RSS Feed for Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về tăng giá điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về tăng giá điện

 - Ngày 17/5/2019, Bộ Công Thương có công văn 3489/BCT-ĐTĐL, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ. Báo cáo đề cập các nội dung về quá trình xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Tăng giá điện và 'phản biện' thiếu căn cứ của nhiều chuyên gia [*]
Hậu quả sẽ thế nào, nếu Việt Nam không điều chỉnh giá điện?

Quá trình xây dựng và ban hành

Về quá trình xây dựng ban hành, Báo cáo nêu các nội dung về cơ sở pháp lý, quá trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và các thông số, giá trị tính toán và đánh giá. 

Trong đó, về các thông số đầu vào tính giá điện, Báo cáo này đề cập các số liệu về sản lượng điện, việc điều chỉnh giá than nội địa bán cho sản xuất điện, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với than, điều chỉnh giá khí trong bao tiêu cho sản xuất điện cơ chế thị trường, phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 của các nhà máy điện vào năm 2019, tính toán giá các loại nhiên liệu dự báo năm 2019. Tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính này và một số yếu tố khác làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Với các thông số đầu vào này, giá điện bình quân năm 2019 là 1864,44 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 thuộc các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019. Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh là 1864,44 đ/kWh, ngày 20/3/2019, Căn cứ quy định tại quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, căn cứ cơ cấu sản lượng điện thương phẩm thực tế thực hiện năm 2018 của các nhóm đối tượng khách hàng do EVN báo cáo, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Đánh giá về tác động vĩ mô, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi thực hiện điều chỉnh giá bán điện thì CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3 đến 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%. Theo thông báo cập nhật tháng 4 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, so với tháng 3, CPI tháng 4 năm 2019 tăng 0,31%. Mặt hàng điện nằm trong nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng, nhóm này chỉ tăng 0,6%.

Trong công văn 3489/BCT-ĐTĐL, Bộ Công Thương cũng báo về giá bán lẻ điện theo bậc thang. Hiện nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia Philippines đều áp dụng giá điện theo các bậc thang, và giá điện bậc thang sau cao hơn so với bậc thang đầu tương tự như Việt Nam.

Cách áp dụng giá điện sinh hoạt theo bậc thang của một số nước.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi về các phương án giá điện bậc thang. Tuy nhiên khi tính tới các mục tiêu như đảm bảo an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đơn giản trong sử dụng thì phương án giá điện bậc thang hiện nay vẫn là phương án được nhiều người chấp nhận hơn cả.

Năm 2018, số hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm khoảng 35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt cả nước. Do vậy giá bán lẻ điện bậc thang cho bậc 1 (từ 0 - 50 kWh) và bậc 2 (từ 51 – 100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp, các bậc thang còn lại có giá cao hơn.

Do đời sống người dân ngày càng được cải thiện, yêu cầu điện sinh hoạt tăng cao, việc lắp đặt công tơ điện tử thay cho công tơ cơ khí cho hộ sinh hoạt ngày càng nhiều nên việc nghiên cứu xây dựng biểu giá điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là cần thiết. Vì vậy trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.

So sánh giá điện Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Trong bảng này không có giá điện các nước Myanma, Đông Timor, Brunei do không có số liệu công bố.

Báo cáo cũng so sánh giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam với giá điện các nước trên thế giới và trong khu vực. Qua thống kê số liệu và so sánh, sau khi điều chỉnh giá điện bán lẻ điện bình quân của Việt Nam vẫn thấp hơn giá điện bình quân của 8 nước có GDP bình quân đầu tương đồng với Việt Nam, bằng 66% giá điện bình quân 8 nước Đông Nam Á và bằng 58% giá điện bình quân của các nước trên thế giới.

So sánh giá điện với các nước cùng GDP.

