RSS Feed for Cơ chế để Thủy điện Hòa Bình (mở rộng) hoàn thành năm 2023 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 01:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ chế để Thủy điện Hòa Bình (mở rộng) hoàn thành năm 2023

 - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp vừa có văn bản đồng ý để Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết định đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (mở rộng).

Dự án nguồn, lưới điện nào sẽ vào danh mục ‘cấp bách’?



Theo văn bản này, HĐTV EVN hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (trong đó kế thừa và tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia đối với báo cáo nghiên cứu khả thi) với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia.

Mặt khác, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp giao HĐTV EVN thực hiện quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng và quản lý dự án đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện đầu tư.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (mở rộng) do EVN làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ đầu tư đối ứng 30%, vốn vay thương mại 70%. Dự án có công suất 2 x 240 MW, sản lượng điện khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Dự án được dự kiến khởi công vào quý IV năm 2020 và hoàn thành năm 2023.

Mục tiêu xây dựng nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa nước hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện. Ngoài ra, việc mở rộng Nhà máy còn nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

Sơ bộ thiết bị công nghệ chính gồm: Thiết bị cơ khí thủy lực (bao gồm 2 tổ máy tua bin Francis, máy phát điện đồng bộ 3 pha trục đứng, công suất lắp máy 480 MW (2x240 MW) và các thiết bị phụ đồng bộ); thiết bị cơ khí thủy công (bao gồm thiết bị cửa nhận nước, nhà máy thủy điện, đường ống áp lực và các thiết bị phụ khác); trạm phân phối điện (sử dụng phương án trạm GIS, đấu nối với hệ thống điện quốc gia ở cấp điện áp 220kV, hoặc 500kV).

Nhà máy được xây dựng tại cửa lấy nước thuộc xã Thái Thịnh, đường hầm dẫn nước; nhà máy thuộc phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động