Điện lực Việt Nam: Những điểm nhấn giai đoạn 2011-2015
20:57 | 11/01/2016
Bước tiến mới trong vận hành hệ thống điện Việt Nam
1. Cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân
Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển KT-XH của đất nước. Ước đến cuối năm 2015, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc là 38.800 MW, trong đó các nguồn điện do EVN sở hữu là 23.580 MW (chiếm 60,8% công suất đặt của hệ thống), tăng 1,8 lần so với năm 2010. EVN hiện đang quản lý hệ thống lưới điện gồm trên 41.100 km đường dây 500 - 220 - 110 kV (tăng 1,5 lần so với năm 2010) và trên 440.000 km đường dây trung thế và hạ thế (tăng 1,2 lần so với năm 2010); tổng dung lượng trạm biến áp 500 - 220 - 110 kV tăng 1,8 lần so với năm 2010. Công tác điều hành cung ứng điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế; huy động hợp lý các loại nguồn điện đạt hiệu quả kinh tế.
Tổng sản lượng điện sản xuất và mua 5 năm 2011-2015 là 668,5 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 10,37%/năm. Tổng sản lượng điện thương phẩm giai đoạn 2011-2015 là 587,5 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 10,84%/năm. Riêng năm 2015, sản lượng điện thương phẩm đạt 143,34 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm nội địa so với với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 là 1,85 lần.
2. Vượt kế hoạch giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng
Giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã thực hiện khối lượng lớn đầu tư nguồn và lưới điện, hoàn thành được nhiều dự án, tăng cường năng lực cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cấp điện cho miền Nam, cho thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm. Đây cũng là thời kỳ có khối lượng và tốc độ đầu tư lớn nhất trong quá trình phát triển của EVN, góp phần tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực với quy mô bề thế, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN và thứ 31 thế giới.
Về nguồn điện, giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện 34 tổ máy thuộc 17 dự án với tổng công suất 9.852 MW (bằng 125% so với Quy hoạch điện VII được duyệt). Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã hoàn thành phát điện vượt trước thời hạn 3 năm. Ngày 14/12/2015, tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu phát điện hòa vào lưới điện quốc gia là tiền đề tốt để hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm trước 1 năm so với quyết định của Chính phủ... Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1... đi vào vận hành góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
Về lưới điện, trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN hoàn thành đóng điện 885 công trình lưới điện từ 110 - 500kV, với tổng chiều dài đường dây trên 12.500km và tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm gần 60.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực. Trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc - Nam như: đường dây (ĐD) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, ĐD 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc cho cả 2 mạch đường ĐD 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương ...
Giai đoạn 2011 - 2015, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN ước đạt 487.220 tỷ đồng, bằng 2,4 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Ngành Điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.
3. Vượt mức về đầu tư lưới điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo
Chương trình đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo đã được EVN hoàn thành vượt kế hoạch. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015. Tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hầu hết nhân dân ở các khu vực này đã được sử dụng điện: Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam bộ là 98,85% và 97,27%.
EVN đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Giai đoạn 2011-2015 đã tiếp nhận gần 1.370 xã tương ứng với trên 1,97 triệu hộ dân nông thôn. Số khách hàng được EVN cung cấp điện trực tiếp đến nay đạt 23,7 triệu khách hàng, tăng trên 6 triệu khách hàng (tăng 31%) so với năm 2010.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư cấp điện cho 9/12 huyện đảo gồm: đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Hiên nay, EVN đang tiếp tục triển khai cấp điện từ HTĐ quốc gia cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), nhận bàn giao lưới điện và xây dựng phương án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), đảo bé Lý Sơn (Quảng Ngãi)...
4. Đột phá trong công tác dịch vụ khách hàng
Hiện nay, tổng số khách hàng mua điện trực tiếp của EVN đạt 23,7 triệu khách hàng tăng 31% so với năm 2010. Theo đó, công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm bình quân đánh giá mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn Tập đoàn do đơn vị Tư vấn độc lập thực hiện điều tra tăng hàng năm và đạt 7,5/10 vào năm 2015. Thời gian phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ; lắp đặt công tơ mới cho khách hàng khu vực đô thị với thời gian nhỏ hơn 3 ngày đạt 83,17% số trường hợp; khu vực nông thôn với thời gian nhỏ hơn 5 ngày đạt 88,61% số trường hợp. Chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện theo tiêu chuẩn quốc tế của toàn Tập đoàn ngày càng được cải thiện rõ rệt và được khách hàng ghi nhận.
5. Hoàn thành công tác thoái, giảm vốn ngoài ngành
Về thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành nghề kinh doanh chính: Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 07 Công ty cổ phần (CTCP). Tính đến cuối năm 2015, EVN đã thoái toàn bộ vốn ở 4 doanh nghiệp bất động sản (CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung, Công ty CP Chứng khoán An Bình) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) theo đúng phê duyệt của Bộ Công Thương với hình thức thỏa thuận chuyển nhượng và đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá; hoàn thành việc giảm vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) xuống còn 15% vốn điều lệ của EVNFinance theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN đạt 1.993,202 tỷ đồng, lãi gần 35 tỷ đồng.
