũng ngán ngại, với giá điện bình quân 25.000 đồng/kWh, nhưng cũng chỉ đủ để thắp sáng một, hai bóng đèn trong nhà. Từ khi có điện lưới quốc gia, điều kiện sản xuất, đời sống sinh hoạt gia đình nâng lên”.

Ông Huỳnh Quang Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, cho biết: “Từ khi có dòng điện lưới quốc gia, Phú Quốc đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại và thu hút gần 200 dự án đầu tư. Nhờ có điện lưới quốc gia, kinh tế Phú Quốc phát triển nhanh chóng, nhất là lĩnh vực du lịch. Nhân dân trên đảo sử dụng điện phục vụ trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”.

Tiếp tục đầu tư điện cho đảo ngọc

Ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, sau khi tuyến cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc đi vào hoạt động, phụ tải sử dụng điện tại huyện đảo Phú Quốc tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân trên 50%/năm. Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 là 87,3 triệu kWh, đến năm 2019 đạt 492,25 triệu kWh. Công suất cung cấp điện lớn nhất năm 2014 chỉ đạt 16 MW đến năm 2019 đã đạt 85 MW”.

Trên địa bàn huyện Phú Quốc, các chủ đầu tư khách sạn, trung tâm dịch vụ, khu du lịch đã đăng ký phụ tải điện với tổng công suất hơn 110 MW. Theo tính toán của ngành điện, năm 2020, nhu cầu điện tại Phú Quốc có thể tăng lên công suất hơn 250 MW. Trong khi đó, tuyến cáp ngầm 110 kV vận hành từ năm 2014 có công suất truyền tải tối đa 131 MW, không thể đáp ứng đủ nhu cầu điện cho huyện đảo Phú Quốc trong giai đoạn từ 2020 trở đi. Theo ngành điện dự đoán, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 tại Phú Quốc tăng bình quân 30%/năm.

Do đó, để đảm bảo khả năng cấp điện cho đảo Phú Quốc thời gian tới, tháng 3/2020, ngành điện đã triển khai đầu tư xây dựng dự án đường điện 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc. “Hiện, đường điện 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc đã hoàn thành 90%, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong quý III-2020”, - Ông Hứa Thanh Nhàn cho biết. Ngoài ra, để đảm bảo việc cung cấp điện ổn định, liên tục cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho huyện đảo Phú Quốc, ngành điện đang triển khai các dự án như đường điện và Trạm biến áp 110 kV Nam Phú Quốc; đường điện và Trạm biến áp 110 kV Bắc Phú Quốc.

Hy vọng, với những dự án điện trọng điểm đang tiếp nối của ngành điện dành cho đảo ngọc sẽ kịp thời “tiếp sức” cho hệ thống lưới điện hiện hữu; đảm bảo việc cung cấp điện ổn định, liên tục phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai cho đảo ngọc.

Kỳ cuối: Tạo đà cho công nghiệp phát triển

THÙY TRANG - PC KIÊN GIANG

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động