Kiểm tra thực hiện Quyết định 648/QĐ-BCT

Một nội dung quan trọng của Báo cáo là kết quả kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Ngày 2/5/2019, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1114/QĐ-BCT về việc kiểm tra tình hình thực hiện quyết định số 648/QĐ-BCT từ ngày 08 tháng 5 đến ngày 10 tháng 05 năm 2019. Thành phần đoàn kiểm tra có đại diện Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Kết quả kiểm tra như sau:

Thực tế sử dụng điện

Trong tháng 4 năm 2019, nền nhiệt độ cả 3 miền đều tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 4 năm 2019 tăng 16% so với tháng 3 năm 2019, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả ba miền trong tháng 4 năm 2019 tăng cao hơn so với tháng 3 năm 2019 và cùng kỳ 2018. Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4 năm 2019, tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3 năm 2019. Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so với tháng 3 năm 2019. 

Theo số liệu từ phần mềm hệ thống thông tin quản lý khách hàng của EVN, so sánh riêng số liệu thống kê của tháng 4 năm 2019 so với bình quân năm 2018 cho thấy số lượng khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng có tăng.

Tuy nhiên phần lớn khách hàng sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng tới 200 kWh/ tháng. Cụ thể tháng 4 năm 2019 số lượng khách hàng sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 68,15%, trong đó với mức sử dụng điện dưới 100 kwh/tháng chiếm tỷ lệ 31,6%. Trong khi đó số lượng khách hàng sử dụng điện trên 200 kWh/tháng chiếm tỉ lệ bằng 31,85%.

Kết quả kiểm tra các nội dung

Kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá công tác ghi chỉ số công tơ công tác chốt chỉ số tính tiền điện thanh toán tiền điện

Kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo quyết định số 648/QĐ-BCT đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá, đảm bảo thông tin về điều chỉnh giá trị đến khách hàng kịp thời.

Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chữ số tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được cấp đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN tuân thủ các quy định của Chính phủ.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 năm 2019 tăng là do 3 nguyên nhân: (1) Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng nhiệt độ cao; (2) Tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; (3) Kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3 năm 2019.

Kiểm tra thực tế khách hàng sử dụng điện sản xuất kinh doanh

Kiểm tra thực tế việc chốt chỉ số công tơ phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện lớn cho thấy các Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định.

Để hạn chế ảnh hưởng của tăng giá điện đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, như thay thế sử dụng đèn tiết kiệm điện; sử dụng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ phù hợp; cải tiến; thay thế cấp thiết bị điện tiêu hao, sử dụng nhiều điện; bố trí lại và tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao hiệu suất sử dụng điện.

Kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện

Các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực, các đơn vị đã chuẩn bị kỹ càng có kế hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Kết quả thực tế xử lý tại các cuộc gọi kiểm tra xác suất cho thấy các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 4 tháng 5, toàn Tập đoàn nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hóa đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng đồng ý với kết quả giải quyết.

Công tác phúc tra đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định và đầy đủ 100% khách hàng có sản lượng từ 1,5 lần trở lên đến 2 lần.

Kiểm tra công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng

Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch truyền thông và triển khai tuyên truyền rộng rãi với nhiều hình thức khác nhau các nội dung về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng sử dụng điện.

Thực tế kiểm tra cho thấy, trong thời gian từ ngày 20/3/2019 đến ngày 4/5/2019, có tổng số 11 bài báo trên các báo mạng và báo in, 8 trường hợp đăng trên Facebook nêu thắc mắc, phản ánh của khách hàng có địa chỉ cụ thể. Các thắc mắc, phản ánh của khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, báo đài đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ, các trường hợp khách hàng thắc mắc đã đồng ý với cách giải quyết của đơn vị.

Đối với 8 thắc mắc, phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội Facebook đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý. Sau khi được đơn vị giải thích, khách hàng đã hiểu nguyên nhân và đã gỡ bài viết trên mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về ngành điện sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với khách hàng điện sinh hoạt, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2021, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động