Như vậy đến hết năm 2015, EVN đã hoàn thành việc thoái vốn tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
6. Tỷ lệ tổn thất điện năng không vượt quá 8%
Sau 5 năm, tổn thất điện năng giảm được 2,15% từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8,0% vào cuối năm 2015 bằng việc thực hiện nhiều giải pháp đột phá. Như vậy, tổn thất điện năng của EVN tương đương với tổn thất của các công ty điện lực cùng mô hình tổ chức ở các nước trong khu vực (năm 2014 tổn thất của Công ty TNB- Malaysia là 8,33%, Công ty PT PNL - Indonesia là 9,92%...).
7. Hiệu quả cao trong tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm
EVN và các đơn vị đã triển khai sâu rộng nhiều hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương với các dự án cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhận thức về tiết kiệm điện trong xã hội được nâng cao với việc người dân và doanh nghiệp đã chủ động sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện cũng như thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm nội địa so với với tốc độ tăng trưởng GDP của giai đoạn 2011-2015 là 1,84 lần so với 2,02 lần giai đoạn 2006-2010, cho thấy tiêu dùng điện đã có chiều hướng hiệu quả hơn.
8. Triển khai tốt công tác trồng bù rừng các dự án thủy điện
Đến cuối năm 2015, trong tổng số 18 dự án, đã có 03 dự án thủy điện ở khu vực miền trung hoàn thành công tác trồng bù rừng và được cấp chứng nhận gồm: TĐ A Vương, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah; 15 dự án thủy điện còn lại đã được địa phương phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và đã hoàn thành chuyển tiền cho địa phương để trồng và chăm sóc năm đầu gồm thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4 và Sông Bung 2.
Ngoài việc chi hàng nghìn tỷ đồng trồng bù rừng thay thế, EVN còn góp phần bảo vệ môi trường rừng ở 29 tỉnh nơi có dự án thủy điện của EVN thông qua việc nộp phí dịch vụ môi trường rừng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (Năm 2013 nộp 1.148 tỷ đồng, năm 2014: trên 1.192 tỷ đồng và năm 2015: ước tính hơn 4.067 tỷ đồng).
Việc trồng bù rừng thay thế nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.
9. Áp dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động
Một số thành tựu tiêu biểu đó là: Tự thiết kế và xây dựng thành công Nhà máy Thủy điện Sơn La; chế tạo thành công máy biến áp 500kV; đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện than phun 622MW (tại Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2); nâng cao thông số nhiệt độ, áp suất, để giảm hàm lượng phát thải cacbon và tăng hiệu suất chu trình (Duyên Hải 1, Uông Bí MR 2, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2...); sử dụng công nghệ lò tầng sôi hiện đại tại nhiệt điện Mông Dương 1; đưa vào vận hành công trình thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công (TĐ Huội Quảng).
Lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, như: Ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị: kiểm tra phóng điện cục bộ MBA 220-500kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500kV; vệ sinh cách điện trên lưới điện đang mang điện bằng nước áp lực cao; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện...
Bên cạnh những ứng dụng khoa học công nghệ nêu trên, việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển Hệ thống điện và thị trường điện mới vừa qua góp phần khẳng định những bước đi chắc chắn trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế hệ thống điện Việt Nam của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
10. Công tác an sinh xã hội đem lại hiệu quả thiết thực
Trong 5 năm qua, EVN đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại gần 1.370 xã với trên 1,97 triệu hộ dân nông thôn, đem lại lợi ích thiết thực do được sử dụng điện đúng mức giá theo quy định của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn cùng chung tay thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội lớn, trong đó:
+ Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã hoàn thành các chương trình hỗ trợ 03 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009-2015, tổng giá trị thực hiện là 575 tỷ đồng, về cấp điện đã nâng tỷ lệ số hộ dân có điện tại 3 huyện từ 40% năm 2011 lên 90% cuối năm 2015. CBCNV trong Tập đoàn đã đóng góp bằng tiền lương 47,4 tỷ đồng để xây dựng nhà bán trú tại các trường học, xoá nhà tạm, cấp học bổng đào tạo nghề cho con em dân tộc, và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp. Tập đoàn và UBND tỉnh Lai Châu đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ giai đoạn 2016-2020 với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng.
+ Trong giai đoạn từ 2011-2015, EVN đã hỗ trợ thêm gần 900 tỷ đồng cho công tác di dân tái định cư tại các dự án nguồn điện (ngoài các quy định của Nhà nước đã được UBND các tỉnh phê duyệt và thống nhất với nhân dân vùng bị ảnh hưởng), năm 2016 dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm 181 tỷ đồng.
+ Thông qua Công đoàn Điện lực Việt Nam, bằng nguồn Quỹ do CBCNV đóng góp, đã trợ cấp kịp thời cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị thiên tai bão lụt; phụng dưỡng 103 Mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ các hoạt động về biển đảo, chương trình Nhà tình thương, ủng hộ các quỹ xã hội, từ thiện tại Trung ương và các địa phương trong các năm 2011-2015 với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng...
NangluongVietnam Online