RSS Feed for ‘Chưa xác định thời gian vận hành dự án Nhiệt điện Thái Bình 2’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 08:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘Chưa xác định thời gian vận hành dự án Nhiệt điện Thái Bình 2’

 - Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phát triển Điện lực về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách trong Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) và giải pháp đảm bảo cung cấp điện đến năm 2030, ngày 18/12/2019 cho biết: Thời gian đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động vẫn chưa xác định, bởi đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa chỉ đạo giải quyết các vướng mắc theo đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để triển khai tiếp.

Khiếu kiện của nhà thầu PM và các bế tắc ở Nhiệt điện Long Phú 1



Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực thì hiện tiến độ tổng thể của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt khoảng 84,2%. Các hạng mục xây dựng chính đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện. Cạnh đó, công tác chuẩn bị phát điện, dự án đã hoàn tất các hạng mục liên quan đến đóng điện ngược Sân phân phối 220 kV và vận hành Sân phân phối 220 kV ổn định, an toàn. Đặc biệt là đã hoàn thành quy trình phối hợp vận hành giữa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 (của EVN)  và Nhiệt điện Thái Bình 2 (của PVN).

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, thời gian đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động vẫn chưa xác định do còn nhiều khó khăn, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc theo đề xuất của PVN để triển khai tiếp dự án.

Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực đề xuất sớm có ý kiến giải quyết dứt điểm các kiến nghị về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. 

Mặt khác, giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chủ trì, sớm giải quyết vướng mắc của dự án này, cũng như dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (liên quan đến việc nhà thầu Power Machines khởi kiện PVN ra tòa Trọng tài Quốc tế tại Singapore và các vướng mắc khác trong hợp đồng EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án này, v.v...).

Nếu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 không được “cấp cứu khẩn cấp”?

Trước những khó khăn, vướng mắc của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, hồi cuối tháng 3/2019, các chuyên gia, nhà khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng đã có văn bản tổng hợp kiến nghị gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều nội dung quan trọng.

Qua tính toán của các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy, một khi công trình được hoàn thành đúng tiến độ, việc trả lãi, trả vốn vay đã nằm trong các tính toán thông thường về kinh tế và hiệu quả Dự án. Nhưng tính đơn giản hóa từ thời điểm hiện nay, với mức giá vốn của công ty Nhà nước ước có lợi nhuận khoảng 7%/năm, thì mỗi năm kéo dài thêm việc hoàn tất Dự án, vốn chủ sở hữu nói trên sẽ bị thất thu gần 1.290 tỷ đồng; Cạnh đó là tiền lãi vay phải trả (của phần vay) khoảng gần 900 tỷ đồng (khi tính lãi suất vay thương mại là 7%/năm). Tổng cộng số tiền có thể bị tổn thất là khoảng 2.188 tỷ đồng/năm. Nếu tránh được hệ lụy này, chúng ta có thể đủ chi trả cho hơn 30.000 giáo viên/năm, với mức lương 6 triệu đồng/tháng; hoặc đủ cho xây dựng mới hơn 100 trường học phổ thông cơ sở đạt tiêu chuẩn.

Với nhận thức rằng, đây là Dự án quan trọng trong việc góp phần đáp ứng nhu cầu điện tăng cao của nền kinh tế, đến nay đã được thực hiện đầu tư với số vốn đã giải ngân rất lớn và khối lượng hoàn thành đạt 84,2%. Đặc biệt, với công trình nhiệt điện than có đặc điểm là để càng lâu không đưa vào vận hành thì nhiều hạng mục sẽ xuống cấp, hư hỏng, nhất là các thiết bị, công nghệ sẽ bị han gỉ, thậm chí để quá lâu, Dự án có thể trở thành “đống sắt vụn”. Như vậy, nếu càng để chậm tiến độ hoàn thành Dự án thì thiệt hại kinh tế càng lớn do lãi vay tăng cao, nguồn vốn đầu tư bổ sung khắc phục cũng tăng theo và số vốn đã đầu tư “bị chết” sẽ không thu hồi được.

Có thể nói, về kinh tế, việc chậm trễ Dự án này là “thiệt đơn, thiệt kép”. Do vậy, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã kiến nghị:

Thứ nhất: Đề nghị các cơ quan liên quan, đi đôi với việc tiếp tục để các cơ quan chức năng điều tra, xác định và xử lý nghiêm minh các tổ chức, bộ phận, cá nhân vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; cần chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy tiến độ hoàn thành sớm đưa Nhà máy đi vào hoạt động, nhằm giảm các thiệt hại kinh tế - xã hội do sự chậm trễ gây ra. Đồng thời, chỉ đạo việc điều tra, xử lý vi phạm pháp luật không gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án. 

Thứ hai: Chính phủ căn cứ vào các kiến nghị của PVN, báo cáo của Bộ Công Thương và các ý kiến của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương thành lập, sớm có các văn bản chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình nhanh chóng hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với PVN tháo gỡ các vướng mắc trong các quy định hiện hành, nhất là cơ chế huy động, thu xếp vốn cho Dự án theo tinh thần “cấp cứu khẩn cấp” để mau chóng tiếp tục thực hiện các công việc còn lại nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án sớm nhất có thể.

Thứ ba: Chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng phương án, kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể, kể cả dự toán và tiến độ thi công để tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục còn lại, đảm bảo hoàn thành Dự án đúng tiến độ đã đề ra./. 

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động